Nơi đảo xa gặp đồng hương xứ chè

14:27, 08/05/2017

Trong chuyến công tác đến Trường Sa lần này, chúng tôi đã may mắn gặp được một số cán bộ, chiến sĩ hải quân quê ở Thái Nguyên. Dù giữ các vị trí công tác khác nhau, ở những đảo, điểm đảo cách xa đất liền, đêm ngày nắng gió, bão giông, song trong các anh đều toát lên khí chất, bản lĩnh của người lính Hải quân nhân dân Việt Nam anh hùng, xứng đáng với truyền thống của quê hương cách mạng.

Người đầu tiên chúng tôi gặp là thượng úy Lê Anh Cương, bác sĩ quân y đang làm nhiệm vụ trên đảo Đá Lớn A. Giữa đảo nhỏ gặp nhau, dù chưa một lần biết mặt, nhưng anh em chúng tôi như người thân đi xa lâu ngày mới gặp, tay bắt mặt mừng, vồn vã hỏi nhau đủ thứ chuyện. Lê Anh Cương có vợ, con đang sinh sống tại xóm Hồ, xã Đắc Sơn (T.X Phổ Yên), anh từng công tác ở bệnh viện 91, sau được giao thực hiện nhiệm vụ tại quân cảng Cam Ranh (Khánh Hòa). Anh ra công tác tại Trường Sa hơn 2 năm nay, mỗi năm được về phép một lần. Là bác sĩ duy nhất trên đảo nên các ca cấp cứu, cứu chữa bệnh nhân là chiến sĩ, ngư dân khu vực Đá Lớn đều do anh đảm nhiệm chính. Dù trang thiết bị, điều kiện cơ sở, thuốc men ở đảo còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, song với trách nhiệm cao nhất của người thầy thuốc quân y, anh và đồng đội luôn làm hết khả năng vì tính mạng bệnh nhân.

 

Trò chuyện với chúng tôi về những kỷ niệm khó quên trong thời gian làm nhiệm vụ tại Trường Sa, thượng úy Lê Anh Cương nhớ lại: Cuối tháng 4-2017, lúc đó khoảng 23 giờ, tôi nhận điện của một y sĩ bên đảo Đá Lớn B thông báo một chiến sĩ Hải quân của ta có biểu hiện sốt cao, tức ngực khó thở, rất nguy cấp. Ngay lập tức, tôi đề nghị Chỉ huy đảo xuất xuồng đưa bệnh nhân sang Đá Lớn A vì bên này có điều kiện thuận lợi hơn. Sau khi khám, thấy tình trạng bệnh nhân nguy kịch, chỉ số sự sống rất thấp, tôi đã cùng đồng sự thực hiện ngay các biện pháp điều trị tích cực. Do chẩn đoán đúng bệnh, điều trị kịp thời nên sau hai tiếng, bệnh nhân đã dần ổn định, hồi phục.

 

Đoàn công tác Thái Nguyên tặng quà trung úy Bùi Hữu Dư, chính trị viên đảo Đá Tây C.

 

Trường hợp khác xảy ra khoảng giữa năm 2016, lúc đó ngư dân Hoàng Văn Ninh ở Phú Quý (Bình Định), trong đêm xay đá ướp cá không may bị cuốn cả cánh tay vào trong máy. Vết thương nghiêm trọng, chảy nhiều máu, bệnh nhân rất đau đớn. Ngay đêm đấy, tôi và các y sĩ trên đảo thực hiện ca trung phẫu xử lý ban đầu, sau 3 tiếng thấy bệnh nhân ổn định, chúng tôi cho chuyển về tuyến trên điều trị. Anh Cương cho biết, từ ngày ra đảo đến nay, anh và các đồng đội đã khám, chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho trên 70 trường hợp là cán bộ, chiến sĩ trên đảo và ngư dân của ta.

 

Cùng là chiến sĩ quân y, tuy không có ai làm bác sĩ, song các y sĩ sinh ra và lớn lên ở quê hương Thái Nguyên đang công tác tại đảo Sơn Ca cũng có những đóng góp tích cực cứu chữa bệnh nhân nơi đầu sóng, ngọn gió. Đó là kíp quân y từ Bệnh viện 91 tăng cường cho Trường Sa gồm: Trung úy, y sĩ gây mê Dương Văn Huấn, ở xóm Bến, xã Nhã Lộng (Phú Bình); trung úy, y sĩ đa khoa Vũ Bảo Ngọc, ở tổ dân phố số 1 Tân Sơn, phường Lương Sơn và trung úy, y sĩ đa khoa Nguyễn Văn Kiệm, tổ dân phố Tân Mới, phường Phố Cò (T.P Sông Công). Chỉ mới ra đảo chưa đầy nửa năm, lần đầu xa nhà lâu ngày, điều kiện sinh hoạt, công tác thiếu thốn nên cũng có những tác động tâm lý nhất định. Tuy nhiên, vượt lên trên hết là trách nhiệm của người chiến sĩ quân đội nhân dân và tinh thần vì người bệnh, các anh đã vượt qua mọi gian khó. Hiện, ba y sĩ quê xứ chè được chỉ huy và lãnh đạo bệnh xá đảo tin tưởng giao đảm trách các vị trí quan trọng trong quá trình khám, chữa bệnh cho bệnh nhân, nhất là những ca cấp cứu, phẫu thuật.

 

Chúng tôi gặp trung úy Bùi Hữu Dư, chính trị viên tại đảo Đá Tây C khi chuyến hải trình dài ngày của đoàn sắp kết thúc.  Anh Dư hiện có mẹ già thường xuyên đau yếu và người vợ trẻ mới cưới ở xóm Ngọc Lâm, xã Linh Sơn (Đồng Hỷ). Biết đoàn công tác lần này chỉ đến đảo Đá Tây A, anh đã xin phép chỉ huy sang gặp đồng hương. Gặp chúng tôi, anh không giấu nổi xúc động: Đây là lần thứ 2 tôi ra đảo công tác, lần đầu năm 2015, làm nhiệm vụ tại đảo Tốc Tan, và lần này là từ tháng 7-2016. Đi biền biệt cũng thấy nhớ nhà, nhưng là chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam, chúng tôi luôn biết gác lại tình cảm cá nhân, tất cả vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Tôi rất xúc động và thực sự yên tâm công tác khi nhận được thông tin từ gia đình cho biết, đoàn Thái Nguyên trước khi ra đảo công tác đã đến động viên mẹ và vợ tôi, đồng thời sửa sang lại căn nhà dột nát bấy lâu mà mẹ tôi vẫn ở. Tôi hứa sẽ luôn chắc tay súng, vững lòng cùng với đồng đội sẵn sàng chấp nhận hy sinh giữ đảo, giữ biển quê hương.

 

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai đi theo đoàn đang khám bệnh cho các chiến sĩ công tác tại quần đảo Trường Sa.

 

Người cuối cùng chúng tôi gặp gỡ trong chuyến hải trình là cán bộ phụ trách tổ cơ khí thuộc Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo Đá Tây A, anh Dương Đình Vinh, xóm Bảo Hoa, xã Định Biên (Định Hóa). Không nằm trong lực lượng Hải quân chính quy, nhưng những ngày công tác ở đảo, anh đã cùng anh em trong Trung tâm sửa chữa cả trăm tàu thuyền cho ngư dân của ta, đồng thời cung cấp nước ngọt, thuốc men miễn phí để bà con có thể vươn khơi, bám biển. Anh tâm sự, ra đi từ mảnh đất ATK cách mạng, dù khó khăn mấy tôi cũng sẵn sàng vượt qua và thấy hạnh phúc vì được góp một phần sức lực xây dựng, bảo vệ quê hương đất nước.