Chúng ta vừa kết thúc kỳ nghỉ Tết dài ngày và trở lại làm việc tại các cơ quan, đơn vị. Bắt tay vào công việc với tinh thần khẩn trương, nghiêm túc, tự giác, mang lại hiệu quả thiết thực ngay từ những ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ là hành động cụ thể, thiết thực của bộ máy hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, hiện tượng bớt xén thời gian làm việc để đi lễ hội trong cán bộ, công chức, người lao động cũng như vấn đề văn hóa lễ hội rất cần các cấp các ngành cần quan tâm đôn đốc.
Những năm gần đây, đời sống vật chất của người dân ngày càng được nâng cao, hoạt động lễ hội càng được coi trọng. Song, sự gia tăng tới mức khó kiểm soát về quy mô, số lượng của lễ hội ở các địa phương đã khiến giá trị tốt đẹp của nhiều lễ hội bị mai một. Theo con số của các nhà chuyên môn cung cấp, trung bình một ngày có khoảng hơn 20 lễ hội lớn nhỏ diễn ra trong cả nước, nhưng trên thực tế thường tập trung vào những tháng đầu xuân. Nhiều lễ hội được phục dựng theo kiểu nâng tầm quy mô, đưa thêm nhiều sự kiện, hoạt động nhưng vô tình lại làm lu mờ giá trị văn hóa.
Không ít nơi, lễ hội được tổ chức vì mục đích thương mại, người tổ chức chỉ quan tâm đến việc thu hút bao nhiêu người đến dự, mang về doanh thu ra sao, thay vì tính đến hàm lượng văn hóa của lễ hội. Trong khi đó, người tham gia thì mang theo tâm lý mua thần, bán thánh, xin xỏ, cầu may thay vì cầu bình an, sức khỏe. Bởi thế, dù lễ hội nhiều, thu hút đông người, nhưng có khi chẳng mấy ai hiểu được sự tích, không gian văn hóa hay giá trị riêng của từng lễ hội, dẫn tới ứng xử lệch chuẩn... Lễ hội nhiều nhưng thiếu bản sắc. Mặc dù năm nào cũng tuyên truyền đậm nét về lễ hội, chấn chỉnh, rút kinh nghiệm những khiếm khuyết, song những biểu hiện thiếu văn hóa vẫn diễn ra. Tình trạng tranh giành, thậm chí ẩu đả để cướp lộc; nạn chèo kéo, ép giá khiến nhiều du khách khó chịu; nạn đổi tiền lẻ, đốt vàng mã... vẫn hiển hiện.
Tâm lý vương vấn không khí Tết vẫn tồn tại trong nhân dân. Đó vốn là căn bệnh khá phổ biến lâu nay, nhất là một số cán bộ, công chức, người lao động ở các công sở, cơ quan hành chính. Thời gian qua, đông đảo nhân dân đánh giá cao quyết tâm của Trung ương cũng như của tỉnh về xây dựng Chính phủ liêm chính và kiến tạo, hành động phục vụ người dân, doanh nghiệp. Quyết tâm đó đã được nhấn mạnh trên nhiều diễn đàn, được cụ thể hóa thông qua các chủ trương, chính sách cụ thể, khả thi và triển khai thực hiện, nhưng việc kiểm tra đôn đốc và giám sát thực hiện là không thể thiếu. Việc tự giác chấp hành kỷ luật lao động ở từng bộ phận, đơn vị, với từng vị trí công tác, nhiệm vụ, sẽ giúp bộ máy hành chính các cấp, từ lãnh đạo đến cán bộ, nhân viên, người lao động thực hiện nghiêm túc ngay từ những ngày đầu xuân, góp phần thúc đẩy bộ máy hoạt động hiệu quả.
Xuân sang cũng là thời điểm bước vào cao điểm mùa lễ hội. Đi lễ đầu năm là dịp để người dân tìm hiểu lịch sử dân tộc, tưởng nhớ công ơn tiên tổ, tìm về văn hóa truyền thống… Đây là nét đẹp của văn hóa dân tộc cần được duy trì, song không vì thế mà cán bộ, công chức, người lao động sao nhãng công việc, bớt xén thời gian làm việc để đi lễ hội. Để lễ hội được trở về đúng với ý nghĩa nhân văn tốt đẹp, đặc biệt cần đến vai trò của những người làm công tác quản lý, tổ chức lễ hội. Yêu cầu trước mắt và lâu dài của quá trình phát triển là tăng cường kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của người đứng đầu trong các cơ quan hành chính các cấp. Bên cạnh đó là nâng cao năng lực chuyên môn và phẩm chất đạo đức đối với cán bộ, công chức, viên chức, chú trọng đổi mới chế độ công vụ, công chức. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức cần xác định rõ trách nhiệm của mình trong thực thi công vụ, bằng những việc làm cụ thể để phục vụ người dân, doanh nghiệp với tinh thần khẩn trương, trách nhiệm cao, thiết thực góp phần hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngay từ những tháng đầu, quý đầu của năm.
Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương theo Chỉ thị số 26-CT/TW; khẩn trương tập trung giải quyết, xử lý công việc ngay sau những ngày nghỉ Tết, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp và nhu cầu giao dịch của người dân; nghiêm cấm việc đi lễ hội trong giờ hành chính cũng như sử dụng xe công đi lễ hội, trừ trường hợp thực thi nhiệm vụ. Lãnh đạo các cơ quan, địa phương không tham dự lễ hội nếu không được cấp có thẩm quyền phân công.