Nhớ rừng Tây Bắc

08:56, 01/05/2017

Đang giữa mùa hoa ban, sắc hoa tinh khôi, trắng mịn điểm tô cho đất trời Tây Bắc rực rỡ hơn dưới nắng tháng Tư. Từ ngàn đời nay, hoa ban vẫn nở đúng độ này. Rực rỡ, e ấp và hồn hậu như cô gái Thái, Mường. Mỗi độ hoa ban nở, cũng là lúc các thế hệ người Việt Nam hoài nhớ về một thuở cha ông mình ngược đường Tây Bắc, làm nên một Điện Biên chấn động địa cầu.

Cụ Trần Xuân Yến, Trưởng Ban Liên lạc Cựu chiến sĩ Điện Biên - T.P Thái Nguyên bảo: Nhớ Tây Bắc lắm, vì phần đời trẻ trung của tôi, cùng bao đồng đội đã gắn bó, đã chiến đấu và hy sinh. Cụ Yến dừng lời, mắt đăm đắm nhìn vào khoảng trời vô định trước mặt. Cụ đang hoài niệm về một thời trẻ trung, sung sức tham gia Chiến dịch Điện Biên. Cụ “gói ghém” cuộc đời quân ngũ của mình bằng “mấy gạch đầu dòng”: 17 tuổi, tôi nhập ngũ. Sau huấn luyện, tôi được biên chế vào Sư đoàn 308, hành quân lên Tây Bắc, đánh địch ở các điểm: Bản Kéo, đồn 106, đồn 206, đồn 311 B. Rồi từ Tây Bắc, đơn vị hành quân về hạ đồn giặc ở Cồ Lồ (Bắc Giang). Sau chiến dịch, tôi được Sư đoàn tặng Bằng khen và Huân chương Chiến công, được kết nạp vào Đảng năm 19 tuổi.

 

Thế hệ của cụ, hết phục vụ kháng chiến chống Pháp, lại phục vụ kháng chiến chống Mỹ và xây dựng đất nước. Năm 1986, cụ nghỉ hưu, tiếp tục tham gia công tác xã hội tại nơi cư trú (tổ 27, phường Phan Đình Phùng). Cụ nói dí dỏm: Lớp người tham gia kháng chiến chống Pháp, tôi là người trẻ nhất, luôn làm em út trong đơn vị, nên khi thành lập Ban liên lạc Cựu chiến sĩ Điện Biên, tôi được các anh giao nhiệm vụ Trưởng Ban.

 

Thời gian trôi nhanh, chàng trai 17 tuổi năm xưa nay đã 82 mùa xuân đi qua cuộc đời. Cụ Yến nói đắn đo: Năm 1999, nhân kỷ niệm 45 năm chiến thắng Điện Biên, tôi đạp xe đi các phường, xã của T.P Thái Nguyên, vận động được gần 500 cựu chiến sĩ Điện Biên tham gia sinh hoạt. Nhưng đến năm 2017 này, quân số hao quá nửa, còn gần 200 người đều ở tuổi “chuối chín cây”.

 

Tuy chân chậm, mắt mờ, da khô, mặt nám, song mỗi lần nhắc đến Chiến dịch Điện Biên Phủ, những người lính năm xưa chợt thấy lòng nôn nao như được sống lại giữa âm hưởng chiến thắng được làm nên bằng máu và nước mắt. Cụ Phùng Văn Tằng, 89 tuổi kể: Trước lúc tham gia Chiến dịch Điện Biên, tôi cùng đơn vị đánh thắng hàng chục trận ở Cao Bằng, Quảng Ninh, Hà Nội, Hà Nam Ninh và Hòa Bình. Năm 1953, tôi là Trung đội trưởng pháo 75 ly. Khẩu pháo được đơn vị tháo rời từng bộ phận, 40 cán bộ, chiến sĩ thay nhau khiêng vác qua các chặng đường đèo của Cò Nòi, Pha Đin, cùng tập kết tại phía Tây Mường Thanh. Pháo lắp xong, đơn vị lại nhận lệnh chuyển sang đánh địch ở Mường Khoa, Mường Sài. Sau đó mới trở lại Điện Biên, cùng các đại đoàn dập pháo xuống đồn thù, góp phần cùng nhân dân cả nước làm nên thắng lợi.

 

Cụ Tằng là cán bộ tiền khởi nghĩa, cụ tham gia Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân ngày 2-5-1945. Ngày tham gia Quân đội, cụ mang theo khẩu súng kíp, tư trang có bộ quần áo chàm và lòng căm thù giặc. Hết kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, năm 1980, cụ nghỉ hưu tại phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên). Gia tài cụ mang về là những tấm huân, huy chương đỏ ngực áo. Vợ, con và bao người thân đón cụ trong niềm xúc cảm. Để bao năm trôi đi, miền Tây Bắc hoa ban nở trắng trời tháng Tư, gợi nhớ một chiến dịch “Hơn ba ngàn ngày không nghỉ”, bởi những đoàn quân đạp núi qua những vùng đất của Mai Châu, Mường Khến, Đà Bắc (Hoà Bình); Nà Sản, Hát Lót (Sơn La) và A Pa Chải, Mường Nhé, Tây Trang (Điện Biên Phủ) để cùng làm nên “thiên sử vàng”.

 

Vẫn còn đây bên đường lên Điện Biên, một ngã ba Cò Nòi, một tượng đài TNXP khắc ghi lại thời khắc ác liệt của chiến dịch. Tại đây, 100 liệt sĩ TNXP thuộc Đội 40 và Đội 34, Đoàn TNXP Trung ương đã anh dũng hy sinh trong phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954. Tôi thành kính đọc từng dòng tên những người con ưu tú của đất nước. Các anh, mãi mãi tuổi mười tám, đôi mươi, lòng sắt son, như bông ban rừng Tây Bắc.

 

Cũng trên dọc đường lên Tây Bắc, tôi từng gặp bao cựu chiến sĩ Điện Biên trên đường thăm chiến trường xưa. Cụ Vũ Thi, 88 tuổi, ở phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên) kể: Tôi sinh ra ở vùng quê Gia Viễn (Ninh Bình). Năm 1945, tôi được Chủ nhiệm Việt Minh xã giao nhiệm vụ làm Đội trưởng Đội Thiếu niên Nhi đồng cứu quốc. Tháng 4-1946, tôi được kết nạp vào Đội tự vệ chiến đấu. 21 tuổi, tôi được kết nạp vào Đảng và tham gia Quân đội. Sau huấn luyện, tôi được biên chế vào Đại đội 77, Tiểu đoàn 428, Trung đoàn 441, Đại đoàn 312. Khi đó, tôi có cân nặng 38 kg, làm Tiểu đội phó súng Đại Liên của đơn vị.

 

Cũng theo lời kể của cụ: Từ năm 1950, Trung đoàn 441 đã tham gia đánh tiêu diệt sinh lực địch ở vùng Tây Bắc, Quảng Ninh, Phú Thọ. Đến tháng 4-1953, quay trở lại mặt trận Tây Bắc, đánh địch ở Hòa Bình, Yên Bái, rồi hành quân lên Sơn La đánh đồn Mộc Châu. Đánh tiếp sang Cò Nòi, Hát Lót, Nà Sản, Bản Vận (Sơn La). Trận mạc đạn bom thảm khốc, bộ đội hy sinh nhiều nhưng không ai nao núng tinh thần.

 

Sau mỗi trận đánh, đơn vị lại được bổ sung thêm quân số. Lại hành quân sang giúp nước bạn Lào đánh địch ở Mường Xôi, Sầm Nưa. Tháng 12-1953, tôi cùng đơn vị trở lại mặt trận Tây Bắc làm nhiệm vụ kéo pháo và làm trận địa pháo 105 ly, cách Him Lam 5km. Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị vinh dự đánh trận mở màn, sau đánh tiếp các đồn lẻ của địch ở gần khu vực sân bay Điện Biên, hầm Đờ Cát. Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, đơn vị nhận nhiệm vụ áp giải hơn 8.000 tù binh địch về giao lại cho Trại tù binh mặt trận ở Yên Bái.

 

Sau Chiến dịch, cụ Thi tiếp tục phục vụ trong Quân đội đến năm 1984. Cụ sinh sống cùng người thân ở phường Phan Đình Phùng (T.P Thái Nguyên). Như bao cựu chiến binh, ai cũng mong có chí ít được một lần trở lại thăm chiến trường xưa. Cụ Thi cũng thế, mùa ban nở năm 2009, nhân kỷ niệm 55 năm chiến thắng Điện Biên Phủ, cụ được ngành hàng không Việt Nam mời trở lại Điện Biên bằng phi cơ. Cụ bảo: Nhìn ra ngoài cửa sổ máy bay, đường lên Tây Bắc thênh thang giữa rừng ban trắng. Ngày trước, chúng tôi, những chiến sĩ Điện Biên phải hành quân hàng chục ngày mới đến nơi. Còn bây giờ, từ Hà Nội lên Điện Biên Phủ bằng đường hàng không, bấm đồng hồ, thời gian bay đúng 65 phút...