Sức sống mới trên quê hương cách mạng

15:52, 20/01/2017

Năm 2016 là năm đầu triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi cũng có không ít khó khăn, thách thức đan xen.

Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp uỷ Đảng, sự điều hành quyết liệt của chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân các dân tộc trong tỉnh, tỉnh ta đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nổi bật như: Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được quan tâm, chú trọng; kinh tế đạt tốc độ tăng trưởng cao; môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch; văn hóa - xã hội có nhiều tiến bộ; quốc phòng - an ninh được giữ vững; đô thị và nông thôn có nhiều đổi mới; vấn đề an sinh xã hội và công tác đền ơn đáp nghĩa được quan tâm; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân không ngừng được cải thiện, niềm tin của nhân dân với Đảng được nhân lên…

 

Những ngày cuối năm 2016, tỉnh đã công bố Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia hồ Núi Cốc đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; khởi công xây dựng đường hồ Núi Cốc, các dự án thuộc Đề án xây dựng cấp bách hệ thống chống lũ lụt Sông Cầu kết hợp hoàn thiện hạ tầng đô thị hai bên bờ sông Cầu… Đây là những sự kiện được đánh giá là điểm nhấn, hứa hẹn mang đến nhiều đổi thay và cũng là dấu son sau 20 năm tái lập tỉnh. Các cấp ủy Đảng, chính quyền đang khẩn trương phổ biến sâu rộng tới các cấp, ngành, các tầng lớp nhân dân về Quy hoạch chung và các dự án thuộc Đề án nói trên nhằm tạo sự đồng thuận trong nhận thức và quyết tâm cao để thực hiện.

 

Nhìn lại sau 20 năm tái lập tỉnh, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ, giúp đỡ của các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong cả nước, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh ta đã phát huy truyền thống cách mạng; kế thừa những thành quả của các thế hệ lãnh đạo, cha anh đi trước, đoàn kết, sáng tạo, phát huy tiềm năng, thế mạnh, khơi dậy nguồn lực cho đầu tư phát triển. Năm 2016, tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh đạt 15,2%, gấp gần 2 lần so với năm 1997; thu ngân sách đạt trên 9.600 tỷ đồng, vượt trên 3.000 tỷ đồng, tăng 46,6% so với kế hoạch; thu nhập bình quân đạt 52 triệu đồng/người/năm, tăng 20 lần; giá trị sản xuất công nghiệp tăng trên 200 lần so với năm 1997; tỷ lệ hộ nghèo giảm qua các năm, đến nay chỉ còn 11,4%. Môi trường đầu tư của tỉnh ngày càng thông thoáng, công khai, minh bạch. Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2011 đứng thứ 57/63 tỉnh, thành phố thì đến năm 2015, Thái Nguyên đã vươn lên đứng thứ 7/63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Tỉnh cũng tập trung làm tốt công tác quy hoạch, phát triển nhanh cơ sở hạ tầng với nhiều dự án quy mô lớn. Nhờ tích cực đổi mới, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, cải cách hành chính, tỉnh ta đã thu hút được nhiều dự án lớn, nhà đầu tư tầm cỡ thế giới (đến nay đã thu hút được trên 110 dự án FDI với tổng số vốn đầu tư trên 7 tỷ USD, nổi bật là Dự án Nhà máy Điện tử Samsung). Các doanh nghiệp địa phương trên địa bàn có bước phát triển nhanh chóng, tích cực giải quyết việc làm và có đóng góp ngày càng nhiều vào sự nghiệp xây dựng, phát triển của tỉnh.

 

Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng ta phải thẳng thắn nhìn nhận vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, đó là: Kinh tế tuy có tăng trưởng so với trước nhưng tính bền vững chưa cao; một số ngành, lĩnh vực chưa phát huy hết tiềm năng, thế mạnh; nhiều dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng tiến độ triển khai thực hiện còn chậm; nợ xây dựng cơ bản còn lớn; công tác quản lý Nhà nước về đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản, môi trường và các hoạt động khai thác tài nguyên, khoáng sản còn hạn chế; công tác quy hoạch và quản lý, thực hiện quy hoạch trên một số lĩnh vực còn bất cập. Lĩnh vực giáo dục - đào tạo, y tế, khoa học -công nghệ có mặt chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ và nhu cầu của xã hội; công tác đào tạo nghề, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu phát triển. Tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp. Năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một số cấp ủy, tổ chức đảng và đảng viên còn hạn chế. Hoạt động của bộ máy chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội cần tiếp tục được đổi mới, cải cách hành chính, lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo so sánh…

 

Thời gian tới, xây dựng Thái Nguyên phát triển nhanh và bền vững, tiếp tục góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX là trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên, của cấp ủy, chính quyền các cấp và toàn thể nhân dân. Những tiềm năng, thế mạnh sẵn có của tỉnh cần được khai thác tốt để tạo sự phát triển là: Nằm trong quy hoạch xây dựng vùng Thủ đô Hà Nội; là trung tâm kinh tế, văn hóa, y tế, giáo dục của vùng trung du miền núi phía Bắc; tiếp tục giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh và doanh nghiệp. Đồng thời, xác định rõ tiềm năng, lợi thế của địa phương, lựa chọn khâu đột phá, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tạo bước tiến bộ mới trong phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện kịp thời các cơ chế, chính sách đã ban hành; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thu hút đầu tư; nâng cao chất lượng các hoạt động văn hóa - xã hội; giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội; tăng cường công tác quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn; xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh…

 

Mùa Xuân mới đang về! Với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, nỗ lực vượt khó, phát huy những kết quả đạt được trong năm 2016 và sau 20 năm tái lập tỉnh sẽ là tiền đề quan trọng để cấp ủy, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh vững niềm tin, tạo những bứt phá mới - thắng lợi mới, xây dựng Thái Nguyên sớm trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, trung tâm vùng trung du miền núi phía Bắc về phát triển công nghiệp, dịch vụ, y tế và giáo dục - đào tạo.