Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua 2 dự thảo Nghị quyết

17:02, 11/01/2017

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, tiếp thu ý kiến, bổ sung vào dự thảo Quy chế nguyên tắc “việc tổ chức các hoạt động của Đoàn giám sát bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ, tránh phô trương, hình thức.

Sáng 11/1, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (TVQH) xem xét, thông qua dự thảo Nghị quyết của  Ủy ban TVQH ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của QH, Ủy ban TVQH, Đoàn đại biểu QH và đại biểu QH và dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức.

 

Theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban TVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày, tại phiên họp thứ 5 (12/2016), Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về dự thảo Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban TVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội (sau đây gọi là Quy chế giám sát). Ngay sau phiên họp, Thường trực Ủy ban pháp luật đã chủ trì, phối hợp với Cơ quan soạn thảo, Ban công tác đại biểu, Ban dân nguyện nghiên cứu, chỉnh lý nhiều nội dung của dự thảo Quy chế theo ý kiến của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Ngày 5/1/2017, Thường trực Ủy ban pháp luật đã tổ chức cuộc họp xin ý kiến về kết quả tiếp thu ý kiến, chỉnh lý dự thảo Quy chế giám sát. Trên cơ sở ý kiến tại cuộc họp, Thường trực Ủy ban pháp luật đã tiếp thu, hoàn chỉnh dự thảo Quy chế.

 

Cụ thể, về tổ chức thực hiện giám sát của Ủy ban TVQH đối với việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri, hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, tổng hợp, theo dõi việc trả lời kiến nghị của cử tri, có ý kiến cho rằng quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân (Luật HĐGS) về giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri còn chưa rõ, do đó, đề nghị nghiên cứu, bổ sung các quy định cụ thể nhằm tạo căn cứ pháp lý đầy đủ cho Ban dân nguyện trong việc giúp Ủy ban TVQH giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân, giải quyết kiến nghị của cử tri.

 

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban pháp luật cho rằng, giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri, xem xét báo cáo hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là hoạt động giám sát thường xuyên của Ủy ban TVQH. Hiện nay, Ban dân nguyện và Ban công tác đại biểu thuộc UBTVQH là những cơ quan tham mưu, giúp Ủy ban TVQH trong việc tổ chức thực hiện một số hoạt động thuộc nội dung giám sát nêu trên. Do đó, đa số ý kiến Thường trực Ủy ban pháp luật cho rằng việc bổ sung quy định làm rõ vai trò, cách thức để Ban dân nguyện, Ban công tác đại biểu giúpỦy ban BTVQH tổ chức giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, giải quyết kiến nghị của cử tri, xem xét báo cáo hoạt động của Hội đồng nhân dân cấp tỉnh là cần thiết và tán thành với việc bỏ quy định về nội dung này trong dự thảo Quy chế.

 

 Về chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, một số ý kiến tán thành với quy định trong dự thảo Quy chế về trách nhiệm trả lời chất vấn của người bị chất vấn, nhưng đề nghị cần quy định khái quát hơn, đồng thời, cần cân nhắc một số trường hợp đặc biệt người bị chất vấn không thể tham dự phiên chất vấn.

 

Về vấn đề này, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị Ủy ban TVQH cho tiếp thu và chỉnh lý lại để bảo đảm tính khái quát, đồng thời, bổ sung quy định: “Trường hợp có lý do đặc biệt, chính đáng không thể tham dự phiên họp thì người bị chất vấn gửi văn bản nêu rõ lý do đến Tổng thư ký Quốc hội để báo cáo Chủ tịch Quốc hội xem xét, quyết định” để phù hợp với điều kiện thực tế và bảo đảm tính khả thi của dự thảo Quy chế.

 

Về vấn đề trả lời chất vấn bằng văn bản, Thường trực Ủy ban pháp luật cho rằng,  theo quy định tại khoản 4, Điều 15 Luật Hoạt đồng giám sát: “văn bản trả lời chất vấn được gửi đến đại biểu Quốc hội đã chất vấn, Ủy ban TVQH, các Đoàn đại biểu Quốc hội và được đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của Quốc hội chậm nhất là 20 ngày kể từ ngày chất vấn, trừ tài liệu mật theo quy định của pháp luật”. Do đó, Thường trực Ủy ban pháp luật đề nghị không bổ sung nội dung trên trong Quy chế.

 

Một nội dung trong Quy chế giám sát được nhiều ý kiến trong Ủy ban TVQH quan tâm là về những vấn đề cụ thể phục vụ hoạt động của Đoàn giám sát theo hướng bảo đảm tiết kiệm, tránh lãng phí, chồng chéo. Ủy ban Pháp luật của Quốc hội nhận định, Bộ Chính trị cũng đã chỉ đạo về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, trong đó nêu rõ, khi có đoàn công tác đến địa phương, cơ quan, đơn vị, cơ sở phải thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về chế độ lễ tân, chế độ công tác; không tổ chức đoàn xe đưa đón, khẩu hiệu, trải thảm, tặng quà và tổ chức ăn uống lãng phí.

 

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị, tiếp thu ý kiến, bổ sung vào dự thảo Quy chế nguyên tắc “việc tổ chức các hoạt động của Đoàn giám sát bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả, đúng chức năng, nhiệm vụ, tránh phô trương, hình thức.

 

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, mỗi năm có tối thiểu 22 đoàn giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, nhân với 15-20 ngày làm việc/cuộc thì trung bình, mỗi tỉnh tiếp cũng phải 4-5 đoàn giám sát từ trên về, rõ ràng là làm phiền địa phương. Phó Chủ tịch Quốc hội cũng cho biết, nhiều địa phương cũng chưa nghiêm túc khi làm việc với các đoàn giám sát, kể cả đoàn giám sát tối cao của Quốc hội. Dẫn chứng cụ thể cuộc giám sát tối cao về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm vừa qua, ở một địa phương rõ ràng “có chuyện” nhưng chỉ có một Phó Chủ tịch thành phố làm việc với đoàn, các thành phần khác cũng toàn cấp phó. Bởi vậy, "phải tôn trọng giám sát của cơ quan quyền lực cao nhất chứ, đó cũng là đại diện cho dân đi giám sát cơ mà, phải làm cho nghiêm”, Phó Chủ tịch Phùng Quốc Hiển cho biết.

 

Thống nhất vấn đề trên, với đa số ý kiến tán thành, Ủy ban TVQH đã biểu quyết thông qua dự thảo Nghị quyết của Ủy ban TVQH ban hành Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban TVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội và đại biểu Quốc hội.

 

Quy chế quy định về trình tự, thủ tục tiến hành một số nội dung liên quan đến hoạt động giám sát của Quốc hội, Ủy ban TVQH, Đoàn đại biểu Quốc hội quy định chi tiết về trình tự, thủ tục xây dựng, tổ chức thực hiện và báo cáo kết quả thực hiện chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban TVQH; tổ chức chất vấn và xem xét việc trả lời chất vấn tại kỳ họp Quốc hội, phiên họp UBTVQH; tổ chức thực hiện giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban TVQH; tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; điều hòa hoạt động của các đoàn giám sát chuyên đề, hoạt động giải trình tại các cơ quan của Quốc hội; xem xét việc thực hiện các nghị quyết, kiến nghị sau giám sát; một số nội dung về công tác bảo đảm, tổ chức phục vụ hoạt động giám sát.

 

Cũng trong sáng nay, Ủy ban TVQH đã thông qua dự thảo Nghị quyết ban hành Quy chế phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức.

 

Quy chế này quy định nguyên tắc, nội dung, phương thức phối hợp giữa Tòa án nhân dân tối cao và Bộ Quốc phòng trong việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức. Quy chế áp dụng đối với Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Quốc phòng và cá nhân, tổ chức trong các cơ quan này có nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến việc quản lý các Tòa án quân sự về tổ chức. Nguyên tắc phối hợp: bảo đảm phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thẩm quyền của từng cơ quan theo quy định của Luật tổ chức Tòa án nhân dân; chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, tạo điều kiện hỗ trợ nhau thực hiện tốt nhiệm vụ./.