Ngày 16-1, Ban Thường vụ Tinh ủy đã ban hành Kế hoạch phổ biến, quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết số 07- NQ/TW ngày 18-11-2016 của Bộ Chính trị về chủ trương giải pháp, cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững.
Việc tổ chức phổ biến, quán triệt để cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm được những mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, các chủ trương và giải pháp chủ yếu được nêu trong Nghị quyết về thực hiện cơ cấu lại ngân sách Nhà nước, quản lý nợ công để bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững nhằm tạo nhận thức đúng đắn, sự đồng thuận trong cả hệ thống chính trị và toàn dân để tổ chúc thực hiện. Các đon vị, địa phương căn cứ chức năng, nhiệm vụ và bám sát tình hình thực tiễn để xây dựng kế hoạch, đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện; góp phần đạt được các mục tiêu Nghị quyết đề ra.
Nội dung Nghị quyết sẽ được đăng tải trên Thông tin nội bộ của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy và bản tin của các ngành, địa phương để phổ biến đến chi bộ và tuyên truyền trong cán bộ, đảng viên. Các cơ quan báo chí của tỉnh có hình thức tuyên truyền nội dung của Nghị quyết số 07 và việc triển khai thực hiện Nghị quyết ở các địa phương, đơn vị trong toàn tỉnh.
Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tổ chức phổ biến, quán triệt những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 07 của Bộ Chính trị; các mục tiêu, quan điểm chỉ đạo, 6 chủ trương và giải pháp chủ yếu nêu trong Nghị quyết; thảo luận thông qua chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết tại hội nghị thường kỳ của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Ban Thường vụ cấp huyện căn cứ vào tình hình thực tiễn tổ chức, phổ biến quán triệt Nghị quyết số 07 cho cán bộ chủ chốt ở địa phương, đơn vị. Các cấp ủy cơ sở tổ chức quán triệt Nghị quyết cho cán bộ, đảng viên tại các buổi sinh hoạt thường kỳ của cấp ủy, chi bộ. Thời gian hoàn thành trong quý I/2017. Định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết với Ban Thường vụ Tỉnh ủy và Trung ương.
Cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công
Mục tiêu tổng quát được Nghị quyết đề ra là cơ cấu lại ngân sách nhà nước và quản lý nợ công theo hướng bảo đảm nền tài chính quốc gia an toàn, bền vững, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô; tăng cường huy động, quản lý, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực tài chính, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển văn hoá, con người, bảo đảm an sinh xã hội...
Theo đó, Nghị quyết đặt ra tỉ lệ huy động vào ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 bình quân khoảng 20-21% GDP, phấn đấu tổng thu ngân sách bằng khoảng 1,65 lần giai đoạn 2011-2015. Trong đó, tỷ trọng thu nội địa khoảng 84-85%; tỷ trọng thu dầu thô và thu xuất nhập khẩu khoảng 14-16%; tỷ trọng thu ngân sách Trung ương 60-65%. Sau năm 2020, tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước so với GDP được duy trì ở mức ổn định, hợp lý.
Tỉ lệ chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2016-2020 bình quân khoảng 24-25% GDP. Trong đó, tỉ trọng chi đầu tư phát triển khoảng 25-26%; tỷ trọng chi thường xuyên dưới 64%; ưu tiên bảo đảm chi trả nợ, chi dự trữ quốc gia. Sau năm 2020, quy mô chi xác định phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, khả năng cân đối nguồn lực, bảo đảm an toàn nợ công.
Đồng thời, giữ vững an ninh tài chính quốc gia; bảo đảm cân đối ngân sách tích cực, giảm dần tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 4% GDP, đến năm 2030 xuống khoảng 3% GDP, hướng tới cân bằng thu - chi ngân sách nhà nước.
Quy mô nợ công hằng năm trong giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 55% GDP và nợ nước ngoài quốc gia không quá 50% GDP. Đến năm 2030, nợ công không quá 60% GDP, nợ chính phủ không quá 50% GDP, nợ nước ngoài của quốc gia không quá 45% GDP.
06 giải pháp trọng tâm
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Nghị quyết của Bộ Chính trị đã đề ra 06 nhóm giải pháp cần chú trọng thực hiện, cụ thể:
Một là, phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tạo môi trường thuận lợi và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội, tạo nguồn thu vững chắc cho ngân sách nhà nước.Tập trung thúc đẩy cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và sức cạnh tranh...
Hai là, tăng cường tuyên truyền, giáo dục sâu rộng tạo thống nhất nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp về chấp hành nghĩa vụ nộp thuế, pháp luật về ngân sách nhà nước, quản lý nợ công, thực hành tiết kiệm và phòng, chống tham nhũng, lãng phí nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong cả hệ thống chính trị, đề cao trách nhiệm của người đứng đầu và xử lý nghiêm các vi phạm.
Ba là, tập trung cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý nợ công, bảo đảm an toàn và bền vững nền tài chính quốc gia. Thực hiện nghiêm nguyên tắc vay bù đắp bội chi ngân sách nhà nước chỉ được sử dụng cho đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên; cải thiện cân đối ngân sách nhà nước, từng bước tăng tích lũy cho đầu tư phát triển và trả nợ vay. Xây dựng và triển khai kế hoạch tài chính trung hạn gắn với chiến lược quản lý nợ công, kiểm soát bội chi ngân sách và kế hoạch đầu tư công trong cùng thời kỳ.
Bốn là, đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Tập trung nguồn vốn ngân sách nhà nước đầu tư các công trình trọng điểm, có sức lan toả lớn và giải quyết các vấn đề phát triển của quốc gia, vùng và liên vùng, tạo thuận lợi thu hút đầu tư tư nhân, đầu tư trực tiếp nước ngoài. Thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước, đẩy mạnh cổ phần hoá, thoái vốn đầu tư ngoài ngành và vốn nhà nước ở các doanh nghiệp mà Nhà nước không cần nắm giữ; xử lý căn bản, triệt để nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém; tăng cường đổi mới khu vực sự nghiệp công lập; từng bước tính đúng, tính đủ chi phí vào giá dịch vụ công...
Năm là, tăng cường kỷ luật, kỷ cương; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về tài chính - ngân sách nhà nước và nợ công; thực hiện có hiệu quả việc phân cấp, phân quyền cho các địa phương; ngăn chặn và xử lý nghiêm tình trạng trốn thuế, thất thu và nợ thuế.
Sáu là, nghiên cứu, xây dựng chiến lược và lộ trình cơ cấu lại ngân sách nhà nước, quản lý nợ công sau năm 2020 theo hướng: phát triển hệ thống thu đồng bộ, minh bạch, phù hợp với thông lệ quốc tế; hoàn thiện pháp luật, đổi mới cơ bản công tác quản lý ngân sách nhà nước theo kết quả thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong trung, dài hạn và hằng năm; kết hợp chặt chẽ công tác quản lý nợ công với công tác điều hành chính sách tài khoá - tiền tệ... |