Chiều 28/12, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có Thông báo về Phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo. TTXVN giới thiệu toàn văn Thông báo:
Ngày 28/12/2015, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên thứ 9. Đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo chủ trì Phiên họp. Tại Phiên họp, Ban Chỉ đạo đã thảo luận, thống nhất đánh giá và kết luận các nội dung sau:
1. Hầu hết các nội dung theo Kết luận của đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo tại Phiên họp thứ 8 của Ban Chỉ đạo đã được các cơ quan chức năng tích cực triển khai thực hiện và đạt nhiều kết quả. Thông tin kịp thời về kết quả hoạt động của Ban Chỉ đạo, kết quả xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, nhất là các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; tham mưu ban hành Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng”; chỉ đạo xử lý những khó khăn, vướng mắc trong giám định tư pháp phục vụ điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về tham nhũng, kinh tế; tập trung điều tra và đưa ra truy tố, xét xử sơ thẩm 08 vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp trước Đại hội XII của Đảng: Trong đó, đã đưa ra xét xử sơ thẩm 06 vụ án, gồm: (1) vụ án xảy ra tại Công ty chế biến thực phẩm Phương Nam tỉnh Sóc Trăng, (2) vụ án xảy ra tại Agribank Chi nhánh 7 Thành phố Hồ Chí Minh, (3) vụ án xảy ra tại Ban quản lý các dự án đường sắt (RPMU), (4) vụ án xảy ra tại Công ty dệt kim Đông Phương thuộc Tập đoàn Dệt May Việt Nam và Agribank Chi nhánh 6 Thành phố Hồ Chí Minh, (5) vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính II (ALC II), (6) vụ án xảy ra tại ALC II, Công ty công nghệ biển Hải Phòng và Công ty trách nhiệm hữu hạn vận tải biển Đại Phát; đang xét xử 01 vụ (vụ án xảy ra tại Công ty Liên doanh Lifepro Việt Nam và Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội); còn 01 vụ đã có lịch xét xử sơ thẩm vào cuối tháng 12-2015 (vụ án xảy ra tại Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Thương mại Dầu khí Đồng Tháp); ngoài ra đã kết thúc điều tra và đang xây dựng Cáo trạng đối với vụ án xảy ra tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Xây dựng Việt Nam.
2. Các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý được đẩy nhanh tiến độ điều tra và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật: Từ 19 vụ án, 06 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Cơ quan điều tra và Hội đồng xét xử sơ thẩm đã khởi tố thành 31 vụ/329 bị can; đến nay đã được xét xử sơ thẩm 14 vụ/149 bị cáo, tuyên phạt 07 bị cáo với 08 án tử hình (01 bị cáo có 02 án tử hình trong 02 vụ án), 13 bị cáo với 14 án chung thân (01 bị cáo có 02 án chung thân trong 02 vụ án), 01 bị cáo tù có thời hạn 30 năm tù, 133 bị cáo tù có thời hạn từ 02 đến 25 năm, 02 bị cáo được hưởng án treo. Đối với 29 vụ án, 05 vụ việc thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc, Cơ quan điều tra các cấp đã thụ lý 25 vụ/119 bị can, đã xét xử sơ thẩm 17 vụ/119 bị cáo, tuyên 02 bị cáo tù có thời hạn từ 20 đến 30 năm; 67 bị cáo tù có thời hạn từ 02 năm đến dưới 20 năm.
3. Ban Thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai việc rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế - xã hội từ năm 2011- 2014 khá nghiêm túc theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo và Hướng dẫn số 06- HD/BNCTW của Ban Nội chính Trung ương: Qua rà soát đã phát hiện và kiến nghị chuyển 27 vụ việc có dấu hiệu tội phạm tham nhũng đến Cơ quan điều tra để xem xét, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền chỉ đạo các tổ chức, đơn vị có sai phạm nghiêm túc kiểm điểm rút kinh nghiệm và có các giải pháp khắc phục sau thanh tra; xử lý nghiêm đối với các tập thể, cá nhân có nhiều sai phạm nhưng chưa kiến nghị xử lý hành chính và xử lý kỷ luật.
Ban Chỉ đạo giao Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo: Tiếp tục phối hợp với Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ đạo đưa công tác kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra về kinh tế- xã hội và việc thực hiện các kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước trở thành công tác thường xuyên hàng năm; phối hợp với Ban cán sự đảng Thanh tra Chính phủ, Ban cán sự đảng Kiểm toán Nhà nước và Ủy ban Kiểm tra Trung ương tiến hành kiểm tra, rà soát các cuộc thanh tra, việc thực hiện kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước tại một số địa phương.
4. Công tác phòng, chống tham nhũng năm 2015 tiếp tục được tăng cường và đạt nhiều kết quả tích cực: Các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị, gắn với đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng được quan tâm; nhiều văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng được khẩn trương xây dựng, ban hành; các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh; sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong phòng, chống tham nhũng, nhất là phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng trong phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng chặt chẽ hơn, hiệu quả hơn. Ủy ban kiểm tra các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện toàn diện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát, chú trọng kiểm tra các tổ chức đảng, đảng viên có dấu hiệu vi phạm các quy định của Đảng, Nhà nước liên quan đến tham nhũng. Ban Chỉ đạo tổ chức 07 Đoàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác phòng, chống tham nhũng tại 04 bộ, 10 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; chỉ đạo kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các kết luận, kiến nghị của các Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo trong hai năm 2013, 2014. Qua công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo ngành Thanh tra đã phát hiện 100 vụ, 172 đối tượng có hành vi tham nhũng và liên quan đến tham nhũng, với số tiền 40,7 tỷ đồng. Cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 216 vụ/460 bị can; Viện kiểm sát nhân dân các cấp đã truy tố 266 vụ/591 bị can; Tòa án nhân dân các cấp đã xét xử sơ thẩm 253 vụ/531 bị cáo về các tội tham nhũng.
5. Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã tích cực, chủ động xây dựng Đề án “sơ kết 3 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo”; Dự thảo Báo cáo sơ kết đã đánh giá những kết quả đạt được; những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong hoạt động của Ban Chỉ đạo, các Thành viên Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo thời gian qua, nguyên nhân của những hạn chế và kiến nghị, đề xuất một số giải pháp giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo trong thời gian tới.
6. Ban Chỉ đạo thống nhất 12 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm năm 2016 của Ban Chỉ đạo theo đề xuất của Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo. Trong đó, cần đẩy mạnh và nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền về công tác phòng, chống tham nhũng, nhất là thông tin những kết quả đạt được, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng kết quả phát hiện, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 07-12-2015 của Bộ Chính trị; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí”; tổng kết 10 năm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, trên cơ sở đó chỉ đạo việc nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng cho phù hợp với thực tiễn.
Tiếp tục kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng tại một số địa phương, bộ, ngành.
Giao Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo và Ban cán sự đảng Bộ Tài chính tiến hành kiểm tra chuyên đề công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan.
Tổ chức Hội nghị toàn quốc triển khai công tác phòng, chống tham nhũng năm 2016, Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị và sơ kết 03 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo; trên cơ sở đó đề xuất, kiến nghị Bộ Chính trị chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Ban Chỉ đạo, Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo./.