Lên xã Thượng Nung (Võ Nhai), hỏi chuyện xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, chúng tôi được nhiều người dân nhắc đến đảng viên Lương Văn Thượng, 42 tuổi, ở xóm Trung Thành.
Không chỉ chăm lo làm giàu cho gia đình mình, đồng chí Thượng còn gần gũi chăm lo, giúp đỡ các hộ nghèo trong vùng kinh nghiệm trồng cấy, chăn nuôi và hỗ trợ vốn sản xuất bằng cách cho vay không lấy lãi. Ông Lương Văn Đỗ, cán bộ văn hóa xã khẳng định: Từ năm 2011 đến nay, xã Thượng Nung có 86 hộ thoát nghèo, riêng năm 2016 có hơn 20 hộ được xóa tên khỏi danh sách hộ nghèo, trong đó phải kể đến công của đồng chí Thượng.
Đồng chí Ma Khánh Tăng, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Thượng Nung còn nhiều hộ có kinh tế khó khăn, nên rất cần sự vào cuộc trực tiếp của các đảng viên dưới chi bộ. Đồng chí Thượng là một trong những đảng viên gương mẫu trước các phong trào xây dựng đời sống văn hóa, xóa đói, giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng và xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Nhưng khi được hỏi về việc mình đã giúp đỡ hộ nghèo vươn lên như thế nào, đồng chí Thượng khiêm tốn: Đó là công việc mỗi người nên làm, với đảng viên thì đó là nhiệm vụ.
Cách nói chuyện hồn hậu, chất phác, song dễ đi vào lòng người. Tôi thầm nhận xét như vậy về người đảng viên trẻ được dân tin, mến. Nhưng nếu chỉ nhìn cơ ngơi bề thế, khang trang được nhiều người qua đường ví “đẹp như tranh vẽ” ở giữa xóm Trung Thành hôm nay, sẽ không ai biết được chủ nhân của ngôi sàn 5 gian mái ngói được thiết kế cách điệu, phối hợp giữa truyền thống kết hợp với hiện đại có trị giá bạc tỉ, từng phải đánh đổi bằng nhiều mồ hôi, công sức, cả không ít lần thất bại vì sản xuất không hiệu quả. Anh bảo: Mỗi lần thất bại, thêm một lần tôi có thêm kinh nghiệm để vượt lên chính mình.
Trong lúc đưa chúng tôi đi thăm gia trại, anh nói mộc mạc: Nông dân vùng cao chúng tôi “khắc làm, khắc ăn”, chưa có tiền thành tấm, món; cũng chẳng bao giờ ghi chép xem trong năm mình làm ra mấy trăm triệu đồng. Chỉ thấy mình có của ăn, của để, và có điều kiện giúp đỡ người khác là thấy sung túc rồi. Đồng chí Tăng cho biết thêm: Xã có 7 xóm, 489 hộ, 2.666 nhân khẩu, 99% là người dân tộc thiểu số, chủ yếu là người dân tộc Tày, Mông, Dao. Nguồn thu nhập chính của đồng bào từ sản xuất nông, lâm nghiệp. Trong xã, số người có thu nhập hơn trăm triệu đồng/năm như gia đình đồng chí Thượng mới đếm trên đầu ngón tay. Nhưng đó là các hộ tiền phong, gương mẫu, có tinh thần cộng đồng, luôn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ hộ có kinh tế khó khăn cùng vươn lên trong phát triển kinh tế.
Đi dưới vạt rừng keo khép tán, tôi cảm nhận ở anh, một nông dân đích thực, cần cù lao động, không chấp nhận bó tay trước cái nghèo. Hơn thế, anh là một nông dân dám đầu tư, dám chịu thất bại nhưng không bao giờ chịu thua cuộc. Cũng bởi thế, khoảnh đất rộng hơn 155.000m2 của anh mùa gối mùa theo nhau cho sản phẩm. Anh có quan niệm: Phải làm mới có tiền, chứ không đợi có tiền rồi mới làm.
Quan niệm này đã cho anh những thành công nhất định. Bởi ban đầu anh có số vốn ít ỏi mua máy xay xát làm dịch vụ, tích lũy dần và dành số tiền mình có để cải tạo lại nương bãi. Chỗ cao anh mua hom keo lai về trồng; khe đồi anh ngăn giữ nước nuôi cá; chỗ đất phẳng hơn được anh cải tạo trồng cây ăn quả. Anh cho biết: Về trồng rừng, theo chu kỳ, đến nay tôi đã có 2 lần được thu hoạch. Tranh thủ mưa xuân, tôi đang trồng lại 6.000 cây keo lai trên đất lâm nghiệp của gia đình.
Nhìn từng cây keo lai mới xuống bầu, hàng cách hàng lựa thế đất đồi thẳng tắp, tôi thấy vui lây bởi anh cũng như bao cư dân của vùng đất từng một thời quen việc lấy của rừng, nay lên đồi trồng rừng đúng bài bản hướng dẫn của cán bộ khuyến lâm. Anh tiếp tục câu chuyện làm giàu của mình: Để có 6 sào mặt nước ao, tôi 3 lần đào đắp, thuê máy xúc, máy ủi mới thành chỗ để thả cá trê lai, trắm, chép, trôi và cá rô phi đơn tính.
Tôi chia sẻ: Có nhiều cá bán phục vụ người tiêu dùng là quý, nhưng quý hơn nữa là việc anh làm được một ao lớn trữ nước ở lưng núi để điều hòa môi sinh. Chợt anh nói suy tư: Người dân vùng cao chúng tôi vẫn cơ bản là mày mò, tự tìm hướng ra trong phát triển kinh tế. Như việc gia đình tôi đi đầu trong phong trào đưa cây mơ lai về trồng trên đất Thượng Nung. Vì quả mơ không mang lại giá trị kinh tế như mơ ước, tôi lại là người đầu tiên chặt bỏ đi để dành đất trồng cây khác như cây vải, cây hồng, rồi lại chuyển sang trồng tre Bát Độ, không có thị trường bao tiêu sản phẩm, đành nuốt nước mắt mà phá đi thành quả lao động của mình.
Nhà nông, “mỗi thứ một tí”, nên anh không rơi vào cảnh “tán gia bại sản”. Vì ngoài trồng cây ăn quả, anh còn là một trong những nông dân đi đầu trong việc đưa giống lúa mới vào sản xuất. 6 sào ruộng của gia đình được cải tạo cấy 2 vụ/năm. Do chủ động được nước tưới, lúa có năng suất ổn định, đạt gần 2 tạ/sào. Cũng từ lâu, gia đình anh duy trì chăn nuôi ổn định hơn 100 con gà lai chọi/lứa; 2 con lợn nái và gần 20 con lợn thịt/lứa và 2 trâu nái. Thóc dư, lợn giống, trâu nghé anh bán cho các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong vùng. Anh bảo: Thóc đợi mùa gặt, lợn giống, trâu nghé đợi được bán, người mua mới có điều kiện trả tiền gốc cho mình. Nông dân chúng tôi thường giúp nhau như thế.
Nhìn ngoài trời mưa xuân rơi như màn sương mỏng, anh bảo: Bận lắm, vừa xuống đồng cấy xong lúa vụ xuân, lại lên đồi trồng rừng. Hôm rồi, tôi về Trường Đại học Nông lâmThái Nguyên mua 10 cây bưởi da xanh, 10 cây nhãn Hưng Yên về trồng thử, nếu cây tốt, quả có thị trường tiêu thụ, tôi sẽ vận động bà con chuyển đổi diện tích đất vườn tạp sang trồng cây ăn quả, tạo thành vùng hàng hoá. Đó là nhiệm vụ của người đảng viên chi bộ nông thôn hôm nay anh ạ.
Tôi nắm lấy đôi bàn tay anh, xúc động, bảo: Mong ở nông thôn vùng cao, miền núi, có nhiều đảng viên dám nghĩ, dám làm và biết chia sẻ kinh nghiệm phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo với mọi người như đồng chí Thượng.