Từ những góc nhìn về miền núi, vùng cao: Hiện thực sinh động từ cuộc sống (Kỳ II)

07:38, 30/03/2017

Hiện thực từ cuộc sống đã chứng minh, tuy việc lập nghiệp, phát triển kinh tế đầy gian khó nhưng nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh luôn có ý thức “bứt phá” vươn lên. Họ chính là những bông hoa đẹp của núi rừng. Sự thành công của những con người ấy được ví như hương thơm tinh khiết, cần được lan tỏa tới các bản làng để bà con noi theo...

Những sự bứt phá...

 

Ông Trần Duy Hưng, ở xóm Cây Thị, xã Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên): Tôi thấy nhiều hộ đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh rất năng động trong phát triển kinh tế. Nhiều mô hình chăn nuôi, trồng rừng, sản xuất chè của bà con mang lại nguồn thu nhập khá cao. Bản thân tôi luôn ngưỡng mộ những con người ấy bởi thành công của họ không phải ai cũng có thể “chạm tay” đến...

Ông Lý Văn Sinh, người dân tộc Mông, ở bản Lũng Hoài, xã Thượng Nung (Võ Nhai): Mong các cấp, ngành chức năng của tỉnh tạo điều kiện cho người Mông được đi tham quan nhiều mô hình làm kinh tế giỏi ở trong và ngoài tỉnh để chúng tôi học tập, làm theo.

5 năm trước, khó có thể tìm được các “đại gia” người DTTS ở tỉnh ta. Nhưng nay, nhiều hộ đã có thu nhập rất cao, đời sống ngày càng sung túc. Theo thông tin từ Ban Dân tộc, toàn tỉnh hiện có khoảng 500 hộ đồng bào DTTS có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên, trong đó có người đã tạo lập được cơ ngơi khang trang và mức thu nhập lên đến hàng tỷ đồng.

 

Ông Phùng Văn Thanh, người dân tộc Tày, ở xóm Chiềng, xã Phú Cường (Đại Từ) cho biết: Tôi rất tự hào vì bà con DTTS chúng tôi đã bắt kịp với thời cuộc. Điều đáng nói là nhiều hộ dân đã có sự bứt phá rất ngoạn mục... Đúng như chia sẻ của ông Thanh, thời gian qua, nhiều hộ đồng bào DTTS trong tỉnh đã có những bứt phá và trở thành tấm gương tiên phong trong việc tìm tòi phương pháp, cách làm mới nhằm khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu của vùng cũng như mạnh dạn tiếp thu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xóa bỏ tập quán canh tác lạc hậu, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi...

 

Một trong những tấm gương điển hình bứt phá thành công là anh Diệp Văn Lịch, người dân tộc Sán Dìu, ở xóm Vạn Phú, xã Thành Công (T.X Phổ Yên). Ở một xóm có 200/240 hộ người dân tộc Sán Dìu sinh sống như Vạn Phú, chàng trai 31 tuổi này đã trở thành một “hiện tượng” khi có thu nhập “khủng” tới 3,7 tỷ đồng/năm từ chăn nuôi lợn (thu lãi 800 triệu đồng). Theo chia sẻ của anh Lịch, để có được sự thành công này không hề dễ dàng bởi anh đã gặp không ít khó khăn trên con đường lập nghiệp. Khát vọng của tuổi trẻ đã thôi thúc anh tìm hướng làm giàu, nhưng do thiếu vốn và nhân lực nên khoảng 10 năm trước, gia đình anh đã không thể bứt phá. Tuy nhiên, nhờ chăm chỉ làm việc từ cấy lúa, trồng chè, chăn nuôi quy mô nhỏ đến phát triển kinh tế đồi rừng, đến năm 2009, vợ chồng anh đã có kinh phí để đầu tư mở rộng chuồng trại. Anh cho biết: Thời điểm ấy, với suy nghĩ vừa làm, vừa học hỏi, mỗi năm gia đình tôi chăn nuôi khoảng 500 con gà, 5 con lợn nái và 20 con lợn thịt/lứa (2 đến 3 lứa/năm), mỗi năm thu lãi trên dưới 100 triệu đồng. Sau một thời gian dài chăn nuôi quy mô hộ gia đình, với kinh nghiệm và kỹ thuật chăn nuôi tích lũy được, năm 2016, anh quyết tâm “bơi ra biển lớn” bằng việc mạnh dạn đầu tư hàng tỷ đồng xây dựng khu trang trại rộng 1.000m2, nuôi 50 con lợn nái và 400 con lợn thịt/lứa. Khởi đầu với 2 lứa lợn được xuất chuồng, vợ chồng anh đã trở thành một trong những “đại gia” của xã Thành Công...

 

Ý chí và khát vọng làm giàu

 

Không chỉ mạnh dạn bứt phá, nhiều hộ đồng bào DTTS trong tỉnh còn nuôi ý chí và khát vọng làm giàu. Đơn cử như anh Lý Văn Kiên, 38 tuổi, người dân tộc Dao ở xóm Kẹm, xã La Bằng (Đại Từ) cũng có thu nhập 250 triệu đồng/năm nhờ phát triển diện tích chè giống mới. Cây chè lai (LDP1) đã mang lại cho gia đình tôi cuộc sống đủ đầy, sung túc; giúp gia đình tôi xây được ngôi nhà khang trang với những tiện nghi sinh hoạt hiện đại và chăm lo cho các con học hành. Không chỉ làm giàu cho gia đình, anh Kiên còn tạo việc làm thời vụ (vào vụ chè chính, từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm) cho 10 lao động ở địa phương với mức thu nhập từ 150 đến 200 nghìn đồng/ngày. Anh Kiên nói: Hơn chục năm trước, giống chè lai vẫn còn xa lạ với người dân trong xóm. Bởi thế, khi tôi trồng thử nghiệm đôi, ba sào, không ít người nghi ngại về hiệu quả của giống chè mới này.

 

Nhưng anh Kiên vẫn kiên trì chăm bón nên sau 3 năm, vườn chè đã cho thu hoạch. Điều đáng mừng là khi chế biến, chè vừa thơm, vừa ngon, khách hàng ai cũng khen nên giá bán cho thương lái lên tới 250 đến 300 nghìn đồng/kg, cao gấp rưỡi chè trung du. Vượt qua những nghi ngại ban đầu, đến năm 2010, anh Kiên bắt đầu mở rộng diện tích chè lai lên xấp xỉ 3.800m2, chiếm 50% diện tích chè của gia đình.

 

Hay như ông Mưu Văn Đức, người dân tộc Sán Dìu, ở xóm Lát Đá, xã Bình Sơn (T.P Sông Công) cũng là một tấm gương sáng trong phát triển kinh tế. Dù đã bước sang tuổi 71 nhưng ông vẫn miệt mài lao động. Ông nói: Xã hội ngày càng phát triển nên tôi thấy mình cũng cần phải nỗ lực vươn lên cho bằng anh, bằng em. Tôi nghĩ, người có ý chí và nghị lực là người không cam chịu đói nghèo, lạc hậu. Bởi vậy, khi nào còn sức khỏe là khi ấy tôi vẫn chăm chỉ làm việc để làm gương cho con cháu noi theo.

 

Nói là làm, mấy chục năm qua, ông Đức chưa bao giờ ngơi nghỉ. Nhờ vậy, mỗi năm ông xuất chuồng khoảng 150 con lợn, 200 con gà, cấy 8 sào lúa, nuôi 15 thùng ong lấy mật... mỗi năm ông thu nhập khoảng 130 triệu đồng. Đó là chưa kể với 5ha rừng hiện có, sau 6 đến 7 năm chăm sóc, sẽ cho ông một khoản tiền lớn, lên đến trên 200 triệu đồng. Ông Dương Văn Hải, Chủ tịch UBND xã cho rằng: Với một xã còn nhiều khó khăn như Bình Sơn, thì ông Đức không chỉ là hộ làm kinh tế giỏi ở vùng DTTS mà còn là một tấm gương phát triển kinh tế tiêu biểu của địa phương.

 

Từ những thực tiễn sinh động ở cơ sở cho thấy, dù có xuất phát điểm thấp nhưng bằng ý trí và khát vọng vươn lên, nhiều hộ đồng bào DTTS đã trở thành những tấm gương sáng không chỉ trong vùng DTTS mà còn là điển hình để nhiều hộ dân trong tỉnh noi theo. Thành công của họ đã mang đến cho chúng ta một thông điệp: “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền” như lời bác Hồ đã dậy; minh chứng cho chúng ta thấy, đói nghèo, lạc hậu, hủ tục ăn sâu trong tâm thức của nhiều đồng bào DTTS sẽ được loại bỏ nếu mỗi người, mỗi gia đình người DTTS cùng cố gắng.