Một năm trôi qua, cuộc thi báo chí về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trên báo Thái Nguyên tiếp tục được duy trì.
Ngược thời gian, từ tháng 5-2016, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TW về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã có nhiều văn bản hướng dẫn việc học tập và làm theo. Nắm chắc các chuyên đề của năm, đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của Báo Thái Nguyên đã nghiêm túc học tập, sinh hoạt theo chuyên đề, gắn với thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Không những thế, họ còn tiếp tục làm “phận sự” của những người lính xung kích của Đảng, phát hiện trong cuộc sống những người tốt việc tốt, tiếp cận và tôn vinh họ bằng nhiều bài viết. Từ đó, đã khuyến khích, động viên, nhân lên việc hay người tốt, làm cho cuộc sống ngày càng đẹp hơn.
Sau gần 1 năm, cuộc thi viết về “Học tập và làm theo tư tưởng đạo đức phong cách Hồ Chí Minh” đã có gần 100 bài được đăng. Những cá nhân, tập thể được đề cập đến trong các tác phẩm hiện diện khắp nơi, họ làm việc ở nhiều lĩnh vực, nghề nghiệp và có muôn vàn cách học theo Bác.
Ta bắt gặp trong bài viết, có thể là một phụ nữ nghèo, như bà Đỗ Thị Tâm, 60 tuổi, xóm Trung Thành, xã Vô Tranh (Phú Lương). Không chỉ nghèo, bà còn là người bất hạnh vì cả chồng và 3 người con đều không được “bình thường”, rồi họ sớm bỏ bà đi, để tuổi già của bà trong vất vả cơm áo với một người con “có lớn mà chẳng có khôn”. Ấy vậy mà, tấm “lá rách” ấy vẫn cố đùm cho những chiếc “lá rách” hơn bằng việc làm từ thiện. Bà tâm sự: “Nếu như khổ ải cho tôi thấy giá trị của hạnh phúc thì đói nghèo giúp tôi hiểu hơn về phẩm giá con người. Đói cho sạch - rách cho thơm, càng nghèo đói càng phải giữ gìn nhân cách và lòng tự trọng”. Họ cũng có thể là một giáo viên như cô Trần Thị Tiến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phú Xá (T.P Thái Nguyên). Cô giáo Tiến làm nghề với suy nghĩ giản dị: Khi đứng trước học sinh mình phải là tấm gương sáng. Muốn vậy, người thầy phải chuẩn mực cả trong chuyên môn, trong phong thái và cách sống. Họ có thể là một lương y người dân tộc thiểu số như ông Vy Chính Quyền, dân tộc Sán Chí ở xóm Pháng 2, xã Phú Đô (Phú Lương) - người có 42 năm gắn bó với nghề chữa bệnh bằng thuốc Nam. Đó có thể là nhiều hộ dân của thị trấn Hương Sơn và xã Xuân Phương (Phú Bình) hiến “tấc vàng” của mình cho tuyến đường nối liền 2 địa phương này.
Ngoài các điển hình là cá nhân học và làm theo Bác, còn có tập thể người dân tộc thiểu số trên địa bàn các huyện miền núi, vùng cao nuôi ý chí và khát vọng làm giàu, bỏ tư tưởng trông chờ ỷ lại vào Nhà nước, học theo Bác “Không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền”…
Đọc những bài viết của các phóng viên, cộng tác viên, tôi mường tượng ra dấu chân họ in trên khắp nẻo đường. Họ đến lũng núi Thần Sa bồng bềnh mây phủ tìm gặp lão nông, đảng viên 55 năm tuổi Đảng Hoàng Văn Tình, người lặng lẽ ươm mầm xanh làm nên những cánh rừng. Họ tiếp cận công việc của người lính cảnh sát hình sự, kịp thời biểu dương Trung tá Trần Minh Cường, Đội trưởng Đội hướng dẫn án xâm phạm nhân thân, Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội (Phòng PC 45 - Công an tỉnh). Họ đến các xóm bản khó khăn như bản Pác Máng cách trung tâm xã Định Biên gần 5 cây số đường rừng tìm gặp gia đình chị Nguyệt (Bí thư Chi bộ), anh Thu (nguyên Trưởng bản), vợ chồng anh chị đã khai thông đường về bản Pác Máng, vận động bà con định canh, định cư, buông lưỡi hái, dao phát, hạ sơn để cầm cày làm lúa nước, trồng rừng để an cư, lạc nghiệp.
Trong số gần 40 phóng viên, cộng tác viên có bài dự thi, có thể kể đến một số cây bút tham gia rất nhiệt tình, như: Phạm Ngọc Chuẩn (13 bài); Trinh An (6 bài); Trần Quyền (3 bài); Quỳnh Trang (3 bài)… Điều đáng mừng là số cộng tác viên có bài dự thi tăng hơn so với các năm trước. Đã có 11 cộng tác viên với 14 tác phẩm đóng góp cuộc thi này.
Mặc dù đã đạt được không ít thành công, nhưng cuộc thi báo chí về “Học tập, làm theo tư tưởng đạo, phong cách đức Hồ Chí Minh” năm qua cũng có điều chưa làm những người tổ chức hài lòng. Đó là còn thiếu vắng những tập thể điển hình học và làm theo Bác; chưa có bài viết bám sát chuyên đề, nhất là chuyên đề năm 2017 “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về phòng, chống suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến, tự chuyển hóa” trong nội bộ”. Hầu hết các bài viết còn giản đơn về cách thể hiện, đi theo lối mòn nhiều năm trước.
Dường như còn mảng đề tài lớn nhưng những người viết chưa thực sự quan tâm tìm hiểu. Đó là việc “cán bộ, công chức, viên chức, người đứng đầu các cơ quan Nhà nước cần tập trung vào việc đổi mới phong cách, tác phong công tác, tôn trọng dân, gần dân, sát dân, lắng nghe, đối thoại với nhân dân; chống bệnh thành tích, hình thức; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiêu cực, tham nhũng; nâng cao tinh thần trách nhiệm, quyết liệt trong công việc, "nói đi đôi với làm". Tập trung chỉ đạo, giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, nổi cộm mà nhân dân quan tâm, góp phần thúc đẩy hoàn thành nhiệm vụ chính trị…”. Đây là yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 27/CT-TTg ngày 8-9-2016 về Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Để xây dựng một chính phủ kiến tạo và liêm chính rất cần những cán bộ có đạo đức công vụ như vậy.
Với tầm nhìn bao quát, tin rằng những người viết báo ở Thái Nguyên sẽ tiếp tục phát hiện, làm nở rộ hơn nữa vườn hoa việc tốt, để “cả dân tộc ta là một rừng hoa đẹp” như mong muốn của Bác Hồ.