Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Ban Kinh tế Trung ương

08:27, 12/02/2017

Ngày 11-2, đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với cán bộ chủ chốt Ban Kinh tế T.Ư về tình hình kết quả công tác năm 2016, phương hướng, nhiệm vụ năm 2017. Tham dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng: Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế T.Ư; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, cơ quan T.Ư.

Báo cáo của Ban Kinh tế T.Ư và ý kiến phát biểu tại buổi làm việc, nêu rõ, năm 2016, Ban Kinh tế T.Ư hoàn thành có chất lượng các nhiệm vụ được giao; bám sát tình hình thực tiễn để nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các chính sách lớn về phát triển kinh tế - xã hội; thẩm định, tham gia ý kiến, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng đối với những lĩnh vực thuộc chức năng, nhiệm vụ được giao. Ban Kinh tế T.Ư đã chủ trì bảy đề án quan trọng được Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị giao về sơ kết, tổng kết một số đề án, nghị quyết, chủ trương của Đảng, như: tiếp tục hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; tiếp tục đổi mới cơ chế, chính sách, khuyến khích và tạo điều kiện phát triển kinh tế tư nhân; xã hội hóa dịch vụ công;...

 

Tuy nhiên, nhiều ý kiến mong rằng, để làm tốt công tác tham mưu, Ban Kinh tế T.Ư cần có cơ chế tập hợp các nhà nghiên cứu, các chuyên gia đầu ngành về kinh tế; đổi mới mạnh mẽ tư duy để làm tốt chức năng tham mưu chiến lược; tập trung nghiên cứu đề xuất chính sách thu hút nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội; nghiên cứu về phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội và các giải pháp, chính sách về phòng ngừa tiêu cực, tham nhũng; đẩy mạnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng...

 

Phát biểu ý kiến kết luận buổi làm việc, Tổng Bí thư nhấn mạnh, Ban Kinh tế T.Ư phải tập trung ưu tiên thực hiện thật tốt chức năng, nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Đảng về đường lối, chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội,... Chú trọng các vấn đề như: động lực và nguồn lực cho phát triển; việc huy động, phân bổ và sử dụng các nguồn lực cho đầu tư phát triển; đổi mới mô hình tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, tranh thủ những thời cơ, thuận lợi, vượt qua những khó khăn, thách thức mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư có thể đem lại; thực hiện thành công ba đột phá chiến lược; thực hiện có hiệu quả tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế trong bối cảnh mới; cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước; phát triển kinh tế tư nhân thật sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế; đổi mới quản lý và phát triển xã hội; tăng cường quản lý và bảo vệ tài nguyên môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu (Toàn văn bài phát biểu đăng trên số báo hôm nay).