Xã Điềm Mặc (Định Hóa) là địa phương có nhiều di tích lịch sử quan trọng gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đặc biệt là đồi Khau Tý thuộc xóm Bản Quyên, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh chọn làm điểm dừng chân đầu tiên khi đến ATK Định Hóa. Nhân dân các dân tộc ở Điềm Mặc tự hào bởi truyền thống cách mạng trong kháng chiến, và nay truyền thống đó đang từng ngày được phát huy nhằm xây dựng cuộc sống ấm no hơn.
Tôi sải bước nhẹ nhàng qua từng bậc trên con đường nhỏ dẫn lên đỉnh đồi Khau Tý, rừng cây cổ thụ trầm mặc khẽ đung đưa trong gió, hòa cùng tiếng róc rách của dòng suối Nạ Tra như muốn nhắc lại sự kiện rất quan trọng đã diễn ra đúng 70 năm trước. Ngày 20-5-1947, Bác Hồ đến ở tại lán Khau Tý lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Người ở đây, dưới sự chở che của những tán rừng, sự bảo vệ an toàn tuyệt đối của cán bộ và người dân Điềm Mặc. Trong thời gian ở lán Khau Tý (đến ngày 15-10-1947), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã có nhiều chỉ đạo sáng suốt, vạch hướng đi đúng đắn để cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.
Nhà ông Ma Đình Tín chỉ cách đồi Khau Tý vài trăm mét. Ông Tín năm nay 79 tuổi, là người sinh ra và lớn lên ở đây, sau nhiều năm công tác xa nhà (là lãnh đạo một doanh nghiệp lớn trong lĩnh vực khai khoáng), đến tuổi hưu ông trở về nơi chôn nhau cắt rốn. Ông bảo: Đồi Khau Tý chính là khu rừng gia đình tôi đã nhượng để cán bộ làm lán cho Bác ở. Không chỉ riêng gia đình tôi mà mọi người dân trong vùng đều rất vinh dự, tự hào khi được Bác Hồ chọn làm nơi ở và hoạt động cách mạng.
Nói về hiện tại, ông Tín tiếp mạch phấn khởi: Thời kỳ kháng chiến gian khổ và những năm kinh tế khó khăn đã qua, giờ xóm làng phát triển, cuộc sống của bà con ngày càng sung túc, chứng kiến hết thảy những thay đổi đó tôi rất vui. Bà con không chỉ chăm lo phát triển kinh tế mà còn phát huy tốt tinh thần đoàn kết và các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc, xóm không có tệ nạn xã hội. Truyền thống cách mạng như mạch nguồn chảy mãi trong lòng người dân Bản Quyên, từ thế hệ này sang thế hệ khác… Con trai ông Ma Đình Tín là anh Ma Đình Hiệu, Trưởng xóm Bản Quyên tiếp lời cha: Xóm có 38 hộ dân với 139 nhân khẩu, cuộc sống chủ yếu dựa vào cấy lúa, trồng chè. Vài năm gần đây bà con đã mạnh dạn chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi, tích cực ứng dụng kỹ thuật vào sản xuất nên đời sống khá lên trông thấy. Ngoài nông nghiệp thuần túy, một số hộ dân trong xóm đang được ngành Văn hóa hỗ trợ làm du lịch cộng đồng nhằm cải thiện thu nhập và giữ gìn bản sắc văn hóa.
Những ngày đầu tháng Năm này, tuyến đường bê tông từ Tỉnh lộ 264 dẫn vào Khu di tích lịch sử đồi Khau Tý đang được khẩn trương mở rộng, nâng cấp cùng với một số hạng mục khác để kịp hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Bác Hồ về ATK Định Hóa lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Không riêng Bản Quyên, cả xã Điềm Mặc đang “chuyển mình” với những công trình hạ tầng nông thôn đã và đang được triển khai, cơ cấu cây trồng, vật nuôi thay đổi theo hướng tích cực, đặc biệt là sự mạnh dạn trong phát triển kinh tế, ý thức vươn lên của người dân ngày một rõ nét.
Cây chè đang trở thành nguồn thu nhập quan trọng của người dân xã Điềm Mặc.
Trở lại Trụ sở xã Điềm Mặc, tôi được ông Ma Duy Vụ, Chủ tịch UBND xã cung cấp thêm những thông tin chung về tình hình phát triển của địa phương. Theo ông Vụ, từ việc xác định rõ những thuận lợi, khó khăn, thế mạnh của địa phương, cấp ủy, chính quyền xã đã tập trung lãnh đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đề nghị các cấp, ngành hỗ trợ về kỹ thuật và giống, vốn sản xuất cho bà con. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt 18 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 33,3% đầu năm 2016 xuống còn 29,9%, số hộ khá chiếm khoảng 10% trong tổng số hơn 1.300 hộ của xã. Cùng với sự hỗ trợ của các cấp, xã quan tâm huy động nội lực và xã hội hóa để phát triển hạ tầng nông thôn. Riêng năm qua đã có một số công trình hoàn thành như: Đường bê tông các xóm Đồng Lá 1, 4; đường Bản Giáo – Bản Tiến; đường nội xóm Bản Giáo; các hạng mục còn lại của Trụ sở xã… Xã hiện đạt 12 tiêu chí nông thôn mới. Ông Ma Duy Vụ cho rằng, những kết quả đó còn khiêm tốn, nhưng với địa phương đặc biệt khó khăn như Điềm Mặc thì đây là sự nỗ lực lớn của cả hệ thống chính trị và người dân.
Trước khi chia tay, lãnh đạo xã Điềm Mặc tặng tôi cuốn Lịch sử Đảng bộ xã (1946-2015). Cuốn sách dày 330 trang nêu bật vùng đất, con người và truyền thống cách mạng của Điềm Mặc hơn 70 năm qua, trong đó có những đoạn viết chi tiết về thời gian Bác Hồ ở, làm việc tại lán Khau Tý và hơn 20 điểm di tích khác gắn với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông Ma Duy Vụ khẳng định: Truyền thống và những di tích lịch sử quan trọng đó là tài sản vô giá, cũng là động lực lớn để chúng tôi tiếp tục phấn đấu vượt qua mọi khó khăn trên những chặng đường phía trước.