Trường Sa luôn trong tâm mỗi người

16:31, 01/05/2017

Có tên trong danh sách 21 cán bộ của tỉnh Thái Nguyên do Đại tá Đỗ Đại Phong, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh dẫn đầu tham gia đoàn công tác của Quân chủng Hải quân ra thăm và động viên quân, dân trên huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1/9 (Khánh Hòa) dịp này, ai trong chúng tôi cũng thể hiện sự xúc động và háo hức bởi lần đầu được ra Trường Sa. Vinh dự hơn khi chuyến hải trình dài ngày trên biển của chúng tôi lại đúng vào dịp cả nước đang hướng về Kỷ niệm 42 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30-4) và ngày truyền thống lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam (7-5).

Đến với Trường Sa thân yêu, ngoài mang theo hơi ấm đất liền, đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên còn chuẩn bị rất nhiều phần quà tặng cán bộ, chiến sĩ và người dân trên quần đảo. Theo Đại tá Đỗ Đại Phong, lần ra đảo này, tỉnh đã quyết định chuyển số tiền 200 triệu đồng ủng hộ Trường Sa, huyện Định Hóa cũng chuyển 100 triệu đồng ủng hộ quân dân trên đảo. Ngoài ra, các thành viên trong đoàn công tác của tỉnh cũng đóng góp 150 kg chè đặc sản Tân Cương cùng hàng trăm gói hạt giống rau các loại và nhiều vật dụng, nhu yếu phẩm khác. Cùng với Thái Nguyên, các đoàn tham gia lần này đều chuẩn bị rất nhiều hàng hóa, vật dụng thiết thực làm quà cho cán bộ, chiến sĩ, từ máy lọc nước tinh khiết, quạt điện, đồ gia dụng, đến các sản phẩm bếp núc, gia vị phục vụ bữa ăn hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ ngoài đảo…

 

Đúng 6 giờ sáng 29-4, tại Quân cảng Lữ đoàn 125, trước khi chính thức khởi hành ra Trường Sa, Bộ tư lệnh Hải quân vùng 2 (T.P Hồ Chí Minh) đã tổ chức Lễ dâng hương tại Tượng đài đoàn tàu không số Anh hùng, tưởng niệm các chiến sĩ hải quân Đoàn tàu không số năm xưa (Lữ đoàn 125 ngày nay) đã anh dũng hy sinh khi làm nhiệm vụ chi viện cho chiến trường miền Nam. Trên con tàu Kiểm ngư hiện đại mang số hiệu KN 290, đoàn công tác do Đại tá Đỗ Tấn Hồng, Phó chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải quân dẫn đầu gồm hơn 300 thành viên thuộc các đơn vị: Công đoàn ngành Y tế Việt Nam, Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương, Bệnh viện Bạch Mai, tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ…  cùng các phóng viên báo chí đã chính thức khởi hành lúc 8 giờ. Ngày xuất phát cũng là ngày rất đặc biệt không chỉ với lực lượng Hải quân nhân dân Việt Nam mà còn khó quên với tất cả con dân đất Việt, đó là ngày cách đây 42 năm, chúng ta đã giải phóng hoàn toàn Trường Sa khỏi Ngụy quyền Sài Gòn.

 

 

Hơn hai ngày đầu hành quân trên biển, thời tiết khá thuận lợi, trời nắng đẹp, mây trong xanh, sóng biển vỗ nhẹ mạn tàu. Tuy nhiên, càng ra ngoài khơi xa, gặp gió to, sóng xô càng mạnh, do chưa quen với chuyến đi biển dài ngày nên nhiều thành viên trong đoàn đã bị say sóng. Mặc dù vậy, trong các buổi sinh hoạt văn nghệ sau bữa cơm tối tại boong tàu (ảnh trên) ai cũng tỏ ra háo hức, quên mệt nhọc, sôi nổi đăng ký tham gia. Tại đây, dưới sự dẫn dắt dí dỏm, thông minh cùng cái duyên của MC không chuyên Phùng Tuấn Dũng đến từ Tân Cảng Cát Lái, các tổ văn nghệ đại diện các đoàn tham gia đã thể hiện rất nhiều ca khúc, tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn” tuy giản dị nhưng đầy ý nghĩa. Đáng nhớ nhất là nhóm văn nghệ của Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương, Công đoàn ngành Y tế, tỉnh Thái Nguyên, Phú Thọ với các tiết mục hướng về Trường Sa, biển đảo quê hương. Trưởng đoàn công tác Bệnh viện Tai - Mũi - Họng Trung ương, bác sỹ, Giám đốc Bệnh viện Võ Thanh Quang chia sẻ: Được ra Trường Sa là điều mơ ước của anh em chúng tôi. Bởi thế ngay từ nhà chúng tôi đã chuẩn bị mang theo nhạc cụ gồm đàn ghi ta, trống, lắc… để biểu diễn cho cán bộ, chiến sĩ và người dân trên đảo. Mong muốn của chúng tôi là được thể hiện tấm lòng trân trọng và biết ơn của đất liền, hậu phương quê nhà đối với quân, dân đang ngày đêm vất vả bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Trong hành trình ra đảo, điều chúng tôi đặc biệt ấn tượng đó là hệ thống Đài chỉ huy hành quân trên tàu với hàng chục chiếc loa truyền thanh lắp đặt tại tất cả các khoang, buồng, phòng của tàu để có thể liên tục phát các chương trình, bản tin tuyên truyền về biển đảo, giới thiệu chi tiết các điểm đảo, công tác bảo vệ chủ quyền biển đảo của lực lượng hải quân và ngư dân địa phương, tiềm năng thế mạnh kinh tế biển cùng những bài hát đặc sắc ca ngợi chiến công của Hải quân nhân dân Việt Nam, tình yêu quê hương đất nước, yêu đồng chí, yêu đồng bào… Trong đó, bản tin chiều luôn thu hút được sự chú ý của các thành viên trong đoàn. Sau khi nghe bản tin Trường Sa chiều 30-4, bà Lộc Kim Tuyết, Phó Chủ tịch UBND huyện Định Hóa, thành viên trong đoàn công tác của tỉnh ra Trường Sa lần này tâm sự: Tôi đã nghe nhiều về biển đảo Trường Sa trên các phương tiện thông tin đại chúng, tư liệu sách báo, song trên hải trình ra với Trường Sa lần này lại trực tiếp được nghe bản tin cập nhật về lịch sử, tình hình thời sự Trường Sa thực sự đã làm tôi xúc động. Biển đảo Tổ quốc luôn trong tâm trí tôi. Sau chuyến đi này, tôi muốn góp công sức của mình cùng Đảng bộ, chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng đến đồng bào các dân tộc trong tỉnh về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Việt Nam, đồng thời có những hành động, việc làm cụ thể, thiết thực hướng về Trường Sa.

 

Sau hơn hai ngày đêm lênh đênh trên biển, vượt chặng đường dài hơn 300 hải lý, ngày 1-5, đoàn công tác đã đến được cụm đảo đầu tiên theo đúng hải trình đã định sẵn. Đó là cụm đảo Đá Lớn B, A và C. Với vị trí chiến lược về phòng thủ biển lẫn phát triển kinh tế, đảo Đá Lớn có tầm quan trọng đặc biệt trong quần đảo Trường Sa.