Năm nay, hai nhà báo: Vi Thu Lan (Báo Thái Nguyên) và Đỗ Thu Hiền (Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh) đón Tết Đinh Dậu vui hơn bởi hai chị vừa nhận tin vui: Đoạt giải Cuộc thi báo chí viết về xây dựng Đảng toàn quốc (Giải Búa liềm vàng).
Ngày 19-5-2016, Ban Tổ chức Trung ương, Tạp chí Cộng sản, Đài Truyền hình Việt Nam chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức công bố, phát động Giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng (mang tên Giải Búa liềm vàng). |
Tác phẩm báo chí được trao Giải “Búa liềm vàng” là những tác phẩm bằng tiếng Việt được đăng, phát trên các phương tiện thông tin đại chúng kể từ ngày 1-11 năm trước đến ngày 31-10 năm sau. Riêng năm 2016, đối tượng xét Giải là những tác phẩm được đăng, phát kể từ ngày tổ chức Lễ phát động (19-5-2016 đến 31-10-2016). |
Nói về tác phẩm truyền hình đoạt giải của mình, Nhà báo (NB) Thu Hiền nhớ từng chi tiết nhỏ. Chị kể: Chúng tôi (nhóm tác giả gồm Thu Hiền, Mạnh Nghịnh, Thành Chung) đặt tên tác phẩm của mình là “Khi vấn đề được nhìn thẳng, nói thật”. Trong hoàn cảnh Đảng bộ tỉnh thực hiện Nghị quyết TW4 (Khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách trong xây dựng Đảng hiện nay” tuy đã đạt được nhiều kết quả tốt, nhưng ở một vài nơi, việc thực hiện Nghị quyết còn qua loa, hình thức, nể nang, né tránh nên kết quả chưa cao, dẫn đến việc vi phạm của một số cán bộ đảng viên, người đứng đầu cấp ủy, địa phương vẫn còn, gây mất lòng tin trong quần chúng nhân dân. Nguyên nhân chính ở đây là công tác tự phê bình, phê bình của nhiều cán bộ, đảng viên còn yếu kém. Câu chuyện ở Đảng bộ xã Hoàng Nông (Đại Từ) và Đảng bộ xã Tân Cương (TP Thái Nguyên) là những ví dụ điển hình.
Phóng sự truyền hình đã đề cập đến hàng loạt bê bối liên quan đến công tác cán bộ sau thực hiện Nghị quyết Trung ương 4. Như ở Đảng bộ xã Hoàng Nông, nhiều năm mất đoàn kết, vai trò lãnh đạo của Đảng mờ nhạt, cán bộ, đảng viên không phục tùng Nghị quyết của Đảng, đời sống kinh tế xã hội đi xuống, nhân dân mất niềm tin, thường xuyên tụ tập khiếu kiện đông người. Tuy nhiên, sau khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, bằng việc kiểm điểm, phê bình, chỉ rõ trách nhiệm của cá nhân, tổ chức và người đứng đầu, tiến hành xử lý cán bộ, sắp xếp và bố trí lại đội ngũ cán bộ, từ một Đảng bộ yếu kém, Hoàng Nông đã từng bước chuyển mình và trở thành điểm nhấn trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ huyện Đại Từ. Hay như Đảng bộ xã Tân Cương, được báo chí phát hiện, cung cấp thông tin, cấp ủy, chính quyền địa phương đã chỉ đạo kịp thời làm rõ những sai phạm báo chí nêu, có hình thức kỷ luật kịp thời, từ đó lấy lại được niềm tin của nhân dân trong xã. Thông điệp các NB gửi đến cấp ủy Thái Nguyên còn là: Việc triển khai thực hiện Nghị quyết TW4 chỉ thực sự hiệu quả khi mọi vấn đề phải được nhìn thẳng, nói thật.
Chung tâm trạng như NB Thu Hiền và nhóm phóng viên Đài Phát thanh Truyền hình tỉnh, NB Thu Lan (Báo Thái Nguyên) háo hức chờ đợi giây phút trao giải thưởng tại Hà Nội, diễn ra vào đúng Ngày Thành lập Đảng (3-2). Tác phẩm “Làm gì để những người “vác tù và” đứng trong hàng ngũ của Đảng?” của tác giả Thu Lan được trao giải Khuyến khích.
Vấn đề NB Thu Lan đặt ra cũng là trăn trở của Đảng bấy lâu nay. Hiện nay còn khá nhiều trưởng xóm, tổ trưởng dân phố, những người hàng ngày gần gũi, hiểu thấu suy nghĩ, mong muốn của người dân, người “tháo ngòi” mâu thuẫn trong cộng đồng từ khi mới manh nha… lại chưa là đảng viên. Bài viết hai kỳ đã phân tích nguyên nhân vì sao những “cánh tay nối dài của chính quyền” lại đứng ngoài tổ chức Đảng? những giải pháp tích cực của Đảng bộ huyện Phú Bình để tăng cường sức mạnh cho đảng, nhằm xóa “trắng” tình trạng trưởng xóm, tổ trưởng dân phố không là đảng viên cũng được NB Thu Lan đề cập.
Tác phẩm của NB Thu Lan là 1 trong 16 tác phẩm Báo Thái Nguyên gửi về Ban tổ chức cuộc thi. Tuy chỉ có 5 tháng kể từ ngày phát động (từ ngày 19-5 đến 31-10-2016) nhưng Báo Thái Nguyên đã làm được công việc đáng nể: Thu hút 54 tác phẩm tham gia cuộc thi đăng trên báo Thái Nguyên, trong đó 16 tác phẩm được trao giải ở cơ quan, đồng thời gửi dự thi cấp Trung ương.
Thực tế, viết về xây dựng Đảng là công việc thường xuyên của những người làm báo Thái Nguyên. Trên báo in và báo Thái Nguyên điện tử, nhiều năm qua thường xuyên duy trì chuyên mục “Đảng và cuộc sống”. Bởi thế, khi Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các cơ quan tổ chức cuộc thi báo chí Quốc gia viết về xây dựng Đảng, các phóng viên, cộng tác viên của Báo đã hưởng ứng rất nhiệt tình. Với cách triển khai bài bản, thu hút số lượng bài dự thi lớn, nhiều bài báo tạo dư luận tốt trong tỉnh, Báo Thái Nguyên là 1 trong 10 đơn vị trong toàn quốc được Ban Tổ chức cuộc thi lựa chọn trao giải Tập thể Xuất sắc.
Tuy nhiên, năm đầu tham gia cuộc thi, người viết ở Thái Nguyên không khỏi bỡ ngỡ, lúng túng. Một trong những khó khăn nhiều người vấp phải là chọn vấn đề chưa xứng tầm cuộc thi Quốc gia? Đề tài nhiều, sự kiện báo chí ở địa phương không ít, nhưng dường như các tác giả vẫn quanh quẩn bên những mảng miếng lụn vụn, chủ yếu nêu hiện tượng nhỏ lẻ ở nơi này, nơi kia. Đại đa số các bài dự thi chưa có tầm khái quát cao, chưa gợi mở vấn đề, hướng giải quyết những tồn tại yếu kém trong công tác xây dựng Đảng.
Tình hình này ở Thái Nguyên cũng là tình hình chung của các cơ quan báo chí toàn quốc tham gia cuộc thi. Theo đánh giá của Ban Tổ chức cuộc thi, thì bên cạnh ưu điểm, các tác phẩm đã bộc lộ nhiều nhược điểm: Các bài viết về triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng chưa có nhiều điểm mới, chưa quan tâm nhiều đến chương trình hành động, những cách làm sáng tạo; cách viết còn công thức, lệ thuộc nhiều vào báo cáo và ý kiến lãnh đạo các cấp, thiếu dấu ấn cá nhân. Bài giới thiệu tập thể, cá nhân tiêu biểu trong học tập tấm gương Bác Hồ chưa nhiều, nhất là các bài ký chân dung, gương người tốt, việc tốt. Bài phê phán, đấu tranh bác bỏ quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, các phần tử cơ hội chính trị còn hiếm. Một số đề tài lớn chưa được đề cập hoặc có đề cập nhưng còn mờ nhạt như: công tác luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát; công tác phát triển đảng viên; nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ. Chưa có các bài viết về các đảng bộ Quân đội.
Qua vòng chấm sơ khảo, từ 1.200 tác phẩm của 29 đơn vị dự giải, Ban Tổ chức cuộc thi đã chọn được 85 tác phẩm đưa vào chấm chung khảo, từ đó chọn được 47 tác phẩm trao giải (gồm 3 giải A, 7 giải B, 12 giải C, 25 giải Khuyến khích).
Tuy các cơ quan báo chí của Thái Nguyên chỉ đoạt được 2 giải Khuyến khích cá nhân, nhưng đây vẫn là một khởi đầu khá tốt đẹp. Những thiếu sót Ban Tổ chức cuộc thi nêu ra cũng là gợi ý để các phóng viên, cộng tác viên rút kinh nghiệm, tìm đề tài, cách thể hiện phù hợp hơn.
Chuẩn bị cho cuộc thi năm thứ 2, NB Thu Hiền dự định thực hiện bài ký chân dung. Dù chỉ là một tấm gương thôi, nhưng phải thật điển hình và có sức lan tỏa - chị khẳng định như vậy. Trao đổi nhanh với một số phóng viên, cộng tác viên của Báo Thái Nguyên, tôi cũng nhận được câu trả lời của họ là sẽ tiếp tục thi với tư duy và tâm thế mới. Cộng tác viên Dương Văn Mưu cho biết, anh đã có bài dự thi năm thứ 2 đăng trên báo Thái Nguyên, đồng thời đang triển khai đề tài mới khá tâm đắc. Dù được giải hay không được giải, với anh, cuộc thi là dịp để cọ xát với các cây bút toàn quốc, vì thế không thể bỏ qua cơ hội này.
Đã tạm khép lại Giải Búa liềm vàng năm đầu tiên, với tinh thần cầu thị học hỏi, các cơ quan báo chí của Thái Nguyên sẽ tiếp tục đồng hành cùng cuộc thi với quyết tâm cao hơn trong năm 2017.