Nhìn thẳng vào thực tế để đổi mới và tinh gọn: Bài 4- Bất hợp lý cơ cấu lãnh đạo UBND cấp huyện, xã

11:04, 13/04/2017

Việc rút bớt số lượng Phó Chủ tịch UBND ở cấp huyện và cấp xã đã dẫn đến tình trạng quá tải công việc ở nhiều địa phương. Vậy, bài toán tinh giản đầu mối và biên chế sẽ được giải như thế nào để đạt cả hai mục tiêu: Tiết kiệm nguồn chi trả lương nhưng công việc không tồn ứ?

Hiếm thời gian đi cơ sở

 

Tỉnh Thái Nguyên có 9 đơn vị hành chính cấp huyện. Trong đó: Loại I gồm T.P Thái Nguyên và huyện Đại Từ; loại II gồm thị xã Phổ Yên, huyện Đồng Hỷ, Phú Lương, Võ Nhai, Phú Bình và huyện Định Hóa; loại III có T.P Sông Công.

- Theo Quyết định số 19/QĐ-UBND ngày 17-1-2008 của UBND tỉnh về việc phân loại đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn và một số quyết định điều chỉnh liên quan, cả tỉnh hiện có 180 đơn vị hành chính cấp xã. Trong đó, loại I có 26 đơn vị, loại 2 có 114 đơn vị, loại III có 40 đơn vị.

Do công việc nên chúng tôi thường xuyên có gặp gỡ trao đổi, phỏng vấn ông Phạm Việt Tiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai. Dù nhiệt tình và có phần “ưu ái” báo chí nhưng nhiều lúc ông Tiến cũng đành từ chối tiếp chúng tôi vì quá bận. Từ tháng 11-2016, một đồng chí Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai chuyển công tác, công việc vốn đã nhiều nay ông lại phải cáng đáng thêm phần của đồng chí đó, trong khi huyện chưa kiện toàn được chức danh này. Lãnh đạo UBND huyện hiện chỉ có 2 người, ông Tiến và Chủ tịch UBND huyện cùng căng sức giải quyết công việc. Dành cho chúng tôi ít phút trao đổi ngắn ngủi, ông Tiến chia sẻ: Hôm nay còn được chứ ngày mai tôi có tới 5 cuộc họp cả sáng và chiều, có cuộc tôi chủ trì nên không thể vắng. Các vấn đề cần phải giải quyết hằng ngày cũng rất lớn, dừng một chút là ùn ứ ngay, tôi phải tranh thủ làm ngoài giờ. Bận quá nên lắm lúc muốn đi cơ sở kiểm tra, đôn đốc, động viên bà con cũng rất khó bố trí thời gian.

 

Tình hình trên huyện là vậy, về xã chúng tôi cũng gặp cảnh tượng tương tự.

 

Mặc dù đã “đặt lịch” trước, nhưng trong khi ngồi làm việc với chúng tôi, ông Tô Viết Sơn, Chủ tịch UBND xã Tiên Hội (Đại Từ) thường xuyên xin lỗi để xử lý việc khác. Khi thì công dân chạy thẳng vào phòng làm việc trình bày (dù đã có bộ phận một cửa), lúc thì cán bộ chuyên môn mang hồ sơ đến xin chữ ký, lúc lại có trưởng xóm gọi điện báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo giải quyết sự vụ. Ông Sơn trần tình: Hôm nay đồng chí Phó Chủ tịch UBND xã đi họp, mọi việc do tôi phụ trách. Có ngày cả trưởng và phó đều đi họp hoặc xuống cơ sở thì hồ sơ bị dồn, chậm. Chưa kể, với vai trò là Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ xã, chúng tôi phải xuống xóm dự họp, sinh hoạt với chi bộ theo phân công của Đảng ủy. Bộn bề công việc nên nhiều lúc chúng tôi cảm thấy quá mệt mỏi.        

 

Bà Lưu Thị Oanh, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Thành (T.P Thái Nguyên): Phường Trung Thành có trên 14.000 nhân khẩu, 31 tổ dân phố, có hơn 50 cơ quan, đơn vị đứng chân trên địa bàn, được xác định là phường trung tâm phía Nam của T.P Thái Nguyên. Tuy vậy, phường vẫn chỉ là đơn vị hành chính cấp xã loại II, chỉ có 1 Phó Chủ tịch UBND. Tôi cho rằng, phường Trung Thành có 2 Phó Chủ tịch UBND như trước là hợp lý, mới đảm bảo chất lượng điều hành.

Một trong những địa phương đang quá tải công việc do thiếu lãnh đạo UBND là Phú Bình. Huyện có 11 xã loại II và 10 xã loại III, theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 quy định, những đơn vị cấp xã này chỉ được bố trí 1 Phó Chủ tịch UBND. Sự quá tải công việc thể hiện rõ hơn ở những xã, thị trấn đông tập trung đông dân cư như: Hương Sơn, Tân Đức, Tân Khánh… Do đó, những địa phương này đang kiến nghị xem xét, sắp xếp bộ máy của UBND cấp xã sao cho phù hợp, hiệu quả hơn, tránh để xảy ra ùn tắc, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân.

 

Ông Dương Thế Hưng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Hương Sơn cho biết: Trước thời điểm tháng 10-2016, tôi là Phó Chủ tịch UBND thị trấn phụ trách mảng kinh tế, ngoài ra có thêm 1 phó chủ tịch UBND thị trấn phụ trách mảng Văn hóa - Xã hội nên tôi còn có thời gian đi cơ sở. Nhưng từ khi thị trấn bị rút xuống chỉ còn 1 Phó Chủ tịch UBND thì tôi kiêm luôn cả mảng Văn hóa - Xã hội, công việc bù đầu. Toàn thị trấn có 2.373 hộ với trên 9.500 nhân khẩu, hàng ngày người dân đến trụ sở UBND để làm các thủ tục chứng thực rất đông, nên phần lớn thời gian của tôi chỉ để ký, trung bình mỗi ngày tôi phải ký khoảng 400 lượt giấy tờ. Trước đây, 1 tháng tôi có thể xuống xóm ít nhất 4 lần, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của bà con, giờ thì đa số thông tin cơ sở trông chờ vào đội ngũ lcán bộ xóm.

 

Không chỉ ở xã, mà huyện Phú Bình cũng đang “khát” được bố trí thêm 1 Phó Chủ tịch UBND. Đồng chí Đinh Hồng Thanh, Bí thư Huyện ủy Phú Bình tại Hội nghị “Tổng kết công tác đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, xây dựng tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả” do tỉnh tổ chức, đã bày tỏ: Huyện chúng tôi đang rất thiếu một Phó Chủ tịch UBND vì khối lượng công việc ở địa phương ngày càng lớn.

 

Lời giải nằm ở đâu?
 

Luật Tổ chức chính quyền địa phương do Quốc hội ban hành ngày 19-6-2015, có hiệu lực từ ngày 1-1-2016. Luật quy định về phân loại đơn vị hành chính dựa trên các tiêu chí về quy mô dân số, diện tích tự nhiên, số đơn vị hành chính trực thuộc, trình độ phát triển kinh tế - xã hội và các yếu tố đặc thù. Trong đó, ngoài đơn vị hành chính đặc biệt như: T.P Hà Nội, T.P Hồ Chí Minh, các đơn vị hành chính cấp tỉnh, huyện và xã phân thành ba loại: loại I, loại II và loại III. Luật cũng quy định cơ cấu của Hội đồng Nhân dân (HĐND) cấp huyện có Chủ tịch, 2 Phó Chủ tịch là đại biểu HĐND hoạt động chuyên trách. Cơ cấu của Ủy ban nhân dân (UBND) huyện loại I có không quá 3 Phó Chủ tịch; huyện loại II và loại III có không quá 2 Phó Chủ tịch. Tương tự, HĐND xã có Chủ tịch và 1 Phó Chủ tịch. UBND xã gồm Chủ tịch, không quá 2 Phó Chủ tịch nếu là xã loại I; xã loại II và loại III chỉ có 1 Phó Chủ tịch.

 

Và tình trạng người thì ít, việc lại nhiều dồn lên lãnh đạo UBND các cấp như trên chúng tôi đã đề cập.

 

Để giải bài toán thiếu Phó Chủ tịch UBND khi thực hiện Luật, có ý kiến đề xuất điều chỉnh giảm số lượng Phó Chủ tịch HĐND để “san” sang UBND vì công việc của HĐND có vẻ “nhàn” hơn. Trao đổi với những người hiện đang là Phó Chủ tịch HĐND cấp huyện, chúng tôi nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Từng có thời gian giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai, ông Nịnh Văn Hào được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND huyện từ tháng 7-2016. So sánh công việc giữa 2 cương vị này, ông Hào cho biết: Bên UBND phải điều hành thường xuyên, trực tiếp giải quyết các vấn đề liên quan đến mọi mặt cuộc sống nên khối lượng công việc và áp lực lớn hơn, còn HĐND làm việc chủ yếu theo kế hoạch, trọng tâm là hoạt động giám sát, khảo sát nên đỡ áp lực hơn.

 

Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng, nếu 2 Phó Chủ tịch và những người chuyên trách của HĐND cấp huyện làm hết trách nhiệm thì cũng không “nhàn” chút nào. Phó Chủ tịch UBND huyện Võ Nhai Phạm Việt Tiến đã trải qua 1 khóa giữ chức Phó Chủ tịch HĐND huyện, phân tích: Làm lãnh đạo HĐND có cái khó hơn UBND vì phải am hiểu rất nhiều vấn đề thì mới giám sát tốt, trong khi không có hướng dẫn cụ thể như công việc của UBND. Thực tiễn cuộc sống ngày càng nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp cần giám sát và phản biện để điều chỉnh kịp thời. Do vậy, HĐND các cấp rất cần tổ chức những cuộc giám sát chuyên đề, đi vào từng ngóc ngách, những vấn đề mới, nóng mà dư luận quan tâm. Nếu vậy thì công việc của HĐND không hề nhàn.

 

Theo chúng tôi, để thực hiện nghiêm Luật Tổ chức chính quyền địa phương của Quốc hội, cấp có thẩm quyền sớm rà soát, cắt giảm cán bộ, đầu mối đối với khối các tổ chức hội, đoàn thể để “nhường” chỉ tiêu biên chế cho Thường trực UBND và các lĩnh vực quản lý Nhà nước cấp xã - cấp trực tiếp giải quyết công việc. Đặc biệt, ngành Tư pháp tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền về cơ chế chính sách, tăng cường đào tạo, bồi dưỡng để phát triển dịch vụ công chứng, chứng thực về cấp xã. Như vậy sẽ giảm áp lực cho UBND cấp xã vì đang phải “bao” loại dịch vụ công, chiếm quá nhiều thời gian của Chủ tịch và Phó Chủ tịch. Đồng thời, lãnh đạo UBND cấp huyện, xã cũng cần chủ động sắp xếp công việc khoa học, hợp lý, hiệu quả; bồi dưỡng nâng cao trình độ của đội ngũ tham mưu giúp việc, theo hướng một người làm được nhiều việc, nhằm giảm áp lực lên lãnh đạo UBND.