Hơn 70 năm sắt son một lời thề

08:24, 03/02/2017

“Chấp nhận gian khổ, hy sinh, nguyện phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng”. Từng câu, từng chữ trong lời thề thiêng liêng dưới Đảng kỳ luôn hằn sâu trong tim, hun đúc ý chí và tạo động lực để ông cống hiến trọn đời cho lý tưởng cao đẹp. 90 tuổi đời, gần 71 năm tuổi Đảng, ông Lao Văn Kế, ở xóm Là Mè, xã Phương Giao (Võ Nhai) vẫn khá minh mẫn, hào hứng kể lại quá trình hoạt động cách mạng của mình...

Đầu năm 1945, cả nước sục sôi khí thế cách mạng, chàng thanh niên Lao Văn Kế lúc này chưa đầy 18 tuổi đã xung phong gia nhập Đội du kích xã để trấn áp các thế lực cường hào, bóc lộc nhân dân. Có khí chất và tinh thần hăng hái nên được cử làm Tiểu đội trưởng du kích xã Phương Giao (gồm cả xã Bình Long ngày nay), sau đó tham gia lực lượng nòng cốt bảo vệ Ủy ban Kháng chiến lâm thời châu La Hiên (tháng 3-1945)... Ông Kế nhớ lại: Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tôi được tổ chức giao nhiều nhiệm vụ khác nhau tại các địa bàn trong huyện, lặn lội đến nhiều nơi vận động người dân tin tưởng và ủng hộ cách mạng, tăng gia sản xuất, “diệt giặc đói, giặc dốt”. Cứ được giao việc là tôi đi, chẳng mấy lúc về nhà...

 

Tích cực tham gia hoạt động và sớm giác ngộ lý tưởng cách mạng, ông Lao Văn Kế được cử đi học lớp cảm tình Đảng, rồi được kết nạp vào Đảng tháng 10-1946 cùng 5 đồng chí khác, thuộc lớp đảng viên đầu tiên của 2 xã Phương Giao, Bình Long. Đã hơn 7 thập kỷ trôi qua, ông vẫn nhớ và kể rành rọt về thời điểm ấy: Khi được cử đi học, tôi vẫn chưa hiểu nhiều về Đảng, chỉ biết đây là tổ chức tập hợp quần chúng chống lại các thế lực phản động, bóc lột người dân; xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho mọi người; trong lòng thấy vui và vinh dự lắm. Ngày kết nạp, một đồng chí trên huyện về dự và quán triệt: “Đảng viên như người cầm bó đuốc soi đường cho dân, nếu để tắt đuốc hoặc sai đường là có tội”. Chúng tôi nghe mà thấm lắm, mọi người cùng thề phục vụ Đảng, phục vụ nhân dân đến hơi thở cuối cùng, không quản ngại gian khổ, hy sinh.

 

Thời điểm ông Lao Văn Kế được kết nạp vào Đảng cũng là lúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược chuẩn bị bước vào giai đoạn cam go. Là đảng viên lớp tiên phong của địa phương, ông được cấp trên tin tưởng giao nhiều nhiệm vụ. Khi thực dân Pháp cho quân nhảy dù xuống Tràng Xá, La Hiên hòng lùng bắt những cán bộ cốt cán của Trung ương đang hoạt động tại đây, ông xung phong tham gia Trung đội Cảm tử quân do Việt Minh huyện thành lập với tinh thần sẵn sàng chiến đấu, hy sinh. Giai đoạn chuẩn bị cho Chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Kế trên cương vị Trưởng Ban dân công xã Phương Giao đã đến từng nhà vận động người đi dân công hỏa tuyến, tham gia thanh niên xung phong. Ông cũng trực tiếp dẫn đầu một đoàn dân công của địa phương đi bộ hằng tháng trời lên Tây Bắc để phục vụ Chiến dịch. Kháng chiến gian khổ, có đi mà không xác định ngày về, tạm biệt vợ hiền và đàn con thơ, ông hăng hái nhận nhiệm vụ với niềm tin tất thắng.

 

Sau năm 1954, ông Lao Văn Kế tích cực công tác tại địa phương, đảm trách nhiều nhiệm vụ khác nhau. Ông luôn tâm niệm là cán bộ, đảng viên thì phải nỗ lực hết mình để làm tròn nhiệm vụ với Đảng, tận tâm và trách nhiệm với dân. Trong quá trình hoạt động cách mạng của mình, kỷ niệm đáng nhớ nhất với ông Kế là lần được gặp Bác Hồ, khi đang học lớp chính trị tại xã La Hiên. Ông nói: Bác chỉ dặn có mấy điều mà tôi nhớ mãi, rằng phải học tập chăm chỉ để có kiến thức, phải hết lòng phục vụ đồng bào.

 

Là người cương trực, thẳng thắn, dám đấu tranh bảo vệ chủ trương của Đảng và quyền lợi chính đáng của người dân, chống lại tiêu cực, bất công nên trong quá trình công tác, ông Lao Văn Kế đã không ít lần bị hiểu lầm, thậm chí bị trù dập. Khi làm cán bộ hợp tác xã nông nghiệp Phương Giao, ông đã phản đối quyết liệt cách phân phối nông sản thiếu công bằng của Ban lãnh đạo Hợp tác xã, khiến nhiều xã viên chịu thiệt thòi. Kết quả là ông bị xóa tên khỏi danh sách đảng viên trong 6 tháng. Sau khi ông báo cáo sự việc, cấp ủy, chính quyền huyện đã chỉ đạo kiểm tra và xử lý sai phạm, khôi phục danh dự cho ông. Thời điểm là Bí thư Chi bộ Phương Giao (trước năm 1950), ông đã bảo vệ chính kiến của mình khi đề nghị khai trừ một đảng viên vì người này cố tình trốn tránh nhiệm vụ…

 

Đã nghỉ hưu nhiều năm nhưng ông Lao Văn Kế vẫn tích cực đóng góp ý kiến với cấp ủy, chính quyền địa phương mỗi khi có dịp; làm trụ cột tinh thần cho con cháu, cộng đồng nơi cư trú và đặc biệt là thế hệ đảng viên lớp sau. Theo dõi thường xuyên tình hình thời sự, ông vui mừng nhận thấy đất nước phát triển từng ngày, Đảng ta ngày càng lớn mạnh, nhưng cũng rất trăn trở vì sự suy thoái của một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Ông cho rằng cần xử lý nghiêm những cán bộ vi phạm để giữ uy tín của Đảng, củng cố niềm tin của nhân dân. Mỗi khi có cán bộ các cấp đến thăm, ông chỉ nhẹ nhàng: Thời chúng tôi khó khăn thế còn làm được, giờ các đồng chí càng phải làm tốt hơn, là cán bộ phải hết lòng phụng sự nhân dân…

 

Và giờ đây, lời thề dưới Đảng kỳ năm ấy vẫn nguyên vẹn trong tim người đảng viên già.