Lược ghi bài phát biểu của đồng chí Vũ Hồng Bắc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tại Kỳ họp thứ 3, HĐND tỉnh khóa XIII.
Năm 2016 là năm hết sức quan trọng, tạo tiền đề, động lực phát triển cho cả giai đoạn 2016-2021. Với sự quyết tâm của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, đến nay có thể khẳng định: Năm 2016, tỉnh ta đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH), bảo đảm quốc phòng - an ninh, tiến tới thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2016-2021 và những mục tiêu, nhiệm vụ đã được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Để thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh trong năm 2017 và cả giai đoạn 2016-2021, có một câu hỏi lớn đặt ra là Thái Nguyên sẽ định hướng đầu tư phát triển như thế nào và làm thế nào để sớm trở thành đô thị phát triển bậc nhất của vùng và khu vực phía Bắc?
Trước hết, vấn đề quan trọng đặt ra hàng đầu đó là quy hoạch và quản lý quy hoạch, cần ưu tiên ngân sách, bố trí vốn để lập quy hoạch tổng thể, tầm nhìn 50 năm và dài hơn. Một khi đã có quy hoạch tốt, tỉnh ta sẽ có những định hướng cụ thể, bước đi phù hợp, phân kỳ được nguồn lực đầu tư.
Để làm được điều đó, mỗi cá nhân, tập thể, cơ quan, đơn vị cần quán triệt sâu sắc Nghị quyết Trung ương 4 và Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, qua đó xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp có đủ năng lực, phẩm chất đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới. Tiếp tục rà soát, quan tâm hơn nữa đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, luân chuyển cán bộ bảo đảm đúng quy định, đúng sở trường, năng lực để phát huy hiệu quả, đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ trong quy hoạch, cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ là người dân tộc thiểu số.
Tập trung xây dựng bộ máy chính quyền của tỉnh tinh gọn, trong sạch, vững mạnh, liêm chính, quyết liệt hành động, tạo môi trường thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh, lấy phục vụ nhân dân và doanh nghiệp làm trọng, đặc biệt quan tâm hỗ trợ phát triển doanh nghiệp địa phương tham gia công nghiệp phụ trợ, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu; xây dựng chính quyền kiến tạo, thúc đẩy khởi nghiệp, xóa bỏ rào cản, đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16-5-2016 của Chính phủ, thực hiện "3 đồng hành, 5 hỗ trợ" đối với doanh nghiệp.
- Ba đồng hành gồm: Đồng hành đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh; đồng hành trong hoàn thiện thể chế pháp luật (trên các lĩnh vực như: Cấp phép xuất nhập khẩu, thuế, đất đai, xây dựng, tín dụng, nông nghiệp, nông thôn…) và đồng hành xây dựng và thực hiện tốt cơ chế đối thoại, tham vấn ý kiến của doanh nghiệp.
- Năm hỗ trợ là: Hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, hỗ trợ nâng cao hiệu quả hoạt động, hỗ trợ tạo môi trường thuận lợi, bảo đảm quyền kinh doanh, bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh, hỗ trợ xây dựng thương hiệu sản phẩm gắn với doanh nghiệp và cuối cùng là hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực.
Cùng với việc đẩy mạnh triển khai các dự án trọng điểm của tỉnh như Dự án xây dựng hạ tầng Khu du lịch Hồ Núi Cốc gắn với Khu du lịch lịch sử Quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa; Đề án Xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt sông Cầu kết hợp hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu, Khu Công nghiệp Sông Công 2, dự án đầu tư sản xuất nông nghiệp công nghệ cao gắn với chuỗi giá trị tỉnh Thái Nguyên và vùng phụ cận; Đường vành đai 5 - Vùng thủ đô Hà Nội...
Phải khẳng định rằng, tỉnh Thái Nguyên đã qua giai đoạn thu hút đầu tư bằng mọi giá, hiện nay, chúng ta đang thu hút đầu tư có trọng điểm, lựa chọn những nhà đầu tư đủ năng lực, quan tâm đến bảo vệ môi trường, tập trung thu hút đầu tư những dự án tạo động lực, xây dựng nền tảng vững chắc cho sự phát triển ổn định của tỉnh, triển khai hiệu quả kế hoạch đầu tư công trung hạn. Bên cạnh việc đẩy nhanh triển khai thực hiện các dự án đầu tư trọng điểm, xuyên suốt nhiệm kỳ, cần quan tâm đầu tư các dự án nhỏ nhưng cấp thiết nhằm bảo đảm các mục tiêu an sinh xã hội.
Tăng cường, nâng cao chất lượng công tác quản lý ngân sách, tập trung nguồn vốn cho đầu tư phát triển, hạn chế chi thường xuyên, cân đối nguồn vốn trả nợ dứt điểm nợ xây dựng cơ bản; tăng cường quản lý tài sản công, tài nguyên khoáng sản, đất đai nhằm tạo giá trị gia tăng từ đất...
Nhìn thẳng vào vấn đề hạn chế về nguồn lực đầu tư, chúng ta cần tăng cường triển khai các hình thức xã hội hóa trên các lĩnh vực giáo dục, y tế, mạnh dạn sử dụng các nguồn lực từ các nhà đầu tư bằng các hình thức đầu tư đối tác công - tư (PPP); các cấp, các ngành cần hiểu cặn kẽ về các hình thức đầu tư, nghiên cứu triển khai các dự án đầu tư như: Đầu tư công - quản lý tư; đầu tư tư - sử dụng công, lãnh đạo công - quản trị tư, các dự án BT, BOT... Qua đó tăng cường nguồn lực đầu tư trong khi ngân sách tỉnh còn nhiều hạn chế, tránh được những khoản nợ công và có kinh phí đầu tư vào các công trình động lực của tỉnh.
Tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học, ứng dụng khoa học, kỹ thuật trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là lĩnh vực nông nghiệp; trong đó nhiệm vụ hàng đầu là xây dựng, phát triển thương hiệu chè Thái Nguyên, xây dựng và phát triển các chuỗi cung ứng thực phẩm sạch.
Tập trung đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, xác định nhiệm vụ giáo dục, đào tạo là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, đây là nhiệm vụ tiên quyết. Trong năm 2017 sẽ tiếp tục đổi mới công tác quản lý giáo dục, gắn việc phát triển quy mô trường lớp hợp lý với việc nâng cao chất lượng giáo dục.
Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách người có công, tạo việc làm mới, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội. Làm tốt công tác y tế dự phòng, không để xảy ra dịch bệnh lớn. Xây dựng, đầu tư để phát triển các bệnh viện, trung tâm y tế. Tăng cường chất lượng, đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ công. Tăng cường các hoạt động văn hóa xã hội, phát triển thể dục thể thao; bảo tồn và phát huy những giá trị, di sản văn hóa của địa phương; bảo đảm các hoạt động tín ngưỡng, dân tộc, tôn giáo được diễn ra đúng pháp luật, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân. Triển khai hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, ưu tiên nguồn lực phát triển vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Ưu tiên, tranh thủ các nguồn lực vào tập trung xóa các xóm trắng về điện.
Tăng cường công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản, đất đai, nguồn nước. Trong đó kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường; việc đầu tư, thu hút dự án kinh tế phải bảo đảm bảo vệ môi trường, thường xuyên thanh tra, kiểm tra phòng, chống ô nhiễm môi trường. Kiên quyết ngăn chặn tình trạng khai thác tài nguyên, khoáng sản, vật liệu xây dựng; đối với những hành vi vi phạm pháp luật cần kiên quyết xử lý nghiêm.
Đẩy mạnh hoạt động bảo đảm an toàn vệ sinh thực thẩm, tiếp tục thực hiện các biện pháp quản lý giá cả, thị trường; tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, trốn thuế, phòng chống gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng; chuẩn bị tốt cho dịp Tết Nguyên đán sắp tới, đặc biệt là lo Tết cho nhân dân, vùng dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các gia đình chính sách... bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết.
Các cấp, ngành thống nhất nhận thức, đẩy mạnh phong trào thi đua, nêu gương người tốt, việc tốt. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thông tin truyền thông, phát huy vai trò của các cơ quan báo chí, cung cấp thông tin chính xác, thông suốt, kịp thời tạo sự đồng thuận trong xã hội. Làm tốt công tác thông tin tuyên truyền, thông tin đối ngoại, thu hút đầu tư, nâng cao chất lượng đời sống văn hóa, bảo đảm các hoạt động tín ngưỡng, dân tộc, tôn giáo được diễn ra đúng pháp luật, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tinh thần của nhân dân.
Trong công tác phòng chống lụt bão, khắc phục thiên tai, hỏa hoạn, tìm kiếm cứu nạn, các cấp, các ngành cần phối hợp chặt chẽ trong hoạt động tuyên truyền, tăng cường nhận thức cho nhân dân tuân thủ các yêu cầu về bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng; chủ động các phương án, phương tiện sẵn sàng ứng phó khi có tình huống xảy ra. Nâng cao chất lượng dự báo, kịp thời cảnh báo và bảo đảm nguồn lực cho phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai.
Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp chính quyền trong bảo đảm quốc phòng - an ninh, trật tự xã hội, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước, thực hành tiết kiệm, phòng chống tham nhũng, lãng phí.
----------------------------------------------------
(*) Đầu đề do Tòa soạn đặt.