Ngày làm việc thứ hai, kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh: Thảo luận các báo cáo, tờ trình, dự thảo nghị quyết

13:09, 17/05/2017

Sáng 17-5, Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIII tiếp tục ngày làm việc thứ hai.

 

 

Tại phiên làm việc nội bộ, các đại biểu đã nghe Tờ trình đề nghị thông qua Đề án xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2035 và Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND tỉnh đối với tờ trình này; đồng thời, tiến hành thảo luận, và biểu quyết thông qua Nghị quyết về Đề án xây dựng thế trận quân sự trong khu vực phòng thủ tỉnh giai đoạn 2017-2025, tầm nhìn đến năm 2035. Cũng trong phiên làm việc này, các đại biểu đã thực hiện quy trình cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu HĐND tỉnh khóa XIII đối với đại biểu Bùi Thanh Tâm (Đoàn đại biểu huyện Đồng Hỷ) do chuyển công tác.

 

Tiếp đó, các đại biểu HĐND tỉnh và đại biểu khách mời đã tiến hành chia thành 4 tổ thảo luận, cho ý kiến vào các báo cáo, đề án, tờ trình và dự thảo Nghị quyết trình tại Kỳ họp. Nhìn chung, các ý kiến đều nhất trí cao với nội dung những báo cáo đã trình bày. Tuy nhiên, một số ý kiến đề nghị cần chỉnh sửa câu từ và số liệu ở một vài văn bản cho chính xác. Riêng đối với Tờ trình về việc thông qua Chương trình giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017-2020, một số đại biểu đề nghị cần xác định rõ phạm vi thực hiện và nguồn lực dành cho Chương trình; điều chỉnh chỉ tiêu phấn đấu hằng năm giảm bình quân tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn từ 3,5-5% xuống còn 3-4% cho phù hợp với Chương trình giảm nghèo bền vững của Trung ương.

 

Đối với dự thảo Đề án tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản và bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh, giai đoạn từ 2017-2020, các đại biểu đề nghị cần quy định rõ trách nhiệm và cơ chế hỗ trợ của các đơn vị khai thác khoáng sản đối với địa phương trong việc khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và sự xuống cấp của hạ tầng giao thông do hoạt động khai thác khoáng sản gây ra; đồng thời, cần xây dựng cơ chế hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho người dân địa phương nơi diễn ra hoạt động khai thác khoáng sản…

 

Đối với Chương trình phát triển văn hóa thể thao và du lịch tỉnh, giai đoạn 2017-2020, một số đại biểu đề nghị cần đánh giá lại hiệu quả hoạt động của toàn bộ các thư viện cấp huyện và các điểm bưu điện văn hóa xã để đưa ra các giải pháp xử lý; cần bổ sung thêm hệ thống tủ sách hoặc thư viện ở các nhà văn hóa xóm, tổ dân phố…

 

Theo chương trình làm việc, buổi chiều, các đại biểu tiếp tục thảo luận tại tổ.

 

* Ý kiến đại biểu tại buổi thảo luận tổ

 

Đại biểu Phạm Văn Thọ (Tổ ĐB T.X Phổ Yên): Trong các đơn vị thuộc diện điều chỉnh địa giới hành chính về T.P Thái Nguyên lần này, đáng quan tâm nhất là thị trấn Chùa Hang. Đây là trung tâm hành chính của huyện Đồng Hỷ, nên khi về thành phố toàn bộ các cơ quan, đơn vị đầu não của huyện sẽ phải di chuyển. Việc di chuyển không phải một sớm, một chiều là có thể thực hiện được bởi còn phải quy hoạch, giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng... Do đó, cần làm rõ, trước mắt bố trí vị trí làm việc cho các cơ quan, đơn vị của huyện ra sao, phương án nào hợp lý, đảm bảo không xáo trộn. Mặt khác, việc sắp xếp cán bộ sau khi điều chuyển địa giới hành chính sẽ theo hướng nào để tránh thiệt thòi…

Đại biểu Nguyễn Thị Mai (Tổ ĐB Phú Lương): Đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao là đặc biệt cần thiết, song cần tránh đầu tư dàn trải, manh mún, mỗi loại đầu tư một chút. Chúng ta đều biết, đầu tư công nghệ cao là không dễ và khá tốn kém, nên cần lựa chọn những sản phẩm đặc trưng, là thế mạnh của tỉnh như chè, rau xanh… để đầu tư. Chọn sản phẩm thôi chưa đủ, cần bố trí vùng sản xuất tập trung để tạo hàng hóa chất lượng cao. Có thể chọn một huyện hoặc một vài huyện có cùng điều kiện để xây dựng mô hình. Từ đó có cơ chế khuyến khích hợp lý để doanh nghiệp, nông dân đầu tư. Như thế đầu tư nông nghiệp công nghệ cao mới có khả năng thành công.