Trên hành trình ra thăm, động viên, tặng quà quân và dân trên quần đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1, trong hai ngày 9 và 10-5, Đoàn công tác số 11 đã đến các đảo: Song Tử Tây, Đá Thị, Sơn Ca, Đá Nam. Trên mặt biển xanh bao la, các đảo, điểm đảo hiện lên sừng sững, vững vàng giữa trùng khơi. Các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo đón Đoàn nồng ấm nghĩa tình.
Vừa vào đảo Song Tử Tây, chúng tôi được chứng kiến khung cảnh thật cảm động: Các cháu nhỏ vây quanh gần 10 chiến sĩ Hải quân, đọc cho các chú nghe những câu thơ ca ngợi người lính biển và niềm tự hào về biển đảo quê hương. Giọng đọc của các cháu có đôi chút ngọng nghịu, nhưng vẫn khiến người nghe xúc động rưng rưng. Được biết, các cháu là con những gia đình ngư dân sống trên đảo. Ngày ngày, bố mẹ đi biển đánh bắt cá, các cháu học tại Trường Tiểu học trên đảo, ngoài giờ học thường được nghe các chú bộ đội kể chuyện, dạy hát và các trò chơi. Nhờ vậy, tình cảm quân dân càng thêm gắn bó. Cháu Nguyễn Trương Quỳnh Thư, học lớp 2, con của anh Nguyễn Thành Trung và chị Trương Thị Thanh, bẽn lẽn khi thấy khách lạ, nhưng khi được các chú bộ đội khuyến khích đã đọc liền một mạch bài thơ “Quê em Trường Sa” (được thầy giáo dạy) cho chúng tôi nghe, trong đó có những câu thơ thật cảm động và ý nghĩa: “Quê em ở Trường Sa/ Những đảo chìm, đảo nổi/ Quê em có biển trời/ Với màu xanh bao la/ Quê em ở Trường Sa/ Em là con của biển/ Những chuyến tàu quê hương/ Mang hơi ấm đất liền... Mỗi bước em đến trường/ Phong ba rợp bóng mát/ Chú Hải quân đứng gác/ Thân thương quá đi thôi/ Yêu lắm Trường Sa ơi/ Cho em những nụ cười”...
Thượng tá Trương Sỹ Nam, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND xã đảo Song Tử Tây chia sẻ: Song Tử Tây là một đảo lớn có vị trí địa lý quan trọng về an ninh - quốc phòng trên biển khu vực phía Bắc quần đảo Trường Sa. Trên đảo, âu tàu mới được xây dựng với sức chứa 80-100 tàu cá vào tránh trú bão và thực hiện các dịch vụ hậu cần nghề cá; làng chài có thể bảo đảm cùng lúc cho hàng trăm ngư dân ăn nghỉ tại đảo. Để phục vụ đời sống tinh thần của bộ đội và nhân dân, đảo đã được đầu tư xây dựng sân bóng đá, bóng chuyền, thư viện. Đặc biệt, Bệnh xá ở đây với quy mô 12 giường bệnh, có nhiều trang thiết bị hiện đại có thể cấp cứu, xử lý những trường hợp ngư dân bị tai nạn thương tích trên biển... Cùng với thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc vùng biển, đảo được phân công, các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Trạm dịch vụ hậu cần nghề cá trên đảo luôn kịp thời giúp đỡ, hỗ trợ ngư dân sửa chữa tàu đánh cá, cung cấp miễn phí nước ngọt, cấp bán dầu theo đúng giá quy định để bà con tiếp tục bám biển đi tìm những luồng cá mới. Trong năm 2016 và 4 tháng đầu năm 2017, lực lượng chức năng trên đảo đã hướng dẫn cho gần 200 lượt tàu đánh cá ra vào âu tàu an toàn, cấp bán trên 22 nghìn lít dầu, cấp gần 80m3 nước ngọt cho hơn 40 tàu, sửa chữa gần 20 tàu bị hỏng; khám chữa bệnh cho hơn 300 lượt ngư dân bị bệnh khi đến đánh bắt hải sản tại vùng biển này, cấp cứu 19 bệnh nhân. Với các loại thực phẩm tăng gia được không chỉ cải thiện bữa ăn hàng ngày của bộ đội mà còn hỗ trợ thêm cho ngư dân. “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” - cả những người lính trẻ cùng nhân dân trên đảo đều xác định rõ, quyết tâm thực hiện mục tiêu ấy, để vùng đảo thân yêu luôn vững vàng giữa trùng khơi. Và, trên ngư trường đánh bắt xa bờ, bà con ngư dân chính là những “cột mốc sống” khẳng định chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi “Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020”...
Tại đảo Sơn Ca, ấn tượng nhất với chúng tôi là bóng xanh rợp mát của các loại cây trồng, vọng trong thinh không tiếng chuông chùa ngân nga. Giữa đảo, lá cờ Tổ quốc kiêu hãnh tung bay trong gió. Thượng tá Vũ Duy Khánh, Chính trị viên của đảo thông tin: Sơn Ca là đảo lớn có vị trí quan trọng trong khu vực 2; là chốt tiền tiêu, đồng thời khẳng định chủ quyền của Việt Nam ở quần đảo Trường Sa. Để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo thường xuyên tổ chức lực lượng trực chiến, tuần tra canh gác, quan sát phát hiện các mục tiêu trên biển, trên không, báo cáo kịp thời về sở chỉ huy các cấp, xử lý đúng đối sách, giữ vững chủ quyền vùng biển, đảo được phân công. Cùng với đó, lực lượng vũ trang trên đảo cũng tập trung hướng dẫn ngư dân Việt Nam đánh bắt hải sản an toàn trong khu vực do đảo quản lý, kịp thời hỗ trợ nước ngọt và khám chữa bệnh để bà con yên tâm bám biển. Từ đó tình cảm quân dân càng thêm gắn bó...
Bác sĩ, Thiếu tá Vũ Tiến Hoạt, Bệnh xá trưởng đảo Sơn Ca cho biết thêm: Riêng từ đầu năm 2017 đến nay, Bệnh xá đã mổ ruột thừa cho 3 ngư dân ở các tỉnh Bình Thuận, Quảng Ngãi và T.P Hải Phòng; cấp cứu kịp thời cho ngư dân Nguyễn Văn Vàng (34 tuổi, ở tỉnh Bình Định) bị giảm áp do lặn quá sâu dưới biển.
Giờ học của các trò lớp tiểu học trên xã đảo Song Tử Tây.
Đối với 2 đảo chìm là Đá Nam và Đá Thị, tuy điều kiện cơ sở vật chất phục vụ đời sống sinh hoạt còn nhiều khó khăn, vất vả nhưng các cán bộ, chiến sĩ luôn nỗ lực vượt qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Rau xanh được tận dụng trồng trong các loại thùng, hộp, góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày; nước ngọt tích trữ đủ dùng trong suốt mùa khô. Hạ sĩ trẻ Đỗ Xuân Nam, quê ở T.P Biên Hòa (Đồng Nai), đang làm nhiệm vụ tại đảo Đá Thị, dẫn chúng tôi thăm vườn rau được trồng trong một chiếc thùng ghép bằng mấy tấm tôn, gác lơ lửng cách mặt đảo khoảng 2m. Anh kể tỉ mỉ cách trồng, chăm sóc để có đủ rau xanh ăn quanh năm trên một đảo chìm, tất nhiên là rất vất vả và kỳ công. Chúng tôi, ai cũng thán phục ý chí, nghị lực của những người lính trẻ. Vì nhiệm vụ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc, các anh sẵn sàng có mặt ở những nơi gian nguy, nhưng nụ cười lạc quan luôn thường trực trên khuôn mặt sạm nắng gió của mỗi người...
Trong chuyến hành trình lần này, hàng chục tấn quà (gồm đồ điện tử, lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm...) được chuyển ra các đảo, điểm đảo, nhà giàn tặng các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, thể hiện tình cảm, tấm lòng “cả nước vì Trường Sa”. Tại các đảo, Chuẩn Đô đốc Đoàn Văn Chiều, Phó Chủ nhiệm Chính trị Hải quân, Trưởng đoàn công tác đều ghi nhận sự nỗ lực, quyết tâm vượt qua khó khăn, thử thách để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, ổn định đời sống của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang cũng như bà con nhân dân. Chuẩn Đô đốc nhấn mạnh vấn đề giữ vững môi trường hòa bình, ổn định trên biển, góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Yêu cầu nhiệm vụ đặt ra trong tình hình hiện nay rất nặng nề, đòi hỏi mỗi cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang tiếp tục nêu cao tinh thần cảnh giác, tăng cường tu dưỡng, rèn luyện, huấn luyện tốt, xử lý kịp thời, hiệu quả mọi tình huống xảy ra trên vùng biển, đảo được phân công... Đây cũng là niềm tin từ đất liền hướng về các chiến sĩ đang ngày đêm chắc tay súng canh giữ biển trời quê hương, vững vàng nơi đầu sóng ngọn gió.