Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri thành phố Hà Nội

08:15, 07/12/2016

Ngày 6-12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội tiếp xúc cử tri tại huyện Đông Anh và quận Long Biên (Hà Nội), báo cáo kết quả kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV; nội dung trả lời của các cơ quan chức năng về những kiến nghị của cử tri tại các buổi tiếp xúc lần trước; kết quả hoạt động năm 2016 của Tổ đại biểu Quốc hội - Đơn vị bầu cử số 9, TP Hà Nội.

Tại các buổi tiếp xúc, cử tri hoan nghênh, đánh giá hoạt động của Quốc hội có nhiều đổi mới, nhất là tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV vừa qua. Các đại biểu Quốc hội đã tập trung trí tuệ, phát huy cao độ tinh thần dân chủ, thảo luận, quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước. Việc chất vấn và trả lời chất vấn đã bám sát các vấn đề trọng tâm, bức xúc được xã hội quan tâm, thể hiện rõ trách nhiệm với cử tri. Câu hỏi chất vấn và nội dung trả lời đều được chuẩn bị kỹ, tranh luận thẳng thắn đến cùng những vấn đề đặt ra. Tuy nhiên, cử tri đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu kỹ trước các nội dung kỳ họp, để thảo luận sâu, tập trung vào nội dung cơ bản, then chốt của từng vấn đề. Cùng với những buổi tiếp xúc theo quy định, các đại biểu cần tăng cường tiếp xúc với cử tri nhiều hơn nữa, để lắng nghe được nhiều ý kiến, kiến nghị của cử tri. Cử tri hoan nghênh Bộ Chính trị chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh, phòng, chống tham nhũng; nhưng việc phát hiện, xử lý các vụ việc còn ít. Nạn tham nhũng, tiêu cực chưa được đẩy lùi; lợi ích nhóm xâm nhập vào mọi lĩnh vực của cuộc sống. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng nêu trên là do công tác cán bộ, chất lượng đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế. Việc xử lý kỷ luật một số cán bộ trong vụ Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang còn nhẹ.

 

Cử tri đề cập nhiều vấn đề như: nhà ở của công nhân, trường học cho con em công nhân trong các khu công nghiệp còn thiếu; để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo, phải nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên. Đảng, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư cho các trường sư phạm, nâng cao chất lượng đào tạo tại các trường này. Đồng thời, các trường sư phạm cần chủ động có kế hoạch đào tạo lại để nâng cao trình độ giáo viên, giảng viên. Cần có lộ trình tăng ngân sách cho giáo dục, đào tạo hợp lý; đồng thời khắc phục tình trạng đào tạo tràn lan, không gắn với nhu cầu thực tế của cuộc sống. Một số vấn đề về hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng, mất an toàn vệ sinh thực phẩm; về chương trình giảm nghèo bền vững,... cũng được cử tri quan tâm.

 

Phát biểu ý kiến tại các buổi tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cảm ơn cử tri đã có nhiều ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, đề cập những vấn đề lớn như xây dựng pháp luật, giám sát,... của Quốc hội về bảo vệ môi trường, an toàn giao thông, giảm nghèo bền vững... Tổng Bí thư cho biết, những kiến nghị của cử tri được các đại biểu Quốc hội tiếp thu, báo cáo cơ quan liên quan; đồng thời tích cực giải quyết những vấn đề liên quan chức năng nhiệm vụ của mình.

 

Trả lời ý kiến của cử tri, Tổng Bí thư đồng tình cho rằng, việc đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm, tuy đã được Đảng chỉ đạo thực hiện quyết liệt, nhưng vẫn diễn biến phức tạp, có mặt ngày càng nghiêm trọng. Đồng chí nhấn mạnh, Đảng, Nhà nước không bao giờ nương nhẹ với tham nhũng, tiêu cực, đã có nhiều biện pháp đồng bộ. Song, kết quả đạt được chưa như mong muốn, phải đấu tranh quyết liệt, kiên trì, đồng bộ hơn nữa. Về những ý kiến cho rằng việc xử lý một số cán bộ liên quan vụ Trịnh Xuân Thanh còn nhẹ, Tổng Bí thư nêu rõ, đây mới là kỷ luật về Đảng, về công tác cán bộ. Về kinh tế, thua lỗ, còn phải điều tra, qua bao nhiêu khâu khác nữa mới có thể kết luận, tiếp tục xử lý theo pháp luật. Tinh thần là có công thì thưởng, có tội phải xử phạt; tội đến đâu xử đến đó, nghiêm minh. Tổng Bí thư cho biết, Quốc hội đã phê phán nghiêm khắc nguyên Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng, nhưng xử lý như thế nào còn phải theo luật pháp và đang được Quốc hội xây dựng căn cứ pháp lý để có cơ sở xử lý những cán bộ sai phạm đã về hưu.

 

Tổng Bí thư đồng tình với cử tri, trong các dự án, cần tạo điều kiện cho người dân, báo chí giám sát, sớm phát hiện sai phạm, để ngăn chặn kịp thời. Đồng thời xử lý dứt điểm các doanh nghiệp hoạt động kém hiệu quả, thua lỗ nghiêm trọng, không để trở thành con nợ của nền kinh tế; làm rõ trách nhiệm thuộc về ai và xử lý công khai, minh bạch.

 

Đối với Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, Tổng Bí thư nhấn mạnh đây là quyết tâm cao của Trung ương, sẽ tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, kiên trì, làm đến nơi, đến chốn. Có việc đã làm, không chờ phổ biến quán triệt nghị quyết mới làm, như quy định về tuổi của đảng viên, về luân chuyển cán bộ, về cấm biếu quà Tết,... Yêu cầu là mọi cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý phải nêu gương; đồng thời phát huy vai trò giám sát của nhân dân, của báo chí; ngăn chặn bằng được tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ, xây dựng Đảng ngày càng trong sạch, vững mạnh.