Từ những góc nhìn về miền núi, vùng cao: Nhận diện đa chiều (Kỳ 1)

08:32, 29/03/2017

Bao đời nay, đồng bào các dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh luôn loay hoay đi tìm lời giải để thoát khỏi đói nghèo, lạc hậu. Con đường vươn tới cuộc sống đủ đầy, sung túc không hề dễ dàng bởi giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí của bà con còn hạn chế, điều kiện canh tác không thuận lợi... Tuy nhiên, vượt lên tất cả những khó khăn đó, nhiều hộ DTTS đã vươn lên trở thành tấm gương sáng để bà con học tập, làm theo.

Đã chuyển biến nhưng vẫn chưa hết khó

 

Ông Vũ Mạnh Hiền, Bí thư Đảng ủy xã Sơn Cẩm (Phú Lương): Trên địa bàn xã hiện có 20% số hộ (800 hộ) là người dân tộc Sán Dìu. Sống phụ thuộc vào cây lúa và chè nhưng 5 năm trở lại đây, bà con đã mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đưa các giống lúa lai như Syn6, TH3-3; ngô lai ĐK888, ĐK999; chè LDP1, Kim Tuyên... vào sản xuất nên thu nhập và đời sống đã được nâng lên.

 


Ông Hoàng Văn Hạnh, người dân tộc Sán Chay, ở xóm Đồng Lường, xã Tức Tranh (Phú Lương): Nếu cứ ỷ lại vào Nhà nước thì đồng bào DTTS sẽ không vượt qua ranh giới của cái nghèo. Bởi vậy, muốn làm giàu, bà con cần phải tự đứng lên bằng đôi chân của mình.

Với 302 nghìn người DTTS (chiếm 27% dân số toàn tỉnh), Thái Nguyên được đánh giá là tỉnh có đông đồng bào dân tộc sinh sống, đồng thời cũng là địa phương đa thành phần dân tộc của cả nước khi có tới 45 DTTS có con em sinh sống trên địa bàn. Trong đó, dân tộc có cư dân đông nhất là đồng bào Tày (chiếm gần 11% số dân của tỉnh), tiếp đến là Nùng (xấp xỉ 6%), Sán Dìu (gần 4%)... Được phân bố ở cả 9 huyện, thành, thị trong tỉnh nhưng những địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống là các huyện Định Hoá, Võ Nhai, Phú Lương, Đồng Hỷ và Đại Từ.

 

Bao đời nay, đồng bào các DTTS trong tỉnh vẫn luôn nỗ lực tìm hướng thoát nghèo, vươn lên làm giàu, nhưng con đường “đến đích” của bà con còn gặp rất nhiều trở ngại. Trong đó, khó khăn nhất là mạng lưới giao thông chưa được bê tông hoặc nhiều cung đường hiểm trở, đèo dốc. Đơn cử như con đường về bản người Mông Lũng Luông, xã Thượng Nung (Võ Nhai). Dù đã được mở rộng, hạ độ cao và đổ bê tông vào đầu năm 2015 nhưng đường lên bản vẫn khó đi khi nhiều dốc cua đến... nghẹt thở. Với những người mới đến đây lần đầu thì đoạn đường lên bản là một thử thách lớn bởi chỉ cần sơ sẩy một chút là cả xe và người có thể rơi xuống vực sâu. Chị Hoàng Thị Sầu, một người dân trong bản nói: Bây giờ đường dễ đi nhiều rồi, nhưng cũng không mang được nhiều hàng ra chợ bán vì đường dốc lắm, xe máy chỉ chở được ít thôi...

 

Dù đường nhiều đèo dốc hiểm trở nhưng người dân Lũng Luông không phải chịu cảnh đi trên con đường đất đỏ bụi bặm ngày nắng, lầy lội ngày mưa như nhiều hộ dân bản người Dao ở xóm Cao Sơn, xã Vũ Chấn (Võ Nhai); ở xóm Tân Kim (Thần Sa)... Ông Nông Văn Trân, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Còn rất nhiều cung đường liên xóm, liên hộ ở các xóm, bản vùng cao, có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống của tỉnh chưa được bê tông hoặc có địa hình hiểm trở. Tuy nhiên, giao thông không phải là trở ngại duy nhất khiến cho vùng đồng bào DTTS kém phát triển. Điều kiện canh tác cũng cản trở bà con vươn lên dựng xây cuộc sống ấm no. Tập quán của người DTTS là thường sinh sống, lập nghiệp ở những vùng đồi núi, khe suối, điều kiện tự nhiên không thuận lợi nên bà con phải canh tác trên những vùng đất dốc hoặc những khu ruộng thiếu nước, kém màu mỡ. Trong khi đó, địa bàn cư trú của bà con thường phân tán nên việc hỗ trợ, giúp nhau phát triển kinh tế gặp nhiều khó khăn.

 

Một thực tế nữa là, trong cộng đồng cư dân vùng DTTS vẫn còn hiện hữu những hủ tục lạc hậu trong cưới xin (tình trạng tảo hôn, thách cưới cao), ma chay (làm đám ma to, tốn kém)… Ngoài ra, trình độ dân trí thấp, thiếu sự quyết đoán cũng là những rào cản kéo lùi nhiều vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh ở lại với đói nghèo, lạc hậu.

 

Vắng dần tập quán canh tác cũ

 

Dẫu còn không ít gian nan trên con đường mưu sinh nhưng hôm nay, trong cộng đồng người DTTS của tỉnh đã vắng dần tập quán canh tác cũ. Nhiều hộ dân đã tích cực áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Điển hình là bà con đã tích cực trồng các giống lúa, ngô và chè lai, cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều hộ còn mạnh dạn đầu tư chăn nuôi quy mô gia trại, trang trại. Đáng nói là, một số hộ không những vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng mà còn có tác động lan tỏa đến những hộ xung quanh thông qua việc hỗ trợ giống, vốn, kỹ thuật, giúp các hộ khác thoát nghèo, vươn lên làm giàu... Ông Nguyễn Thái Nam, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho rằng: Bà con không còn tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước nữa. Họ đã chủ động vươn lên phát triển kinh tế gia đình.

 

Bên cạnh sự nỗ lực của người DTTS thì sự hỗ trợ của Nhà nước thông qua các chương trình như: phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi; hỗ trợ đất sản xuất, đất ở, nhà ở và nước sinh hoạt cho hộ đồng bào DTTS nghèo, đời sống khó khăn; Chương trình 135… cũng tạo đà cho các hộ dân vươn lên. Riêng năm 2016, Chương trình 135 đã đầu tư cho Thái Nguyên 107 tỷ đồng xây dựng được hơn 300 công trình trạm y tế, trường học, đường giao thông, đường điện… ở các xóm, bản có đồng bào DTTS sinh sống; dành 23,2 tỷ đồng hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất (mua cây, con giống và phân bón). Ngoài ra, Nhà nước còn hỗ trợ hơn 31 tỷ đồng cho bà con mua nông cụ sản xuất như máy làm đất, máy cắt cỏ…

 

Về phía tỉnh, cũng đã thực hiện có hiệu quả Đề án Phát triển kinh tế - xã hội, ổn định sản xuất và đời sống các xóm, bản đặc biệt khó khăn có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống đến năm 2020 (phê duyệt cuối năm 2014). Đề án đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ cho 26 xóm bản đặc biệt khó khăn có đông đồng bào dân tộc Mông sinh sống. Trong đó, thành công lớn nhất là tỉnh đã huy động các cấp, ngành cùng vào cuộc, đóng góp tiền giúp đồng bào làm đường giao thông. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành được 15  tuyến đường lên các xóm, bản đặc biệt khó khăn, có nhiều đồng bào dân tộc Mông sinh sống với tổng chiều dài hơn 42km. Điều đáng nói là việc thi công các tuyến đường đã tiết kiệm được trên 30% so với chi phí đầu tư theo định mức nên tổng kinh phí để xây dựng các tuyến đường chỉ mất trên 22 tỷ đồng…

 

Trong kháng chiến, đồng bào các DTTS của tỉnh một lòng thuỷ chung son sắt với Bác Hồ, với cách mạng. Và hôm nay, trong công cuộc dựng xây quê hương, đất nước, bà con đang từng bước khắc phục khó khăn để vươn lên theo nguyện ước của Bác lúc sinh thời. Trong đó có những tấm gương làm kinh tế giỏi không chỉ “sáng” ở làng, ở xã, ở các vùng đồng bào DTTS mà còn “toả sáng” ở khắp nơi.

 

(Còn nữa)