Khe Rạc, Cao Sơn không còn xa xôi

11:00, 18/01/2017

Tuyến đường từ trung tâm xã Vũ Chấn (Võ Nhai) qua 2 xóm bản người Dao là Khe Rạc và Cao Sơn, đang được mở từ nguồn vốn Nhà nước. Dự kiến trong năm 2017, các trạm biến áp và đường dây đưa điện lưới Quốc gia về 2 xóm này sẽ được đầu tư. Đời sống kinh tế - văn hóa của người dân nơi đây đang khởi sắc ngày càng rõ rệt từ sự nỗ lực của bà con và những hỗ trợ của cấp trên.

Đã 6 năm tôi mới có dịp trở lại Khe Rạc, Cao Sơn – 2 xóm đồng bào dân tộc Dao thuộc vùng xa xôi, nghèo khó nhất xã vùng cao Vũ Chấn. Trước khi đưa tôi đi, ông Nông Văn Tuyền, Bí thư Đảng ủy xã Vũ Chấn chia sẻ những thông tin lạc quan: Con đường qua 2 xóm dù vẫn đang trong giai đoạn thi công nhưng đã dễ đi rồi, không còn phải vất vả vượt qua nhiều con suối và trèo đèo cao như trước nữa. Điều đáng mừng nhất là vài năm trở lại đây, bà con đã khá mạnh dạn, chịu khó làm ăn, không ngần ngại đầu tư vào những cây, con mới. Các hủ tục cũng dần được xóa bỏ, trẻ em đến trường nhiều hơn, học cao hơn trước nhiều…

 

Bí thư Chi bộ Khe Rạc Triệu Văn Hồng chờ chúng tôi ngay đầu xóm, chỗ đang có nhiều máy móc thi công, đó cũng chính là vị trí mà gia đình anh Triệu Tiến Minh đã hiến hàng nghìn m2 đất, “bốc” cả ngôi nhà sàn đang ở sang chỗ khác để nhường đất cho công trình. Anh Triệu Văn Hồng dù mới ngoài 30 tuổi nhưng rất chững chạc, vồn vã bắt tay chào mọi người và nói: Bà con mong được mở đường quá nên hơn 20 hộ dân có đất bị ảnh hưởng đều sớm hiến đất. Nhận thức và ý thức của người dân giờ cao rồi, họ hiểu rằng dù ruộng nương là nguồn sống rất quan trọng nhưng đường cứ xấu như trước thì nghèo đói mãi.

 

Anh Hồng đưa chúng tôi đến nhà văn hóa xóm rồi phấn khởi giới thiệu: Xóm đã vận động một gia đình hiến gần 600m2 đất, huy động mọi người san gạt và đóng góp 1 triệu đồng/hộ (Nhà nước hỗ trợ 150 triệu đồng) để làm nhà văn hóa. Công trình hoàn thành vào giữa năm nay, ai cũng vui mừng… Đi thăm một số hộ dân và nghe tiếp câu chuyện của cán bộ xóm, tôi càng thấy rõ hơn sự thay đổi ở Khe Rạc so với những gì đã chứng kiến cách đây 6 năm. Nhiều diện tích trồng cây keo, mỡ, bồ đề, tre phấn đã thay thế cây tự nhiên. Theo lãnh đạo xóm thì chỉ vài năm trước, người dân không mặn mà trồng rừng vì giao thông quá khó khăn, gỗ không bán được hoặc rất rẻ. Nay đầu ra đã thuận lợi hơn, đường mở rộng hơn cùng với được tuyên truyền, hỗ trợ nên bà con rất hăng hái trồng rừng. Có gia đình đã trồng đến gần 10ha rừng như các ông: Triệu Hữu Hưng, Triệu Nho Hồng… Cùng với trồng rừng, người dân Khe Rạc cũng mở rộng diện tích trồng cây khoai my (gần giống cây khoai sọ) cho hiệu quả kinh tế khá, có năm cả xóm thu được khoảng 100 tấn củ. Một số nhà cũng đã mạnh dạn đầu tư chăn nuôi dê.

 

Trồng cây tre phấn đang là hướng phát triển kinh tế nhiều triển vọng với người dân Khe Rạc, Cao Sơn.

Trong ảnh: Anh Triệu Đức Thành, Trưởng xóm Khe Rạc đang chăm sóc cây tre phấn.

 

Trong mọi phong trào, kể cả việc trồng giống cây, nuôi con mới, cán bộ, đảng viên trong xóm đều đi đầu. Chính Bí thư Triệu Văn Hồng là người đầu tiên ở xóm (cũng là đầu tiên ở xã) trồng cây tre phấn sau khi lặn lội đi nhiều nơi học hỏi. Hiện, gia đình anh đã trồng được trên 2.000 cây (tương đương 4ha). Nhận thấy hiệu quả và đầu ra thuận lợi của loại cây này, anh Hồng đã lãnh đạo Chi bộ xây dựng nghị quyết, vận động người dân cùng trồng. Đến nay, xóm Khe Rạc đã có gần 40/59 hộ trồng tre phấn và được anh Hồng nhận bao tiêu phần lớn sản phẩm. Trong số các tấm gương cán bộ tiêu biểu ở Khe Rạc còn phải kể đến đảng viên, Trưởng xóm Triệu Đức Thành dù mới 26 tuổi đã có uy tín cao trong cộng đồng vì luôn thể hiện trách nhiệm, hết mình vì việc chung...

 

Đã gần chính Ngọ, tạm biệt Khe Rạc với những câu chuyện chưa muốn dứt, chúng tôi tiếp tục hành trình theo con đường đang thi công, ngược núi lên xóm Cao Sơn. Đây là xóm được tách ra từ xóm Khe Rạc vài năm trước, Chi bộ xóm cũng mới thành lập năm 2014 nhưng 2 năm đều đạt trong sạch vững mạnh. Gia đình anh Lý Văn Chang, Bí thư Chi bộ ở cuối xóm (còn gọi là khe Thượng Cằng), đang hoàn thiện ngôi nhà sàn lợp ngói đỏ tươi. Đúng như lời giới thiệu của ông Nông Văn Tuyền, anh Lý Văn Chang tuy còn trẻ (sinh năm 1988) nhưng chín chắn và có phương pháp lãnh đạo tốt. Gia đình anh Chang cũng là một điển hình trong xóm về phát triển kinh tế, ngoài trồng 7ha rừng còn nuôi hơn 10 con dê giống.

 

Vụ này, gia đình anh Triệu Tiến Lưu, ở xóm Cao Sơn, thu được 2,5 tấn khoai my, lãi hơn 20 triệu đồng.

 

Chia sẻ về chuyện lãnh đạo Chi bộ, lãnh đạo nhân dân trong xóm, anh Chang nói: Chúng tôi ấn định sinh hoạt Đảng vào ngày 20 hằng tháng để đỡ phải đi báo họp vì nhà các đảng viên cách xa nhau trong khi đa số khu vực chưa có sóng điện thoại. Các đảng viên luôn gương mẫu và tích cực vận động bà con chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, phát triển kinh tế và xây dựng cuộc sống văn hóa. Cuối năm 2015, xóm đã hoàn thành 500m đường bê tông bằng nguồn hỗ trợ từ cấp trên và mỗi hộ dân đối ứng 555.000 đồng. Người dân đóng tiền rất nhanh, tích cực góp công sức làm đường, đặc biệt là 3 cán bộ xóm đã tự nguyện bỏ tiền của nhà (tổng số 6 triệu đồng) ứng trước cho người dân để thuê máy san mặt bằng.

 

Cũng như ở Khe Rạc, trình độ sản xuất và tư duy làm ăn của người dân xóm Cao Sơn đã có nhiều thay đổi tích cực. Bà con đang tập trung phát triển kinh tế rừng để tận dụng tiềm năng đất đai, tăng diện tích trồng cây tre phấn, khoai my, cấy các giống lúa lai. Không như trước, nhiều nhà làm được đồng nào thường cất đi hoặc không biết đầu tư vào đâu, nay còn vay thêm vốn ngân hàng để làm ăn. Trồng trọt, chăn nuôi theo kiểu tự cung tự cấp không còn phổ biến.

 

Những chuyển biến đó đều có dấu ấn từ các nghị quyết của Chi bộ, sự gương mẫu đi đầu của các đảng viên trong xóm. Không chỉ phát triển kinh tế, giờ đây người dân Cao Sơn rất quan tâm đến chuyện học hành của con em, nhiều người đã học xong đại học, cao đẳng. Bí thư Chi bộ Lý Văn Chang đã có bằng cao đẳng Quản lý đất đai; em gái là Lý Thị Bình mới tốt nghiệp Trường Đại học Nông lâm Thái Nguyên. Trường hợp đặc biệt như gia đình bà Triệu Thị Mùi, tuy thuộc diện hộ nghèo nhưng vẫn cố gắng nuôi cả ba người con học đại học...

 

Đoạn đường về, từ cuối xóm Cao Sơn ra trung tâm xã Vũ Chấn khoảng 10km, chúng tôi đi chỉ khoảng 30 phút mà mấy năm trước mất hơn 1 tiếng đồng hồ. Đường đã mở, các hộ gia đình ở Khe Rạc, Cao Sơn đều đã sắm được xe máy, giao thông không còn là trở ngại lớn và nơi đây không còn bị cô lập mỗi khi mưa lũ. Điện lưới Quốc gia cũng sắp về. Điều quan trọng hơn là tư duy sản xuất cũng như đời sống văn hóa của người dân đã được cải thiện rõ rệt. Từng cán bộ, đảng viên đang thực sự trở thành những trụ cột của xóm bản.

 

Có thể nói, không chỉ giao thông mà khoảng cách về sự phát triển mọi mặt của 2 xóm khó khăn nhất xã này đang được rút ngắn với những khu vực khác. Không còn xa lắc trong thực tế và trong tâm trí của nhiều người.