Ký ức về cuộc tổng tấn công Tết Mậu Thân 1968

17:23, 01/05/2017

Hầu hết các cựu chiến binh tham gia trận mở màn chiến dịch Mậu Thân-1968 nay đã vượt qua tuổi thất thập, họ vẫn giữ nguyên chí khí của bộ đội cụ Hồ trong đời sống thường nhật. Mỗi cựu chiến binh đều tự hào vì những năm tháng đã cống hiến, hy sinh tuổi thanh xuân cho đất nước, dân tộc.

“Mùa Xuân năm 1966, từ Thái Nguyên, chúng tôi lên đường nhập ngũ và bắt đầu từ năm 1967 được tăng cường vào mặt trận Tây Nguyên để hiệp lực mở đường tiến về Sài Gòn giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Là bộ đội trinh sát thông tin, nên mặt trận của tôi là đi trước và bám “thắt lưng” địch để tham mưu tác chiến cho pháo binh, bộ binh... tuyến sau. Và ngôn ngữ của bộ đội thông tin là ngôn ngữ “số” (mã hóa theo các số đếm). Để bảo đảm bí mật, chính xác thì không được nổ súng, sau mỗi trận đánh lại thay đổi ngôn ngữ mã số. Thông tin thông suốt, chính xác nghĩa là đã cầm được chìa khóa mở cửa cho mặt trận…” - Cựu chiến binh Tạ Hùng Quang, trú tại phường Quang Trung (T.P Thái Nguyên) trầm lắng bên ấm trà nhớ về chiến trường và những người đồng đội một thời sát cánh bên nhau như anh em ruột thịt tâm sự với chúng tôi. Giọng nói của ông có lúc vang lên như những lần ra trận. Cũng có lúc trầm lắng, khoé mắt đỏ ướt lệ nhớ về những đồng đội ngã xuống bên chiến hào mà vẫn chắc tay súng hướng ra trận tuyến. Ông kể: “Ngoài mặt trận, máy bộ đàm thông tin còn quý giá hơn cả tính mạng của mình. Mất sóng, nghĩa là tê liệt tác chiến và cũng có thể cả đơn vị rơi vào tầm pháo hạm từ xa của địch. Chỉ một lần mất sóng tại trận địa Đắk Tô (tỉnh Kon Tum), tôi đã dùng dây mìn làm ăng ten leo lên ngọn cây kết nối sóng báo tin khẩn cho tuyến sau tác chiến. Tức thì hỏa lực địch gần như san phẳng vị trí trinh sát thông tin nhằm vô hiệu tác chiến. Đất đá vùi kín người cùng chiếc máy thông tin ôm gọn trong lòng, tôi đã kịp báo tuyến sau tấn công. Cũng chỉ là con số 1-2-3 vừa dứt, pháo của ta dập tan trận địa địch, bộ binh đạp rào gai kẽm mở toang đường tiến công góp phần quan trọng giải phóng thị trấn Đắc Tô và tiến lên giải phóng Tây Nguyên. Tôi thầm nhủ, nếu hy sinh thì cũng đã thanh thản hoàn thành nhiệm vụ để đồng đội tiến lên. Tháng 6-1968, tại căn cứ bí mật rừng Khọp, tôi đã được đơn vị phong tăng danh hiệu “Dũng sỹ quyết thắng” và được chính thức đứng vào hàng ngũ của Đảng… Bấy giờ tôi càng thấm thía một điều - Hy sinh không sợ bằng không hoàn thành nhiệm vụ. Không hoàn thành nhiệm vụ đồng nghĩa với việc đồng đội, đơn vị còn chịu nhiều tổn thất, mặt trận còn nhiều hy sinh, đường tiến công còn gian nan. Đó cũng là động lực thôi thúc tôi luôn rèn luyện, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ trên tất cả các mặt trận. Cho đến khi chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, năm 1979, tôi cũng đã cùng đồng đội hoàn thành nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó”.

 

Còn cựu chiến binh Nguyễn Hữu Vượng, thương binh hạng 4, nạn nhân chất độc Da cam/đioxin trú tại tổ 1, thị trấn Chùa Hang (Đồng Hỷ) nhớ lại: “Vậy là tròn 50 năm, lần đầu tiên trong cuộc đợi người chiến sỹ thế hệ chúng tôi đón nhận mệnh lệnh thiêng liêng và oai hùng nhất của tổ quốc, của dân tộc. Đó là hành quân ra trận. Đêm Đông năm 1967, lứa thanh niên chúng tôi cùng với đồng chí Vũ Xuân * thật háo hức sau khi hoàn thành khóa huấn luyện và chính thức ra chiến trường. Lúc này, mặt trận Tây Nguyên là cánh cửa để bộ đội ta tiến vào Sài Gòn, giải phóng miền Nam. Là chỉ huy pháo binh, tôi thật sự háo hức muốn đối mặt quân thù mà không thể. Nhưng chiến trường thật không như sự sắp đặt nào có sẵn. Và từ bộ đội pháo binh tôi đã thành Dũng sỹ diệt Mỹ ngay tại chiến trường Tây Nguyên…”. Đêm 30 rạng ngày 31-1-1968, mệnh lệnh tiến công được bắt đầu. Quân Giải phóng và lực lượng vũ trang đồng loạt tiến công vào các mục tiêu của địch để mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1968. Ngoài cuộc tấn công Sài Gòn, ta đã đánh 36 trong tổng số 44 tỉnh, 5 trong số 6 đô thị, 64 trong số 242 quận lỵ và nhiều ấp chiến lược khu vực chiến trường Tây Nguyên và Trung bộ. Căn cứ Đăk Tô - Tân Cảnh được Mỹ, ngụy bố phòng, củng cố, xây dựng vững chắc như một pháo đài bất khả xâm phạm. Chính tại nơi đây, bộ đội ta đã vấp phải nhiều trận vây ráp, càn quét của các loại hỏa lực hạng nặng của địch nhằm chặn đường tiến công của ta. Đơn vị Sư đoàn 1,2, 3, Sư đoàn pháo 40 mặt trận Quân khu 5 đã trực tiếp chiến đấu, khai hỏa mở màn những trận đánh pháo binh và bộ binh góp phần mở cánh cửa Tây Nguyên và đến 1972 địa bàn này được giải phóng, bộ đội ta thẳng tiến về Sài Gòn. Ông Vượng tâm sự: “Tôi bị thương tại chiến trường Tây Nguyên năm 1972. Vết thương lành tôi lại tiếp tục vào chiến đấu giải phóng Bà Rịa - Vũng Tàu… rồi sau này (1978-1979) là chiến trường biên giới phía Bắc. Trận mạc, chiến trường và từ những loạt pháo đầu tiên khai hỏa đã tôi luyện cho tôi ý chí quyết chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù. Nên với bộ đội cụ Hồ, đối mặt với kẻ thù là không bao giờ khoan nhượng, lùi bước, chỉ có chiến đấu và quyết chiến thắng. Đó vừa là lẽ sống và động lực phấn đấu, rèn luyện của chúng tôi để làm gương cho các thế hệ đi sau tiếp tục phát huy”. Cựu chiến binh Nguyễn Hữu Vượng vừa ôn lại những kỷ niệm chiến trường, vừa nhắc đến đồng đội. Ông xúc động: “Thế hệ chúng tôi còn nhiều dũng sỹ, anh hùng lắm, nhưng do tuổi cao, nên muốn tập trung, gặp mặt cũng khó…”.

 

Trở về sau chiến tranh, cuộc sống thường nhật vốn bộn bề, vất vả,  nhất là việc tổ chức lại cuộc sống của những người thương binh, cựu chiến binh, nhưng với chí quyết chiến, quyết thắng của bộ đội cụ Hồ, những cựu chiến binh vẫn luôn là tấm gương sáng cho các thế hệ sau học tập, rèn luyện và phấn đấu. Mỗi lần gặp các cựu chiến binh, với chúng tôi là một kho tàng lịch sử sống động và cũng là động lực phấn đấu cho mục tiêu bảo đảm độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. 

 

Thắng lợi chiến lược của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 buộc đế quốc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri, mở ra cục diện mới cho cách mạng miền Nam. Thắng lợi đó thể hiện sức mạnh tổng hợp của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta.

 

-------------------------------

*Anh hùng liệt sỹ Vũ Xuân.



Giải pháp quà tặng doanh nghiệp hàng đầu