Nhìn thẳng vào thực tế để đổi mới và tinh gọn: Bài 3- Nhất thể hóa chức danh: Không phải tất cả “xuôi chèo mát mái”

15:56, 12/04/2017

Hiện cả tỉnh có 6/9 đơn vị cấp huyện và 131/180 đơn vị cấp xã đồng chí Bí thư cấp ủy kiêm Chủ tịch HĐND. Đây là kết quả việc thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị. Trong bài viết này, chúng tôi muốn đề cập đến việc nhất thể hóa (NTH) chức danh ở cấp xã, không phải tất cả đều “xuôi chèo mát mái”.

Giảm họp hành, tăng trách nhiệm

 

Đồng chí Lê Thanh Tuyết, Bí thư Thị ủy Phổ Yên: Sau gần 2 năm thực hiện NTH ở xã Phúc Tân, có thể đánh giá Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND đã phát huy tốt vai trò, giữ gìn sự đoàn kết thống nhất trong Đảng và thực hiện tốt các nhiệm vụ. Đặc biệt là việc giải phóng mặt bằng phục vụ Dự án Du lịch tâm linh hồ Núi Cốc triển khai đáp ứng yêu cầu đề ra.

Là người trực tiếp đảm nhiệm hai “vai” từ năm 2015 đến nay, đồng chí Trần Hữu Thắng, Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch HĐND xã Hóa Trung (Đồng Hỷ) cho biết: Tôi có điều kiện để chủ động, linh hoạt hơn khi thực hiện nhiệm vụ. Ví dụ như việc chỉ đạo Thường trực HĐND tổ chức giám sát một số nội dung theo kết luận của cuộc họp Ban Chấp hành, tôi nắm rõ những vấn đề cần phải theo dõi, giám sát, từ đó đưa ra hướng chỉ đạo sâu sát hơn. Hoặc với vị thế Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND, tôi thông qua cơ chế làm việc của HĐND để nắm bắt sâu hơn nguyện vọng của nhân dân địa phương, kịp thời cùng tập thể cấp ủy ban hành chủ trương lãnh đạo đúng đắn.

 

Trên địa bàn huyện Đồng Hỷ, mô hình Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND được triển khai ở huyện và 11/18 xã, thị trấn. Đồng chí Phạm Văn Sỹ, Bí thư Huyện ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND huyện Đồng Hỷ đánh giá: Mô hình đảm bảo được vai trò lãnh đạo toàn diện của cấp ủy, nhất là người đứng đầu. Từ đó, việc lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và tổ chức thực hiện của HĐND đồng bộ, kịp thời; tạo sự thống nhất giữa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy với việc triển khai, tổ chức thực hiện của chính quyền.

 

Tương tự huyện Đồng Hỷ, đại đa số Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã trên địa bàn huyện Võ Nhai đều cho rằng, một người nắm hai chức danh này là phù hợp, nhiều thuận lợi. Đồng chí Hoàng Ngọc Ánh, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND xã La Hiên phân tích: Dễ thấy nhất là giảm nhân sự trong bộ máy, kéo theo giảm chi phí để trả lương từ ngân sách. Bí thư là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan ra các nghị quyết, lãnh đạo, chỉ đạo, đôn đốc và giám sát quá trình thực hiện. HĐND căn cứ vào các nghị quyết và lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng ủy để xây dựng nghị quyết và kế hoạch giám sát. Một cán bộ đồng thời đứng đầu 2 cơ quan này sẽ giảm họp hành, báo cáo, việc xây dựng nghị quyết, chỉ đạo, giám sát thực hiện sẽ thông suốt hơn. Thêm nữa, Bí thư bắt buộc phải nghiên cứu văn bản liên quan đến hoạt động của cơ quan hành pháp, phải tiếp xúc cử tri và tiếp dân thường xuyên nên nắm rõ hơn tình hình cơ sở, bớt tệ quan liêu.

 

Đồng chí Vũ Mạnh Hưng, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch HĐND thị trấn Đình Cả phân tích rõ hơn: Công việc của Chủ tịch HĐND cấp xã chuyên trách không nhiều, không quá tách bạch và đòi hỏi chuyên nghiệp cao như các cấp trên. Theo Luật Tổ chức Chính quyền địa phương năm 2015, HĐND cấp xã có thêm 2 ban (Kinh tế - Xã hội và Pháp chế), cũng xây dựng kế hoạch và tiến hành giám sát độc lập, nên đã “san sẻ” bớt khối lượng công việc giám sát của Thường trực HĐND. Mặt khác, ở cấp xã không có quá nhiều vấn đề và không thể quanh năm suốt tháng tổ chức giám sát. Nếu để một cán bộ chỉ giữ chức danh Chủ tịch HĐND ở cấp xã là lãng phí về con người và ngân sách.

 

Nhưng vẫn cần điều chỉnh

 

Mặc dù mô hình NTH Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch HĐND xã đã được những người trong cuộc khẳng định nhiều  ưu điểm, nhưng vì sao vẫn chưa thực hiện được ở 100% số xã của tỉnh?

 

Phú Lương là địa phương còn đến 8/16 xã chưa thực hiện NTH chức danh này. Theo đồng chí Mông Chí Hồng, Trưởng Ban Tổ chức Huyện ủy Phú Lương thì chủ yếu là do công tác tổ chức cán bộ, độ tuổi tham gia nhiệm kỳ và luân chuyển cán bộ. Chẳng hạn như thị trấn Đu, thực hiện Nghị định số 08/2016/NĐ-CP ngày 25/01/2016 của Chính phủ “Quy định số lượng Phó Chủ tịch UBND và quy trình, thủ tục bầu, từ chức, miễn nhiệm, bãi nhiệm, điều động, cách chức thành viên UBND”,  chức danh Phó Chủ tịch UBND chỉ còn 1 người nên đơn vị phải sắp xếp lại cán bộ. Thị trấn phải tách riêng chức danh Chủ tịch HĐND để sắp xếp vị trí công tác phù hợp cho cán bộ.

 

Tương tự, huyện Võ Nhai có 5/15 xã Bí thư Đảng ủy không kiêm Chủ tịch HĐND. Nguyên nhân cũng liên quan đến công tác cán bộ, cụ thể là xã Phú Thượng, 3 đồng chí đã và đang giữ chức vụ Bí thư Đảng ủy xã đều được luân chuyển từ huyện về, không là đại biểu HĐND xã nên không thể kiêm nhiệm Chủ tịch HĐND. Xã Tràng Xá mới đây có một đồng chí là cán bộ huyện được luân chuyển xuống giữ chức Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy khiến một số vị trí lãnh đạo chủ chốt của xã phải bố trí lại: đồng chí Hoàng Văn Tài, nguyên Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy thôi giữ chức vụ này để đảm nhiệm vai trò Chủ tịch HĐND xã chuyên trách, vốn do đồng chí Lê Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy xã kiêm nhiệm. Hay trường hợp “đặc thù” là Bí thư Đảng ủy xã Nghinh Tường được cơ cấu để kiêm nhiệm Chủ tịch HĐND nhưng lại không trúng cử đại biểu HĐND xã; Bí thư Đảng ủy xã Thần Sa “xin” không tham gia HĐND để tập trung làm tốt công tác Đảng…

 

Mặc dù đa số người đang gánh hai “vai” cho rằng khối lượng công việc có thể gánh vác được, nhưng cũng có trường hợp rất vất vả. Cụ thể như xã La Hiên (Võ Nhai), đồng chí Hoàng Ngọc Ánh thừa nhận việc kiêm nhiệm cũng ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng công việc của 2 bên, nhất là xã loại 1 đông dân cư và có tình hình khá phức tạp như La Hiên (xã hiện có trên 8.000 nhân khẩu, Đảng bộ lớn nhất huyện với 387 đảng viên). Không ít vụ việc khi thấy chính quyền giải quyết chưa thỏa đáng, người dân gửi đơn thư hoặc trực tiếp tìm gặp Bí thư Đảng uỷ kiêm Chủ tịch HĐND để chất vấn. Vì vậy, để đảm nhiệm tốt cả 2 “vai” quan trọng này, người cán bộ phải có đủ cả tâm và tầm, đồng thời cán bộ giúp việc cũng phải tinh thông nghiệp vụ. Đối với những xã như La Hiên, phụ cấp kiêm nhiệm chức danh chủ tịch HĐND đối với bí thư hiện ở mức 20% là thấp so với khối lượng và áp lực công việc.

 

Để không chuyên quyền, độc đoán

 

Ngoài NTH chức danh Bí thư cấp ủy và Chủ tịch HĐND xã như trên đề cập. Thời gian qua, tỉnh còn thực hiện thí điểm chức danh Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND cấp xã theo Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 2-2-2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về “Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên”. Ngày 20-5-2009, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 71-KH/TU về “Thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở cấp xã” và chọn đơn vị cấp xã có tình hình kinh tế - xã hội phát triển ổn định, nội bộ đoàn kết, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao nhiều năm để thực hiện thí điểm. 4 đơn vị gồm: Xã Đức Lương (Đại Từ), Tân Dương (Định Hóa), Phúc Xuân (T.P Thái Nguyên) và thị trấn Bắc Sơn (Phổ Yên) đã triển khai mô hình thí điểm này.

 

Nhớ lại năm 2015, khi chúng tôi gặp gỡ, trao đổi với đồng chí Trần Ngọc Thành, người có 4 năm đảm nhiệm “tay cờ tay kiếm” Bí thư Đảng uỷ đồng thời là Chủ tịch UBND xã Phúc Xuân, đồng chí Thành đã “dự báo” mô hình này không thành công. Các lý do đưa ra như: Không có quy chế và hướng dẫn, tập huấn thực hiện; không được gặp gỡ, học hỏi kinh nghiệm thực hiện mô hình ở bất cứ đâu; bản thân ông là người đã có tuổi, không được đào tạo bài bản.

 

Thế nhưng, có một mô hình NTH Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã hình thành do nhu cầu cán bộ lại đang thực hiện hiệu quả ở xã Phúc Tân (Phổ Yên). Nhiệm kỳ 2015-2020, đồng chí Trần Hồng Thái, Chủ tịch UBND xã Phúc Tân được giao gánh vác nhiệm vụ Bí thư Đảng ủy. Từ đó đến nay, xã Phúc Tân đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đề ra. Năm 2016, lần đầu tiên sau 30 thành lập (năm 1986), xã bầu đủ 25 đại biểu HĐND. Đảng bộ xã đạt danh hiệu trong sạch vững mạnh tiêu biểu.

 

Là người gánh 2 trách nhiệm quan trọng, đồng chí Thái khẳng định: Việc NTH chức danh này sẽ nâng quyền lực cho một người, trên cơ sở lãnh đạo của tập thể Ban Thường vụ, Ban Chấp hành. Người đứng đầu tự tin hơn trong việc quyết sách các vấn đề của địa phương, hạn chế được sự không đồng nhất giữa Chủ tịch và Bí thư trong một số trường hợp. Tuy nhiên, để không rơi vào tình trạng chuyên quyền độc đoán, lẫn lộn vai trò Chủ tịch và Bí thư, đòi hỏi người đó phải có lập trường quan điểm và tư tưởng vững vàng. Từ đó, theo đồng chí Trần Hồng Thái, kinh nghiệm để hoàn thành tốt công việc là: Thực hiện tốt quy chế dân chủ để xây dựng mối đoàn kết, trên cơ sở sự lãnh đạo của tập thể, cá nhân phụ trách; phải xác định rõ vai trò ở từng công việc, khi nào chỉ đạo với tư cách là Bí thư, khi nào điều hành với vai trò là Chủ tịch; một điều nữa rất quan trọng là phải tạo uy tín thông qua hành động và hiệu quả công việc. Những gì đã hứa với dân hay tập thể thì nhất quyết phải làm cho bằng được.

 

Việc tiếp tục triển khai mô hình NTH hay không là do quyết định của cấp trên. Tuy nhiên, với những gì thu thập được từ thực tế, chúng tôi thiết nghĩ, nếu có quy chế giám sát tốt, chọn được cán bộ có phẩm chất và năng lực thì có thể triển khai được NTH Bí thư Đảng uỷ và Chủ tịch UBND cấp xã - công việc đang được cho là khó khả thi hiện nay.

 

(Còn nữa)