Người chiến sĩ cảnh vệ của Bác năm xưa

17:00, 13/05/2017

Dù đã 89 tuổi nhưng ông Mông Đức Ngô, xóm Pa Chò, xã Phượng Tiến (Định Hóa) vẫn khỏe mạnh và rất minh mẫn. Khi kể cho chúng tôi nghe những câu chuyện về Bác Hồ, đôi mắt ông chợt sáng lên những tình cảm xúc động, tự hào. Đối với ông, những ngày tháng được làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ tại ATK Định Hóa là quãng thời gian không thể nào quên. Những câu chuyện, những lời căn dặn của Bác mãi là ký ức theo ông suốt cuộc đời.

Những ngày này, cả nước đang tưng bừng các hoạt động Kỷ niệm 70 năm ngày Bác Hồ về ATK Định Hóa cùng Trung ương Đảng, Chính phủ lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp (20/5/1947 - 20/5/2017) và 127 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2017). Chúng tôi đã tìm về ATK Định Hóa để gặp ông Mông Đức Ngô - người đã từng làm nhiệm vụ bảo vệ Bác Hồ trong suốt những năm tháng Bác sống và làm việc tại căn cứ địa cách mạng. Trong ngôi nhà nhỏ nằm nép mình sau dãy núi, người lính cảnh vệ ở cái tuổi “hiếm” mái tóc bạc trắng nở nụ cười: “Đã 70 năm trôi qua nhưng những ký ức về Bác tôi vẫn nhớ như in…”. Nói rồi ông bước đến bên chiếc tủ kính lấy sấp báo cũ và những tấm ảnh chụp cùng Bác và những chiến sĩ cảnh vệ ở đồi Khau Tý cho chúng tôi xem. Ông Ngô lật giở từng trang hồi ký, nghiêng mình tìm về quá khứ để sống lại những ngày tháng đẹp đẽ của tuổi thanh xuân.

 

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất giàu truyền thống cách mạng, ngay từ nhỏ, chàng thiếu niên người dân tộc Tày Mông Đức Ngô đã sớm được giác ngộ lý tưởng cách mạng. Năm 1944, khi đó mới 15 tuổi, đã tham gia du kích địa phương để bảo vệ xóm làng. Năm 1945, được chọn làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội du kích xã Vị Trung (nay là Phượng Tiến) cùng với lực lượng Cứu Quốc quân và nhân dân huyện Định Hóa tham gia khởi nghĩa giành chính quyền. Sau khi cuộc khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi, ông được biên chế về Đại đội 413, Trung đoàn 246 đóng quân ngay tại địa phương với nhiệm vụ bảo vệ Chiến khu Việt Bắc và Định Hóa. Tháng 5-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đến về đồi Khau Tý, xã Thanh Định (nay là xã Điềm Mặc) để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, ông cùng một số chiến sĩ được tuyển chọn để thành lập Đại đội 32 làm nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho Bác tại căn cứ địa cách mạng. Để đảm bảo bí mật, trong thời gian này, Bác thường không ở lâu tại một nơi, cứ vài tháng Bác lại thay đổi chỗ ở một lần. Chính vì vậy, suốt từ năm 1947 đến cuối năm 1953, ông Ngô cùng với cùng với Đại đội 32 đã theo chân Bác qua nhiều địa điểm từ Khau Tý (Điềm Mặc), Khuôn Tát, Nà Lọm, Tỉn Keo (Phú Đình)... đến Tân Trào, Sơn Dương (Tuyên Quang).

 

Lúc bấy giờ, ông Ngô được giao nhiệm vụ làm Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2 phụ trách bảo vệ an toàn vòng ngoài xung quanh nơi ở, làm việc của Bác và lo công tác chuẩn bị những nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm, làm việc. Ông nhớ lại: Công tác bảo vệ Bác thời gian đó rất khó khăn, phiên hiệu không có, quân phục không thống nhất, ai có gì mặc nấy, cũng chưa có điều lệnh quy định, tất cả chỉ dựa vào nhiệt tình cách mạng và quyết tâm trung thành bảo vệ an toàn cho Bác bằng mọi giá. Nơi ở và làm việc của Bác là một căn nhà sàn lợp lá cọ gồm hai gian được dựng trên đồi Khau Tý, nép mình bên cây cổ thụ giữa khu rừng nứa thuộc thôn Nạ Tra. Căn nhà Bác ở thoáng mát, vách nứa được đan rất khéo, nhìn rất đẹp. Trên một phía vách có treo một chiếc áo the dài, một khăn xếp, một chiếc ô đen. Đó là những thứ Bác dùng để cải trang khi đi công tác. Hàng ngày, ngoài giờ làm việc, Bác vẫn cùng các đồng chí cảnh vệ trồng rau, nuôi gà, phát nương, hướng dẫn và giúp đồng bào tăng gia sản xuất để chống đói. Bác thường bảo: “Trồng rau vừa để cải thiện bữa ăn, vừa có màu xanh no ấm, nếu chuyển đi thì người sau đến ở sẽ có rau mà ăn. Thực có túc thì binh mới cường”. Ông nhớ nhất là một hôm, ông cùng đồng đội đang tăng gia ở bãi đất giáp suối Nà Lọm thì Bác đến. Lúc ấy, có người đang làm thật lực, một số thì mải chuyện. Thấy vậy Bác nhẹ nhàng nói: “Các chú ạ, một người làm ngoảy ngoảy không bằng 7 người làm khoan khoan; một giờ làm hăng say bằng cả ngày làm chiếu lệ. Phải làm việc thật lực, tích cực thì mới mong sớm có kết quả”. Sau lời nhắc đó của Bác, tất cả các chiến sĩ đều nỗ lực làm việc với tinh thần trách nhiệm cao hơn, quên đi mọi mệt mỏi để hoàn thành tôt công việc.  

 

Trong suốt những năm tháng được làm nhiệm vụ bảo vệ sự an toàn cho Bác (từ 1947 đến cuối năm 1953), điều mà người cảnh vệ Mông Đức Ngô nhớ nhất về Bác đó là sự dung dị, bình dân đến lạ thường. Lúc nào Bác cũng rất giản dị với tất cả mọi người, toát lên sự gần gũi thân quen. “Không có sự xa cách nào giữa Bác và mọi người. Bác luôn quan tâm khi gặp bất cứ ai, dù ở cương vị nào. Điều đó làm Bác gần gũi được mọi người mà không ai có sự xa cách” - Ông Ngô nói.

 

Cuối năm 1953, cả nước tập trung cho chiến dịch Điện Biên Phủ, ông Ngô được điều động lên mặt trận Điện Biên Phủ làm Trung đội trưởng Trung đội thông tin phục vụ trực tiếp tại Sở chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng. Do có năng lực và kinh nghiệm chiến trường, lại là người Tày chính gốc nên ông được Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp giao cho nhiệm vụ đặc biệt: Trực tiếp truyền mệnh lệnh của Đại tướng bằng tiếng Tày Định Hóa xuống chỉ huy các đơn vị trên toàn mặt trận. Sau khi chiến dịch Điện Biên Phủ giành thắng lợi, ông Ngô vinh dự cùng đoàn quân chiến thắng về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Năm 1958, ông xuất ngũ trở về địa phương sống cuộc đời bình dị với người dân quê nhà cho đến bây giờ. Với những thành tích đóng góp của mình trong suốt 15 năm tham gia hoạt động cách mạng, ông đã được Đảng, Nhà nước ghi nhận và trao tặng nhiều Huân, Huy chương cao quý như: Huân chương Chiến công hạng Hai; Huân chương Chiến thắng hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng hai; Huy chương Chiến sĩ vẻ vang…

 

Hơn nửa thế kỷ trôi qua, người chiến sĩ cảnh vệ Mông Đức Ngô năm nào giờ đã gần 90 tuổi, tất cả dấu vết thời gian đã hằn rõ lên mái tóc và khuôn mặt của ông nhưng những năm tháng được tham gia bảo vệ sự an toàn cho Bác Hồ tại ATK Định Hóa vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí ông. Đối với ông, đó là những ký ức đáng trân trọng, hạnh phúc và tự hào nhất trong cuộc đời binh nghiệp của mình. Ông tâm sự: “Thời của Bác đến đôi dép không có mà đi. Bây giờ thời bình, cuộc sống đồng bào đã được nâng lên nhiều, đất nước có nhiều đổi thay, vươn mình hội nhập với quốc tế nhưng tiếc rằng Bác không còn nữa. Hôm nay, được sống và chứng kiến phút giây đất nước thống nhất, hòa bình là điều tôi cảm thấy hạnh phúc và may mắn vô cùng”.