Nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử

07:30, 06/01/2017

Cách đây tròn 71 năm, ngày 6-1-1946 đã diễn ra cuộc Tổng tuyển cử bầu Quốc hội khóa đầu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sự kiện trọng đại này đã đi vào lịch sử nước ta như một mốc son chói lọi, đánh dấu bước phát triển nhảy vọt về thể chế dân chủ, mở ra một thời kỳ phát triển mới của đất nước. Cùng với sự lớn mạnh của Quốc hội Việt Nam, 71 năm qua, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh luôn thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử, tích cực tham gia các chương trình nghị sự của Quốc hội, đề cao trách nhiệm của mình trong hoạt động lập hiến, lập pháp, giám sát tối cao và quyết định những vấn đề lớn, quan trọng của đất nước. Đồng thời, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề liên quan đến đời sống chính trị, xã hội của cử tri tỉnh ta và cả nước để phản ánh đến Quốc hội, Chính phủ.

Năm 2016 là năm chuyển giao giữa nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII và khóa XIV, khối lượng công việc của Quốc hội, Đoàn ĐBQH và của địa phương nhiều; các vị ĐBQH ở địa phương chủ yếu hoạt động kiêm nhiệm, phải tham gia nhiều công việc, nhiều lĩnh vực, do đó có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động chung của Đoàn ĐBQH tỉnh. Hiện nay, Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh chỉ có 9 cán bộ nhưng đã nỗ lực, đoàn kết, hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong thực hiện nhiệm vụ. 

 

Thực hiện chương trình công tác năm 2016, Đoàn ĐBQH tỉnh đã tổ chức 3 cuộc giám sát: Giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia Xây dựng nông thôn mới (giai đoạn 2010-2015) gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp; giám sát công tác bầu cử ĐBQH khóa XIV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016”  trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh việc tổ chức và thực hiện giám sát, khảo sát theo kế hoạch, các vị  ĐBQH là thành viên của các Ủy ban của Quốc hội đã tham gia các đoàn khảo sát, giám sát của các Ủy ban của Quốc hội. Đồng thời tham gia đoàn giám sát, phản biện của Ủy ban MTTQ tỉnh.

 

Công tác tiếp xúc cử tri (TXCT) tiếp tục được đổi mới về hình thức phù hợp với tình hình của địa phương, tăng cường tiếp xúc cử tri tại cơ sở để tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và lắng nghe các ý kiến, kiến nghị của cử tri, tiếp thu các ý kiến của cử tri tham gia vào nội dung các dự án luật trình tại kỳ họp Quốc hội đồng thời kết hợp với công tác tiếp công dân, khảo sát, giám sát của ĐBQH để tiếp thu kiến nghị của cử tri. Sau các cuộc tiếp xúc cử tri, các ý kiến, kiến nghị được được xem xét, tổng hợp đầy đủ và chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết. Bên cạnh hình thức tiếp xúc cử tri trực tiếp, Đoàn ĐBQH gửi văn bản lấy ý kiến phản ánh của các sở, ngành, các huyện, thành phố, thị xã gửi tới kỳ họp Quốc hội. Đồng thời, trước kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Đoàn ĐBQH tỉnh đã làm việc với lãnh đạo UBND tỉnh để chỉ đạo giải quyết kiến nghị của cử tri thuộc thẩm quyền của tỉnh và thống nhất các nội dung kiến nghị thuộc thẩm quyền của Trung ương.

 

Đoàn ĐBQH tỉnh đã chỉ đạo, giao cho Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh thực hiện công tác tiếp dân. Năm 2016, đã có 67 lượt công dân đến trình bày, phản ánh với Đoàn ĐBQH tỉnh. Các ý kiến, kiến nghị được Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh tổng hợp, báo cáo Đoàn ĐBQH. Đoàn ĐBQH tỉnh đã thực hiện việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo đảm bảo đúng thời gian và quy trình xử lý theo quy định của pháp luật. Các đơn thư của công dân đều được Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh tham mưu xử lý, theo dõi, đôn đốc các cơ quan có thẩm quyền trong việc giải quyết.  Đoàn ĐBQH đã tiếp nhận 103 đơn, đã xem xét, phân loại và chuyển 48 đơn đến cơ quan có thẩm quyền xem xét giải quyết; lưu 55 đơn do không đủ điều kiện xử lý theo quy định.  Đến nay, đã có 19 đơn, thư được trả lời hoặc chuyển tới cơ quan có thẩm quyền.

 

Với tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri tỉnh Thái Nguyên nói riêng và cử tri cả nước nói chung, các vị ĐBQH tỉnh đã tham gia đầy đủ chương trình các kỳ họp, tích cực phát biểu, đóng góp nhiều ý kiến xác đáng vào các nội dung của kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, trên từng lĩnh vực cụ thể như: xem xét, quyết định về tổ chức, nhân sự cấp cao của nhà nước, công tác lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao.

 

Tại kỳ họp kỳ họp thứ nhất và kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, các vị ĐBQH tỉnh đã tích cực phát biểu tại tổ, tại hội trường để tham gia vào các nội dung trình tại kỳ họp, nhiều ý kiến được Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo tiếp thu, nhiều ý kiến được cử tri cả nước đồng tình, như: Đề nghị tiếp tục bố trí kinh phí và ưu tiên dành nguồn lực để đầu tư cho miền núi, biên giới, hải đảo, các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; quan tâm tiếp tục thực hiện  hỗ trợ về nhà ở đối với hộ người có công với cách mạng; đề nghị dự thảo Luật Trợ giúp pháp lý cần  tiếp tục kế thừa chế định cộng tác viên trợ giúp pháp lý, hình thức trợ giúp pháp lý lưu động... Ngoài các hoạt động theo nội dung, chương trình kỳ họp, các ĐBQH tỉnh Thái Nguyên tham gia các buổi hội thảo, tăng cường công tác đối ngoại, trao đổi thông tin, truyền tải đến lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các vị đại biểu, lãnh đạo các Bộ, ngành của Trung ương để kịp thời tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện về nguồn lực cho Thái Nguyên phát triển.

 

Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2017, Đoàn ĐBQH tỉnh tiếp tục thực hiện tốt công tác tiếp xúc cử tri, tiếp dân, xử lý đơn thư của công dân theo quy định; tổ chức các hội nghị, hội thảo để thực hiện hiệu quả công tác xây dựng luật trình tại kỳ họp thứ 3, thứ 4 (theo dự kiến Quốc hội sẽ cho ý kiến, thông qua 38 dự án luật). Đây là một trong những nội dung quan trọng của Đoàn ĐBQH tỉnh trong năm 2017 vì các vị ĐBQH đều giữ vị trí lãnh đạo chủ chốt của các cơ quan Đảng, Nhà nước và là người có kinh nghiệm thực tiễn, trưởng thành từ cơ sở. Ngoài ra, Đoàn ĐBQH phối hợp với Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Tư pháp và các ủy ban của Quốc hội tham gia giám sát tại địa phương các nội dung giám sát chuyên đề năm 2017 của Quốc hội, như: Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm giai đoạn 2011-2016; việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2016; việc thực hiện chính sách, pháp luật về đầu tư và khai thác các công trình giao thông theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT); việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với cá nhân, tổ chức khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản trong phát triển kinh tế biển gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời, thực hiện tốt công tác đối ngoại, giữ mối liên hệ phối hợp với HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương và các cơ quan của Quốc hội, Đoàn ĐBQH các tỉnh...