Nhiều vấn đề “nóng” được chất vấn tại kỳ họp

12:39, 08/12/2016

Sáng 8-12, dưới sự chủ trì của đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh tiếp tục làm việc tại hội trường để nghe tổng hợp ý kiến thảo luận tại tổ và thực hiện giải trình, chất vấn, trả lời chất vấn.

 

Theo đó, tại phiên thảo luận tổ ngày 7-12, đã có 73 lượt ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh. Các ý kiến cơ bản thống nhất đánh giá công tác chuẩn bị kỳ họp được thực hiện chu đáo, đúng quy trình; chất lượng các văn kiện trình kỳ họp ngày càng được nâng cao; nhiều ý kiến đã tập trung phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, nhất là các nguyên nhân chủ quan; trên cơ sở đó bổ sung thêm một số giải pháp để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 và tham góp nhiều ý kiến quan trọng vào các đề án, tờ trình và dự thảo nghị quyết trình tại Kỳ họp.

 

Trong phần chất vấn và trả lời chất vấn, đã có 6 đại biểu đặt câu hỏi lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành. Ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn là người đăng đàn đàn đầu tiên trong phần trả lời chất vấn, về các nội dung: Chính sách hỗ trợ nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn; chính sách trợ giá một số giống cây lương thực và chè chậm; vấn đề kiểm soát, kiểm dịch đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm hiện nay? Đối với Giám đốc Sở Tài chính, các nội dung chất vấn liên quan đến định mức phân bổ cho sự nghiệp giáo dục bậc tiểu học được cho là không hợp lý so với các bậc học khác, do không có nguồn từ thu học phí; việc phân bổ kinh phí chi thường xuyên cho công chức cấp xã thấp; cần xem xét lại việc phân bổ nguồn thu đối với phí bảo vệ môi trường cho các xã, huyện nơi diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản sao cho hợp lý…

 

Trong phần trả lời chất vấn của lãnh đạo UBND tỉnh, đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã làm rõ một số nội dung liên quan đến vấn đề gắn kết giữa nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 với nhiệm vụ tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; giải pháp, chế độ, chính sách của tỉnh về việc khuyến khích phát triển sản xuất lớn hiện nay và sắp tới; kế hoạch, lộ trình và giải pháp xử lý nợ xây dựng cơ bản trong xây dựng nông thôn mới theo chỉ đạo của Quốc hội.

 

Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã làm rõ nội dung liên quan đến chính sách hỗ trợ cho phụ nữ thuộc hộ nghèo là người dân tộc thiểu số khi sinh con đúng chính sách dân số.

 

Người cuối cùng đăng đàn trả lời chất vấn là đồng chí Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo về những giải pháp nhằm khắc phục vấn đề lạm thu ở các trường học hiện nay; kết quả xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học theo Đề án 2037 hiện nay như thế nào; giải pháp của ngành đối với việc xóa bỏ phòng học tạm để thay bằng phòng học kiên cố?...

 

Nhìn chung, các câu hỏi chất vấn đã tập trung vào những vấn đề được nhiều đại biểu và cử tri quan tâm. Phần trả lời chất vấn của lãnh đạo UBND tỉnh và các sở, ngành đã đi vào trọng tâm của vấn đề. Tuy nhiên, vẫn còn có nội dung lãnh đạo sở trả lời chung chung và chưa thẳng thắn nhận trách nhiệm.

 

Sau phần chất vấn và trả lời chất vấn, đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu tại kỳ họp, làm rõ thêm những kết quả nổi bật mà tỉnh ta đã đạt được trong năm 2016. Đồng thời cũng thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế cùng những giải pháp nhằm khắc phục trong thời gian tới nhằm hoàn thành tốt các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2017 cũng như những năm tiếp theo. 

 

Chiều nay, các đại biểu tiếp tục làm việc tại Hội trường để thảo luận và thông qua 13 dự thảo nghị quyết. Gồm: Dự thảo Nghị quyết về kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017; Dự thảo Nghị quyết ban hành quy định về phân cấp nguồn thu, nhiệm vụ chi và tỷ lệ phần trăm phân chia các khoản giữa các cấp ngân sách tỉnh, thời kỳ ổn định ngân sách 2017-2020; Dự thảo Nghị quyết ban hành Quy định mức phân bổ dự toán chi thường xuyên ngân sách tỉnh năm 2017; Dự thảo Nghị quyết về việc phân bổ dự toán ngân sách tỉnh năm 2017; Dự thảo Nghị quyết về kế hoạch vốn đầu tư công tỉnh năm 2017; Dự thảo Nghị quyết thông qua Quy hoạch phát triển Giáo dục và Đào tạo tỉnh, giai đoạn 2016-2020, tầm nhìn đến 2030; Dự thảo Nghị quyết về việc thông qua Quy hoạch phát triển Khoa học và Công nghệ tỉnh giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2030; Dự thảo Nghị quyết Quy định cụ thể khoảng cách và địa bàn làm căn cứ xác định học sinh không thể đi đến trường và trở về trong ngày; quy định tỷ lệ khoán kinh phí phục vụ việc nấu ăn cho học sinh trên địa bàn tỉnh; Dự thảo Nghị quyết về số lượng và hỗ trợ kinh phí thực hiện chế độ chính sách đối với lao động hợp đồng làm giáo viên trong các trường mầm non, tiểu học và nhân viên làm nhiệm vụ nấu ăn trong các trường mầm non công lập trên địa bàn tỉnh năm 2017; Dự thảo Nghị quyết về tiêu chí dự án đầu tư công trọng điểm nhóm C trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; Dự thảo Nghị quyết ban hành Quy định về cơ chế hỗ trợ đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020; Dự thảo Nghị quyết ban hành Quy định và bãi bỏ mức thu một số loại phí, lệ phí trên địa bàn tỉnh.

 

Phát biểu bế mạc Kỳ họp, đồng chí Bùi Xuân Hòa, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh nhấn mạnh: Sau 3 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc, HĐND tỉnh đã hoàn thành nội dung, chương trình Kỳ họp đề ra. Với tinh thần trách nhiệm cao, các vị đại biểu HĐND tỉnh đã tích cực, chủ động trong xem xét, đánh giá và quyết định ban hành 21 nghị quyết, là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp, các ngành tổ chức thực hiện, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2017 và những năm tiếp theo. Để thực hiện tốt nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017 cũng như các nghị quyết mà kỳ họp đã thông qua, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các cơ quan của HĐND tỉnh, UBND tỉnh, các sở, ngành, địa phương và các vị đại biểu HĐND tỉnh tập trung thực hiện đồng bộ nhiều nội dung, nhiệm vụ quan trọng…

 

* Ý kiến của các ngành tại Kỳ họp

 

Các địa phương cần ưu tiên tuyển giáo viên Tiếng Anh

Đại biểu Phạm Việt Đức, Giám đốc Sở Giáo dục – Đào tạo: Theo Quyết nghị của Quốc hội mới đây, từ năm học 2018-2019, học sinh tiểu học sẽ học theo chương trình, sách giáo khoa mới và sẽ học Tiếng Anh theo chương trình 10 năm. Hiện nay, học sinh tiểu học đang học môn Tiếng Anh theo 2 chương trình. Với chương trình 10 năm, học sinh học 4 tiết học/tuần, còn chương trình tự chọn và tăng cường học 2 tiết/tuần. Hiện, đây vẫn là môn học tự chọn nên giáo viên tiếng Anh các trường hầu hết đều chưa có, mà chủ yếu là được thuê dạy hợp đồng và lương trả cho giáo viên từ nguồn đóng góp của phụ huynh học sinh. Theo quy định của Bộ Nội vụ, biên chế giáo viên được tính trên lớp học chứ không tính theo môn học. Nên khi tiếng Anh được đưa vào là môn bắt buộc thì tổng biên chế đó vẫn không thay đổi. Do trước đây, các trường chỉ chú trọng tuyển dụng giáo viên ở 9 môn học khác thì tới đây các địa phương cần thiết phải quan tâm dành biên chế cho giáo viên đối với môn học này, để làm sao khi thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, các trường có đủ giáo viên dạy tiếng Anh.

Nhiều khó khăn trong triển khai kế hoạch đầu tư công 2017

 

Ông Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư: Bên cạnh những thuận lợi của việc triển khai kế hoạch đầu tư công 2017 thì cũng còn không ít khó khăn mà tỉnh cần tập trung giải quyết. Nguyên nhân do số nợ xây dựng cơ bản đến hết năm 2016 của tỉnh còn lớn nên mặc dù số vượt thu trong năm khá cao song phần lớn số ngân sách được dành cho đầu tư xây dựng cơ bản đều ưu tiên bố trí trả nợ, nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm được các khoản nợ này, cũng như đầu tư hoàn thành các dự án chuyển tiếp giai đoạn 2011-2015 chuyển sang. Trong khi đó, nguồn vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ cho các tỉnh đều bị cắt giảm do ngân sách trung ương gặp khó khăn. Một số ngành, địa phương chưa nhận thức đầy đủ về Luật Đầu tư công và có tâm lý trông chờ, ỷ lại cấp trên hỗ trợ, dẫn đến việc triển khai các dự án chưa đúng quy định. Cùng với đó, tỉnh cũng đang triển khai nhiều dự án, công trình lớn nhằm tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương trong những năm tiếp theo nhưng hiện cũng tạo ra những thách thức về vốn đối với các dự án này.