Vì Trường Sa yêu thương

11:09, 15/05/2017

Tiếp tục hành trình ra thăm, động viên, tặng quà quân và dân trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, trong ba ngày 11, 12, 13-5, Đoàn công tác số 11 đã đến các đảo: Len Đao, Sinh Tồn, Trường Sa Đông, Đá Tây A, Đá Lát và Trường Sa. Những tên đảo thân thương như gắn bó tự bao giờ, tình cảm luyến lưu của bộ đội, nhân dân trên các đảo níu giữ chúng tôi chẳng muốn rời...

Vào thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các đảo, điểm đảo, điều gây ấn tượng nhất với chúng tôi là tình cảm quân dân gắn bó thắm thiết giữa trùng khơi. Trên vùng biển xung quanh các đảo có rất nhiều tàu cá của ngư dân đánh bắt xa bờ. Những con tàu mang biển hiệu của các tỉnh Phú Yên, Bình Thuận, Bình Định, Khánh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết... ngày đêm bám biển buông lưới tìm luồng cá. Bà con ngư dân được lực lượng Hải quân và Trung tâm dịch vụ hậu cần - kỹ thuật nghề cá trên các đảo bảo vệ an toàn và sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ sửa chữa tàu thuyền, máy móc thiết bị, cấp nước ngọt miễn phí, bán dầu theo giá quy định như trong đất liền. Đối với những hộ dân sinh sống trên xã đảo Sinh Tồn, thị trấn Trường Sa được hỗ trợ xây dựng nhà ở và ngư cụ đánh bắt hải sản để ổn định cuộc sống. Nhờ vậy, bà con ngư dân luôn yên tâm bám biển, bám đảo, góp phần khẳng định và giữ vững chủ quyền biển, đảo quê hương.

 

Lật giở cuốn sổ thống kê công việc hàng ngày, anh Trần Trọng Thái, cán bộ Trung tâm Dịch vụ hậu cần - kỹ thuật trên đảo Sinh Tồn thông tin với chúng tôi: Mặc dù mới đi vào hoạt động từ tháng 12-2016 nhưng đến nay, Trung tâm đã sửa chữa miễn phí cho 40 tàu cá của ngư dân các tỉnh; cung cấp miễn phí trên 100m3 nước ngọt và bán hàng trăm tấn dầu cho bà con theo đúng giá quy định. Âu tàu trên đảo mới được đầu tư cải tạo, nâng cấp, đủ khả năng tiếp nhận cùng lúc hơn 50 tàu vào tránh trú bão, tiếp nhiên liệu để bà con ngư dân tiếp tục bám biển...

 

Đối với các đảo không có âu tàu, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cũng sẵn sàng cung cấp miễn phí nước ngọt, khám chữa bệnh, san sẻ lương thực, thực phẩm cho ngư dân và kịp thời cứu nạn, cứu hộ trên biển. Trung tá Đỗ Thế Tuyến, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa (đảo Trường Sa) nhớ mãi hồi cuối tháng 11-2016, nhận được tin báo, anh đã điều động cán bộ, chiến sĩ khẩn trương ra biển cứu sống được 5 ngư dân trên một chiếc tàu bị lật do sóng dữ, kéo tàu vào đảo an toàn. Tại đảo Đá Lát, trong năm 2016 và 3 tháng đầu năm 2017, lực lượng Quân đội đã khám, điều trị bệnh cho hơn 210 ngư dân; cứu hộ 1 tàu cá bị nạn trên biển; hỗ trợ 300 lít nước ngọt và hàng trăm cân gạo, rau xanh cho ngư dân; xác nhận cho 475 lượt tàu cá Việt Nam ra đánh bắt hải sản tại khu vực đảo đúng quy định của pháp luật, trở thành chỗ dựa vững chắc cho ngư dân yên tâm bám biển, bám đảo mỗi khi ra khơi.

 

Còn Bác sĩ, Thiếu tá Phạm Tuấn Vũ (được tăng cường từ Bệnh viện Quân y 7A thuộc Quân khu 7 ra Bệnh xá đảo Trường Sa Đông) cho biết: Năm 2016, Bệnh xá đã tiến hành mổ cho 4 bệnh nhân bị đau ruột thừa, trong đó có 3 trường hợp là ngư dân đi biển đánh bắt cá xa bờ; khám chữa bệnh cho gần 100 trường hợp. Được cấp cứu, khám chữa bệnh kịp thời, bà con biết ơn bộ đội lắm, thường xuyên lên đảo thăm hỏi, động viên anh em. Với những người lính chúng tôi, đây là điều đáng trân quý nhất... Vâng, còn gì cao đẹp hơn tình quân dân “cá - nước” giữa trùng khơi bão gió luôn bủa vây. Thực hiện nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo, cùng với công tác huấn luyện, nâng cao tinh thần cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu, các lực lượng chức năng trên từng hòn đảo, điểm đảo luôn đặt lên hàng đầu hai chữ “VÌ DÂN”...

 

Nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Tây A được đầu tư xây dựng từ chương trình

“Góp đá xây Trường Sa” do Quân chủng Hải quân và Báo Tuổi trẻ phát động.

 

Quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa là một phần lãnh thổ thiêng liêng không thể tách rời của Tổ quốc. Mỗi rặng san hô, bãi cát, nhành cây ở đây đều mang hồn thiêng sông núi, thấm đẫm bao mồ hôi, xương máu của các thế hệ người dân đất Việt. Tiếp bước truyền thống cha ông, noi gương các Anh hùng liệt sĩ đã ngã xuống trên vùng biển, đảo thân yêu, từ ngày giải phóng (29-4-1975) đến nay, được sự quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp, ngành chức năng, với nghĩa tình “Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa”, quân và dân Trường Sa đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, lao động, cống hiến quên mình, góp phần xây dựng quần đảo ngày càng phát triển vững chắc, mạnh về quốc phòng - an ninh.

 

Đứng trên nóc Nhà văn hóa đa năng của đảo chìm Đá Tây A, phóng tầm mắt ra bốn bề sóng nước, Trung tá Trần Vũ Kiên, Chính trị viên của đảo xúc động chia sẻ: 3 công trình nhà văn hóa đa năng trên 3 đảo Đá Tây A, B, C được đầu tư xây dựng từ chương trình “Góp đá xây Trường Sa” do Quân chủng Hải quân và Báo Tuổi trẻ (cơ quan của Thành đoàn T.P Hồ Chí Minh) phát động từ giữa năm 2011, với tổng trị giá hàng tỷ đồng. Có nhà văn hóa, các cán bộ, chiến sĩ và bà con ngư dân vào đảo tránh trú bão có thêm điều kiện thuận lợi phục vụ đời sống sinh hoạt... Chúng tôi đã được đọc những dòng tâm sự, sẻ chia đầy xúc cảm của nhiều người khi tham gia đóng góp thực hiện chương trình này.

 

Trong đó, cụ Nguyễn Thị Lan, hơn 80 tuổi, một cựu chiến binh ở T.P Hồ Chí Minh - người đóng góp 100 triệu đồng ủng hộ chương trình - đã viết: “Tôi hơn 80 tuổi rồi, muốn lắm nhưng chắc không còn sức ra tới Trường Sa thăm anh em nữa. Đây là số tiền dành để dưỡng già, tôi mong được góp sức vì Trường Sa, như là trách nhiệm của một người dân với đất nước". Còn cụ Nguyễn Thị Lý, 82 tuổi, cùng 3 nữ cựu chiến binh khác ở quận Hải Châu (T.P Đà Nẵng) tham gia ủng hộ chương trình, thì viết: “Chị em chúng tôi là những người cầm súng trong kháng chiến chống Mỹ, đã bước ra từ cuộc chiến nên hiểu tất cả mọi gian truân của người lính, nhất là với các anh em đang ngày đêm canh giữ nơi Trường Sa. Hơn ai hết chúng tôi phải có nghĩa vụ đóng góp vì Trường Sa. Chị em chúng tôi tin rằng phần quà nhỏ bé của mình như lời động viên làm ấm lòng các chiến sĩ nơi đảo xa đang đối diện với hiểm nguy để bảo vệ từng tấc đấc, tấc biển của cha ông”... 

 

Còn nhiều lắm những tấm lòng “cả nước vì Trường Sa” được thể hiện bằng nhiều việc làm, hành động cụ thể, đang ngày đêm góp sức để quân và dân nơi đảo tiền tiêu vơi bớt khó khăn, nỗi nhọc nhằn, quyết tâm hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ bảo vệ biển, trời quê hương, xây dựng mỗi hòn đảo, điểm đảo trở thành một pháo đài vững chắc giữa trùng khơi. Ngay trong chuyến hành trình lần này của chúng tôi, cùng với hàng chục tấn quà (gồm đồ điện tử, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm...) được chuyển ra các đảo, điểm đảo, nhà giàn tặng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, Kho bạc Nhà nước Việt Nam đã trao tặng tượng trưng 3,5 tỷ đồng để xây dựng Nhà văn hóa đa năng tại thị trấn Trường Sa. Chuẩn Đô đốc Đoàn Văn Chiều, Phó Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác xúc động nói: Những món quà, sự sẻ chia ấm áp nghĩa tình từ đất liền gửi ra chính là nguồn động viên to lớn để  các chiến sĩ thêm vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió, chắc tay súng canh giữ biển, trời của Tổ quốc thân yêu...

 

Khi tàu chở Đoàn công tác rời cầu tàu thị trấn Trường Sa vào tối 13-5, hướng về phía Nhà giàn DK1/7 trên bãi Huyền Trân, cả người ở, người đi cùng hô vang mãi “Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa”.