Tháng 5 nhớ Bác

10:09, 17/05/2017

Trong hành trình theo Đoàn Hội Cựu Chiến binh tỉnh về thăm lại chiến trường xưa dịp nghỉ Lễ 30-4 mới đây, chúng tôi lại về Làng Sen, quê nội của Bác Hồ tại xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An). Mặc dù đã nhiều lần đến nơi đây, nhưng lần nào trở lại cũng thấy cảm giác ấm áp lạ thường. Từng hiện vật nơi đây đều gợi cho chúng tôi nhớ về Bác - vị Cha già kính yêu của dân tộc.

Bầu trời Làng Sen hôm nay trong xanh vời vợi, hương sắc sen hồng tỏa ra từ phía ao làng. Những đóa sen vươn cao tắm nắng ban mai thơm ngát quyện vào không gian đầy ăm ắp hương lúa ngày mùa. Từng đoàn người về thăm quê Bác, không ai bảo ai lặng lẽ xếp thành hàng vào viếng Bác. Hòa chung vào dòng người, đoàn chúng tôi nâng nhẹ từng bước chân, đi thật chậm vào Nhà tưởng niệm Bác, dâng lên ban thờ Bác những đóa hoa Huệ thơm ngát, loài hoa mà khi còn sống Bác rất thích. Và lòng tự nhủ phải luôn cố gắng luyện rèn để xứng đáng với công ơn trời biển của Bác. Dâng hương tại Nhà tưởng niệm xong, chúng tôi sang ngôi nhà lá 5 gian mà thời ấu thơ Bác đã sống (từ năm 11 đến 16 tuổi). Ngôi nhà được người dân làng Sen dựng lên để mừng ông Nguyễn Sinh Sắc thi đỗ Phó bảng Khoa thi Hội năm 1901.

 

Vẫn còn đó những hàng râm bụt đỏ hoa tươi, nếp nhà tranh giản dị, bên trong ngôi nhà là những vật dụng đơn sơ: Hai bộ phản gỗ nơi nghỉ của cụ Phó Bảng; chiếc giường nằm của bà Thanh - con gái cụ; chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng. Lời của chị hướng dẫn viên dịu ngọt, đặc trưng của người miền quê vùng miền xứ Nghệ kể về gia đình cũng như thời niên thiếu vất vả thiếu thốn của Bác: “Tuổi thơ của Bác ở đây, một tuổi thơ êm đềm trôi trong sự giáo dục nghiêm cẩn của cha và tình yêu thương, cũng như đức hy sinh cao cả của mẹ. Mẹ Bác, bà Hoàng Thị Loan, một người mẹ tảo tần và vĩ đại, đã hết lòng vì chồng vì con, mặc dù vất vả trăm bề vì cuộc mưu sinh, nhưng vẫn toàn tâm lo cho chồng ăn học thành tài và chăm lo đàn con nhỏ. Bà mất vì lao lực, vì làm việc quá sức. Khi mất vẫn không nhìn thấy mặt chồng, để lại cho đàn con niềm tiếc thương vô hạn”…

 

Đoàn Cựu chiến binh tỉnh Thái Nguyên dâng hương tưởng nhớ Người.

 

Sau từng lời của chị hướng dẫn viên, các thành viên trong đoàn mắt ai cũng nhòe lệ. Bà Phạm Thị Mùi, ở phường Gia Sàng, T.P Thái Nguyên thốt lên: “Thương Bác quá! Cả đời Bác chưa được một phút giây vui sướng, thảnh thơi!” Đứng cạnh bà Mùi là cựu chiến binh Nguyễn Văn Điếu, cùng ở phường Gia Sàng, ông nói như nghẹn lại: Bác mất năm 1969, khi đó tôi đang chiến đấu ở mặt trận tỉnh An Giang. Nghe tin Bác mất, cả đơn vị tôi đều khóc. Trong đơn vị có một đồng chí lưu giữ tấm hình Bác, khổ rất nhỏ, đơn vị lấy ra rồi đặt lên một phiến đá để làm Lễ truy điệu Bác. Tôi thấy rất xúc động khi hôm nay được đến thăm quê nội của Bác - Làng Sen..

 

Xung quanh ngôi nhà cây cối đều tốt tươi, chúng tôi bắt gặp chị làm vườn, chị bảo: Mặc dù thời ấu thơ Bác sống tại đây, nhưng vì bận việc nước nên những lần Bác về thăm quê rất ít ỏi. Nhưng trong một lần về thăm, khi qua khu vườn rộng này Bác dặn không được trồng những loại cây cảnh xa hoa mà nên trồng những loại cây lương thực vì chúng ta còn đói khổ.Thực hiện lời dạy của Người, chúng tôi luôn trồng, chăm sóc vườn rau, luống khoai xanh mướt lá.

 

Theo mạch nguồn cảm xúc, trên đường trở về, chúng tôi lại được bác tài xế mở đoạn băng ghi bài nói chuyện chuyên đề Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo về tấm gương của Người, trong đó có những câu chuyện hết sức cảm động như: chuyện Bác nhường cơm, xẻ áo cho bộ đội; hay Bác dành dụm từng đồng lương để biếu các cụ già, trẻ nhỏ; Bác mặc chiếc áo đã xờn vai…vì Bác thương dân ta vẫn còn nghèo. Bất chợt tôi nghĩ đến những câu thơ trong bài thơ Bác ơi của Nhà thơ Tố Hữu: “… Bác để tình thương cho chúng con/ Một đời thanh bạch chẳng vàng son/ Mong manh áo vải hồn muôn trượng/ Hơn tượng đồng phơi những lối mòn...”.