Ngành lúa gạo Việt Nam cần tầm nhìn mới, đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho nông dân, doanh nghiệp

10:27, 16/03/2017

Sáng 15-3, tại T.P Long Xuyên (An Giang), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng đồng bằng sông Cửu Long” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) phối hợp UBND tỉnh An Giang tổ chức. Cùng dự có lãnh đạo các bộ, ban, ngành TW, các tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Năm 2016, các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn gạo sang hơn 150 nước, thị trường, đạt trị giá 2,1 tỷ USD. Vùng ĐBSCL chiếm hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Ước tính hai tháng qua, các DN xuất khẩu 787.235 tấn gạo, đạt giá trị xuất khẩu hơn 328 triệu USD, giảm 18,5% về lượng, 21,4% về trị giá so cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh kết quả đạt được, hạn chế của ngành lúa gạo được xác định là hiệu quả chuỗi giá trị còn thấp do tỷ lệ thất thoát cao. Chất lượng gạo xuất khẩu còn thấp, tỷ lệ gạo hơn 15% tấm còn chiếm tới 36%. Công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển. Không có hợp đồng tiêu thụ ổn định, giá cả bấp bênh. Tại hội nghị, Bộ NN và PTNT đề xuất nhiều giải pháp nhằm phấn đấu đạt mục tiêu khẳng định vị thế vững chắc hạt gạo Việt Nam trên trường quốc tế.

 

Phát biểu ý kiến chỉ đạo hội nghị, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc biểu dương, ghi nhận các đóng góp tâm huyết của các nhà khoa học, DN, nhà chế biến, xuất khẩu và nông dân trong sản xuất, tiêu thụ lúa gạo... Tuy vậy, thực tế cho thấy, hiệu quả trồng lúa cả ba vụ còn thấp. Thủ tướng nhấn mạnh, nông nghiệp Việt Nam luôn là trụ đỡ của nền kinh tế. Lúa gạo ở Việt Nam, đặc biệt ở vùng ĐBSCL tiếp tục được khẳng định trong an ninh lương thực tầm quốc gia và quốc tế. Lúa gạo vẫn là một trong những loại nông sản chiến lược mà Việt Nam có lợi thế hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Nếu chúng ta sản xuất lớn, áp dụng công nghệ và quản lý phù hợp, kết hợp chế biến sâu, tiếp thị tốt thì hiệu quả kinh tế còn tăng nhiều lần.

 

Thủ tướng cho rằng, ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước “giờ G” của công cuộc đổi mới, đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, phương thức quản trị và công nghệ sản xuất. Chính vì vậy, ngành lúa gạo Việt Nam cần một tầm nhìn mới, đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để hạt gạo Việt Nam đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng ở châu Á và thế giới, từ đó, đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho người nông dân trồng lúa cũng như các DN làm lúa gạo.

 

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, Việt Nam sẽ không chỉ là một quốc gia xuất khẩu lúa gạo đạt mức kim ngạch hàng đầu thế giới mà chúng ta phải phấn đấu trong 10 đến 20 năm tới, hạt gạo do người nông dân và DN Việt Nam sản xuất ra sẽ đem lại những giá trị gia tăng tốt nhất dựa trên việc đáp ứng một cách tinh tế các nhu cầu và tiêu chuẩn phổ quát về dinh dưỡng và dược liệu, góp phần củng cố danh tiếng của một trong những nền văn minh nông nghiệp lâu đời nhất của thế giới. Thủ tướng đề nghị đổi mới ngành sản xuất lúa gạo bằng các giải pháp đột phá về thể chế, chính sách, cả mô hình phát triển. Theo đó, phải đổi mới trong canh tác, sản xuất, chế biến lúa gạo bằng thể chế chính sách, mô hình phát triển, mở rộng hạn điền phù hợp. Cần những cánh đồng mẫu lớn được hình thành bằng mô hình liên kết, hợp đồng thuê đất lâu dài, hài hòa lợi ích. Cơ giới hóa nông nghiệp đồng thời giảm bớt lao động trong nông nghiệp, nông thôn. Điều chỉnh mục đích sử dụng đất trồng lúa. Giữ đất trồng lúa nhưng phải xem xét mùa vụ, xen canh phù hợp; chuyên canh lúa tập trung, đồng bộ, hình thành chuỗi giá trị, liên kết vùng và quy hoạch có hệ thống. Nâng cao hiệu quả sản xuất lúa gạo thật sự bền vững; chống tổn thất sau thu hoạch một cách đồng bộ. Cơ cấu lại ngành nông nghiệp; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xuất khẩu. Xây dựng hệ thống thủy lợi hiện đại, hướng đến đa mục tiêu và áp dụng cơ chế thị trường về giá nước sản xuất để người dùng tiết kiệm, sử dụng nước hiệu quả hơn.

 

Thủ tướng đặc biệt yêu cầu phải xây dựng thương hiệu nổi tiếng cho gạo Việt Nam; đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại để có bộ giống chất lượng tốt, cạnh tranh cao; chú trọng thị trường trong nước; có những chính sách kịp thời, định hướng phù hợp xử lý khi giá gạo xuống thấp cho DN, nông dân; khuyến khích mô hình cánh đồng mẫu lớn. Các ngành chức năng, nhất là các DN cần phát triển thị trường, đẩy mạnh xúc tiến thương mại. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam mở rộng tín dụng cho vay, rà soát lại một số quy định phù hợp cho lĩnh vực lúa gạo nói riêng, nông sản nói chung. Các bộ, ngành cần nghiên cứu, sửa đổi các chính sách, quy định liên quan xuất khẩu gạo... Thủ tướng khẳng định, phải dựa vào dân, dựa vào khoa học công nghệ để phát triển, nông nghiệp, nông thôn. Người nông dân, những DN nông nghiệp cùng với Chính phủ sẽ làm một cuộc cách mạng về chất trong nông nghiệp để nâng hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là nâng hiệu quả sản xuất lúa gạo cả nước mà trước hết là tại ĐBSCL.