Tiết kiệm để lo cho Nhân dân

15:39, 31/01/2017

Những ngày cuối năm Bính Thân, dư luận cả nước bày tỏ sự đồng tình với Chỉ thị 11-CT/TW của Ban Bí thư về việc tổ chức Tết năm 2017 với hai nội dung quan trọng: không tổ chức đi thăm, chúc Tết, nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên; các địa phương không bắn pháo hoa, dành thời gian và kinh phí chăm lo tết cho người nghèo, gia đình chính sách, đồng bào vùng sâu vùng xa, đồng bào bị thiệt hại vì lũ lụt ở miền Trung.

Sau khi Chỉ thị được ban hành, trên các trang mạng, các phương tiện truyền thông cũng như dư luận quần chúng Nhân dân có rất nhiều ý kiến đồng tình về Chỉ thị này. Tất cả đều cảm động trước những chăm lo của Đảng đối với Nhân dân: “Ủng hộ việc không bắn pháo hoa để dành tiền lo cho dân nghèo. Dân mình còn nghèo, mỗi lần đến Tết lại phải chạy vạy lo sắm sửa đủ thứ. Miền Trung lũ lụt nặng như thế, khó khăn như thế, bắn pháo hoa thì vui vẻ gì. Số tiền đó để chăm lo cho người nghèo có Tết tươm tất thì thật ý nghĩa và nhân văn. Dù nguồn tiền bắn pháo hoa là xã hội hóa thì cũng là của cải chung của xã hội. Ngay cả khi không xảy ra lũ lụt thì cũng không nên bắn pháo hoa thường xuyên, xã hội còn nhiều việc khác để làm như lo cho dân nghèo, hỗ trợ trẻ vùng cao có cơm ăn, áo mặc... Mỗi người đều có nhu cầu được vui chơi, giải trí, nhưng trong lúc Nhân dân gặp hoạn nạn, nếu chúng ta san sẻ được cho họ thì sẽ hạnh phúc hơn nhiều…”.

 

Thế mới càng thấm thía truyền thống đạo lý của dân tộc, lá lành đùm lá rách, trong khó khăn hoạn nạn mới hiểu tận lòng nhau. Từ khi có Đảng, Nhân dân ta đã luôn một lòng theo Đảng, còn Đảng thì vì Nhân dân mà hi sinh. Chấp hành Chỉ thị của Ban Bí thư, hàng loạt các địa phương trong cả nước mặc dù đã chuẩn bị xong phương án bắn pháo hoa mừng Tết nhưng đã nhanh chóng công bố dừng kế hoạch để cùng chung tay chăm lo cho Nhân dân nghèo khó, san sẻ yêu thương với đồng bào miền Trung lũ lụt… Đối với Thái Nguyên cũng vậy, ngày 26-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân đã tiếp nhận số tiền 1 tỷ đồng do cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Thái Nguyên ủng hộ đồng bào bị lũ lụt miền Trung. Phát biểu tại buổi trao tiền ủng hộ, đồng chí Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Thái Nguyên, cho biết: Với tinh thần sẻ chia "Tất cả vì miền Trung ruột thịt'', Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Chấp hành Đảng bộ cùng MTTQ Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã kêu gọi, vận động cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh quyên góp ủng hộ. Mong muốn số tiền này sớm được chuyển đến đồng bào tám tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. Đây là tình cảm của cán bộ, nhân dân tỉnh Thái Nguyên chia sẻ để mong đồng bào miền Trung sớm khắc phục hậu quả của lũ lụt…

 

Việc không tổ chức đi thăm, chúc Tết, nghiêm cấm tặng quà Tết cho cấp trên cũng đang được Nhân dân rất đồng tình. Người đứng đầu Chính phủ Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị trực tuyến với các địa phương sáng 28-12-2016 đã thẳng thắn: “Tết này, xin được nói với toàn thể quốc dân, đồng bào và các đồng chí bí thư, chủ tịch là các đồng chí không phải đi thăm Thủ tướng, phó thủ tướng và các bộ trưởng nữa. Không phải chỉ miền Nam không ra Bắc, mà ngay miền Bắc cũng không đến Hà Nội”.

 

Thời nào cũng thế, người đứng đầu, những công bộc mà biết lo cho Nhân dân thì nước sẽ trường thịnh. Trong sử sách từng ghi năm 1400, nhà Hồ thay thế nhà Trần, năm 1406, nhà Minh (Trung Quốc) xâm lược Việt Nam, cuộc kháng chiến của nhà Hồ chỉ sau mấy tháng là thất bại bởi vì nhà Hồ đã đánh giặc một mình, vì để mất lòng dân. Sau này, Nguyễn Trãi nhận xét: Hồ Quý Ly thất bại bởi đã không thực hiện triết lý khoan thư sức dân làm kế sâu gốc bền rễ mà trước đó Trần Hưng Đạo đã tổng kết. Trong tư tưởng của Nguyễn Trãi, triết lý về Nhân dân luôn gắn chặt với "nhân nghĩa", ông cho rằng cứu nước việc đầu tiên là phải cứu dân: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân". Theo Nguyễn Trãi, dân chúng là người dân lao động - những người chịu nhiều đau khổ và bị áp bức bóc lột nhiều nhất không chỉ khi có nạn ngoại xâm mà thậm chí cả khi đất nước yên bình... Cũng theo Nguyễn Trãi: Vận nước thịnh hay suy, mất hay còn là do sức mạnh của dân quyết định. Dân như nước, nước có thể đẩy thuyền, cũng có thể lật thuyền.

 

Thư thái ngày xuân ngẫm lại những điều mà Đảng đã chăm lo cho Nhân dân suốt mấy chục năm nay mới thấy hết ý nghĩa vẹn tròn to lớn. Trong suốt chiều dài lịch sử của mình, hiếm có dân tộc nào trên thế giới phải trải qua nhiều cuộc kháng chiến trường kỳ để bảo vệ độc lập, chủ quyền như Việt Nam. Từ những phong trào đấu tranh của quần chúng Nhân dân trong hơn một nghìn năm Bắc thuộc, đến ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông - của nhà Trần, cuộc đấu tranh chống quân Minh xâm lược thời nhà Lê, rồi phong trào Tây Sơn đánh bại quân Thanh và hơn 80 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược... đã thể hiện rõ điều đó. Năm 1975, sau khi đánh thắng đề quốc Mỹ, đất nước hoàn toàn thống nhất và dân tộc Việt Nam bước vào một kỷ nguyên mới - kỷ nguyên độc lập dân tộc và đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quán triệt sâu sắc bài học "lấy dân làm gốc" và nêu cao tư tưởng cách mạng là của dân, do dân và vì dân. Người cho rằng, “… cách mệnh là việc chung cả dân chúng chứ không phải việc một hai người” và xác định: lực lượng chính trong công cuộc kháng chiến kiến quốc là Nhân dân.

 

Ngày nay, chúng ta đang trên đường đổi mới, hội nhập sâu vào nên kinh tế quốc tế, trong đó Thái Nguyên đã và đang có nhiều bứt phá mạnh mẽ, đặc biệt là Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã được cả Đảng bộ đoàn kết xây dựng với những chỉ tiêu cụ thể, sát với thực tế yêu cầu của xã hội và Nhân dân. Để Nghị quyết đi vào thực tiễn, hơn lúc nào hết, chúng ta phải phát huy cao độ quyền làm chủ của Nhân dân nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả sức mạnh to lớn này. Thực tế cho thấy, chỉ có phát huy sức mạnh làm chủ của Nhân dân mới có thể chống tiêu cực, chống suy thoái, chống tham nhũng có hiệu quả, nhằm củng cố Đảng, làm trong sạch bộ máy Nhà nước, lành mạnh hoá các quan hệ xã hội theo như tinh thần Nghị quyết 04-NQ/TW khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.