"Hoàn toàn nhất trí"

16:27, 22/01/2017

Buổi họp tổng kết cuối năm cũ, đề ra nhiệm vụ năm mới diễn ra khá buồn tẻ. Một đại biểu ngồi cạnh tôi ngả người ra ghế ngủ từ lúc lãnh đạo đơn vị lên đọc báo cáo. Công nhận báo cáo dài, những gần 30 trang, con số dày kịt, thành tích ngồn ngộn, đọc gần tiếng đồng hồ mới xong.

Báo cáo kết thúc, hội trường vỗ tay rào rào, ông đại biểu ngồi cạnh tôi choàng tỉnh, ngồi thẳng dậy. Tôi hỏi: “Bác ốm hay sao mà xem chừng mệt mỏi thế?”. Ông thật thà: “Cỗ bàn cuối năm nhiều quá, tối qua uống hơi quá chén”. Tôi đùa: “May mà có tràng pháo tay đánh thức bác dậy”. Ông ngượng nghịu gãi tai: “Nghe thì nghe biết thế, chứ mọi thứ xong cả rồi, ai chả nhất trí”.


Quả như ông đại biểu nọ dự đoán, đến phần thảo luận, người điều hành cuộc họp hỏi: Ai góp ý vào dự thảo báo cáo nói trên? Tức khắc ở dưới đồng thanh: Chúng tôi hoàn toàn nhất trí.

 

Tôi lại quay sang “phỏng vấn” ông ngồi cạnh: Dự thảo báo cáo thường do một người hoặc một bộ phận thảo ra, chả nhẽ lại hoàn hảo đến thế? Ông cười hiền lành: Thực ra chúng tôi cũng không biết góp ý gì. Công việc của người khác thì chúng tôi không hiểu lắm. Công việc của mình thì trong báo cáo đề cập chung chung, nói đủ cũng đủ, nói thiếu thì thiếu nhiều. Nhưng nếu kể hết ra thì báo cáo phải trăm trang. Thôi, miễn không bị phê bình là được. Mới lại nói thật chứ, góp ý thì ban tổ chức cuộc họp cũng chỉ ghi nhận để đấy, mấy khi chỉnh sửa, bổ sung báo cáo đâu, đồng ý mà chuyển sang làm việc khác cho sớm.

 

Vậy đấy, câu nói “hoàn toàn nhất trí” vang lên ở nhiều cuộc họp không hẳn lúc nào cũng thể hiện sự đoàn kết, thống nhất cao. Cách sống “thứ nhất ngồi ỳ, thứ nhì đồng ý” của không ít người đã trở thành bệnh bàng quan, vô cảm, né tránh. Đây cũng là một trong 27 biểu hiện của sự suy thoái, tự diễn biến, tự chuyển hóa của không ít cán bộ, đảng viên mà Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về tăng cường xây dựng và chỉnh đốn Đảng đã chỉ ra.