“Phẩm chất của Tổng Bí thư Trường Chinh rất cần trong mọi thời đại”

07:55, 09/02/2017

Cho dù thời đại thay đổi nhiều, nhưng tấm gương, phẩm chất của Tổng Bí thư Trường Chinh rất cần trong thế hệ đương đại và tương lai.

Đó là ý kiến của Nhà sử học Dương Trung Quốc về Tổng Bí thư Trường Chinh - Nhà lý luận xuất sắc, nhà lãnh đạo kiệt xuất, một nhân cách lớn của cách mạng Việt Nam; là người khởi xướng, nhà thiết kế chiến lược công cuộc Đổi mới.

 

“Hiện tượng trong đời sống chính trị Việt Nam”

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc cho biết, đồng chí Trường Chinh là người có mặt trong rất nhiều giai đoạn lịch sử quan trọng, ở những cương vị cũng rất quan trọng, từ Hội nghị Trung ương lần thứ 8 năm 1941 cho đến Cách mạng Tháng Tám năm 1945. Với cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Trường Chinh là người chuẩn bị về mặt lý luận cho cuộc kháng chiến thần thánh chống thực dân Pháp với tác phẩm “Kháng chiến nhất định thắng lợi”; là người có nhiều đóng góp với Quốc hội, Hội đồng Nhà nước.

 

Nhưng đóng góp gây ấn tượng sâu sắc nhất về phẩm chất cách mạng của Tổng Bí thư Trường Chinh là sẵn sàng thay đổi chính mình với tinh thần như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh là biết phê bình, tự phê bình, điều đó thấy rõ nhất trong thời kỳ tiền Đổi mới.

 

“Trong ấn tượng của nhiều người thì đồng chí Trường Chinh là người rất nghiêm túc, và khi cái ông coi là nguyên tắc thì làm rất nghiêm. Nhưng tại sao trong thời điểm lịch sử, ông nhận thức lại vấn đề và trở thành người tạo ra công cuộc Đổi mới? Chính là ông phát hiện nguyên lý rất cơ bản và điều đó tiếp tục giá trị với chúng ta ngày hôm nay là dám nhìn thẳng vào sự thật” – ông Dương Trung Quốc phân tích.

Nhà sử học Dương Trung Quốc.

 

Đất nước ta trong thời kỳ những năm 80 của thế kỷ trước khủng hoảng rất sâu sắc, đồng chí Trường Chinh trực tiếp đi vào thực tiễn đời sống để tìm hiểu. Sau chuyến đi vào Nam - nơi diễn ra rất nhiều hiện tượng, sáng kiến mang tính chất đột phá, ông nhận việc thay đổi, đổi mới không chỉ là cấp bách mà là vấn đề sống còn.

 

“Ông quyết định thúc đẩy công cuộc đổi mới, thay đổi rất căn bản, biểu thị trong việc Văn kiện Đại hội Đảng lần VI (1986) chuẩn bị rồi nhưng ông quyết định điều chỉnh trên tinh thần đổi mới mà ta đã thấy. Đây là hiện tượng trong đời sống chính trị Việt Nam. Tính kiên định cách mạng không đồng nghĩa với việc bảo thủ, mà đồng nghĩa bám sát thực tiễn, khi cần thiết phải tự thay đổi chính mình thì mới thúc đẩy sự phát triển chung. Do đó, nói ông Trường Chinh là kiến trúc sư, khởi động công cuộc Đổi mới là hoàn toàn chính xác” – Nhà sử học Dương Trung Quốc nói.

 

Dám “bẻ ghi” đưa con tàu đi đúng hướng

 

Bối cảnh tình hình thế giới, khu vực hiện nay tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều nhân tố bất trắc, khó lường, trong nước còn khó khăn, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đẩy mạnh đồng bộ, toàn diện công cuộc đổi mới.

 

Để làm được điều đó, theo ông Dương Trung Quốc, một nguyên lý không thay đổi từ công cuộc đổi mới cách đây hơn 30 năm chính là tinh thần bám sát thực tiễn, ý thức dám nhìn thẳng vào sự thật, tôn trọng quy luật, tính khách quan và khoa học của công cuộc xây dựng đất nước. Cái khó là vận dụng vào thực tế trên nền tảng xã hội mới.

 

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng cho rằng, tố chất lãnh đạo khi chúng ta nhìn lại những người như Tổng Bí thư Trường Chinh ngoài cái chung ai cũng có là lòng yêu nước, là lý tưởng phấn đấu thì điều hết sức quan trọng chính là sự cầu thị, lắng nghe, thoát ra khỏi cách suy nghĩ quan liêu và dám thay đổi. 

 

Nỗ lực của ông Kim Ngọc ở Vĩnh Phú trước đây hay của địa phương dám “phá rào” sẽ không đủ nếu nó không được nhận thức từ trên. Tại sao nước nông nghiệp mà dân đói, tại sao phải phá rào mới nuôi dân no? Câu hỏi đời thường đó có tác động quyết định đến tư duy mà chỉ có người lãnh đạo ở tầm mức như Trường Chinh mới thúc đẩy căn bản, “bẻ ghi” để con tàu chuyển hướng khỏi đường hầm không lối thoát.

 

“Sự thay đổi tư duy của người lãnh đạo đã thúc đẩy yếu tố tích cực, trở thành động lực cho sự đổi mới. Thực tiễn đã chứng minh không thay đổi không thể tồn tại được. Nếu điều đó không phản ảnh trong cương lĩnh và không trở thành tư duy lãnh đạo của người cao cấp thì chắc chắn nó thành cuộc phấn đấu nhọc nhằn khác mà chưa chắc chúng ta đi đến thành công” – ông Dương Trung Quốc nói.

 

Với người lãnh đạo, thước đo quan trọng nhất chính là uy tín với nhân dân. Năng lực người cán bộ đòi hỏi rất nhiều trên các lĩnh vực khác nhau nhưng phẩm chất thì đòi hỏi căn bản giống nhau, đó là trở thành người tiên tiến của xã hội, thể hiện ở đức hy sinh, dẫn dắt, gương mẫu, tập hợp quần chúng. Điều đó hội tụ ở Tổng Bí thư Trường Chinh - con người phi thường, vượt qua nhiều thử thách, không chỉ trong thời kỳ chiến tranh cách mạng mà chính trong nền tảng chính trị của mình.

 

Việc ông thôi chức Tổng Bí thư rồi lại phấn đấu tới chức Tổng Bí thư bằng chính những năng lực, đóng góp của mình, trở thành tấm gương tiên phong trong Đổi mới làm cho mọi người có lòng tin vào chính mình, vào sự phấn đấu, cống hiến của mình; đồng thời qua đó cho thấy thể chế cần cần tạo ra môi trường để mọi người dám dấn thân, phát huy tất cả năng lực, đóng góp vào sự nghiệp chung của đất nước.

 

“Trách nhiệm lịch sử khiến cho con người ấy nhận thức được vai trò của mình với đất nước, phấn đấu thực hiện lý tưởng của mình, vượt qua thử thách. Cho dù thời đại thay đổi nhiều, nhưng phẩm chất ấy rất cần trong thế hệ đương đại và tương lai - phấn đấu cho lý tưởng của mình trên tinh thần xả thân vì nghĩa lớn”, Nhà sử học Dương Trung Quốc nhận định./.