Xanh thắm đảo nổi Nam Yết, Sơn Ca

15:00, 04/05/2017

Trong hệ thống các đảo ở Trường Sa của chúng ta, hai đảo nổi Nam Yết và Sơn Ca được liệt vào những đảo có cảnh quan đẹp và nhiều cây xanh nhất. Gần như toàn bộ khuôn viên đảo được phủ một màu xanh thắm của các loại cây đặc trưng ở biển đảo là bàng quả vuông, phong ba, tra, nhàu, dừa, đại, phi lao… Để duy trì và phát triển cây xanh trên đảo, công tác bảo vệ, chăm sóc luôn được các cán bộ, chiến sĩ đặc biệt chú trọng.  

Trong hệ thống các đảo ở Trường Sa của chúng ta, hai đảo nổi Nam Yết và Sơn Ca được liệt vào những đảo có cảnh quan đẹp và nhiều cây xanh nhất. Gần như toàn bộ khuôn viên đảo được phủ một màu xanh thắm của các loại cây đặc trưng ở biển đảo là bàng quả vuông, phong ba, tra, nhàu, dừa, đại, phi lao… Để duy trì và phát triển cây xanh trên đảo, công tác bảo vệ, chăm sóc luôn được các cán bộ, chiến sĩ đặc biệt chú trọng.

 

Tàu của chúng tôi neo cách Nam Yết và Sơn Ca chừng 0,5 hải lý. Đây là hai đảo cách nhau không xa. Theo lịch trình, chúng tôi vào Nam Yết trước. Từ boong tàu, phóng tầm mắt quan sát, Nam Yết hiện lên như một khu du lịch sinh thái. Nếu dùng máy ảnh có ống tê-lê kéo gần lại, chúng ta dễ dàng nhận thấy, hiện lên giữa màu xanh bạt ngàn là ngọn hải đăng, “mắt thần” không thể thiếu của người đi biển.

 

 

Khi xuồng cập cầu cảng, lối dẫn lên đảo, mọi người có thể tranh thủ chụp những bức hình phong cảnh tuyệt đẹp. Bên bờ cát dài sóng vỗ miên man là những rặng cây phong ba nối nhau kéo xa khuất tầm mắt. Chị Phạm Thị Kim Loan, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Phú Thọ, cùng tham gia chuyến công tác lần này trầm trồ: Trong hình dung của tôi ngoài đảo chắc ít cây xanh vì thời tiết khắc nghiệt, bão giông nhiều nên cây xanh khó tồn tại và phát triển. Tuy nhiên, tôi thật sự bất ngờ với phong cảnh nên thơ, mát dịu khi đến đây.

 

Đảo Nam Yết có diện tích khoảng 10,4ha thì cây xanh chiếm tới gần 2/3. Trong đó, ngoài các cây phong ba, bàng vuông, tra thì dừa là loại cây được trồng nhiều nhất, cũng bởi vậy mà người ta còn đặt cho đảo cái tên thân thưởng: “đảo dừa”. Gần như trong khuôn viên, dọc các đường đi, lối lại trên đảo đều được trồng dừa. Cây dừa xuất hiện ở đây từ lâu, nên thân to, sần sùi, ngọn cao chót vót. Trung tá Nguyễn Văn Thọ, Chỉ huy Trưởng đảo Nam Yết cho biết: Chúng tôi đã phát động phong trào toàn đảo thi đua thực hiện mục tiêu xây dựng “đảo xanh, sạch, đẹp”. Mỗi cán bộ, chiến sĩ phải có trách nhiệm chăm sóc, bảo vệ từ 5 đến 10 cây xanh, không được để cây héo chết hoặc chậm phát triển. Dẫn chúng tôi đi thăm một vòng trên đảo, chiến sĩ Nguyễn Viết Thao tâm sự, chiến sĩ chúng em luôn coi mỗi cây xanh trên đảo như một người bạn, nên rất quan tâm chăm sóc. Một cành cây gẫy vì giông bão cũng làm anh em trong đơn vị xót xa.

 

Lễ duyệt đội ngũ của lực lượng vũ trang trên đảo Nam Yết.

 

Còn ở đảo Sơn Ca, tuy có diện tích nhỏ hơn Nam Yết, song tỉ lệ cây xanh cũng không thua kém là bao. Không nhiều dừa như Nam Yết, nhưng Sơn Ca lại có nhiều phi lao, bàng quả tròn và phong ba. Theo trung tá Phạm Xuân Trung, trên đảo có nhiều cây sống lâu năm, thân to khỏe, cành lá sum suê, rợp bóng mát nên rất thích nghi với điều kiện sinh sống của các loài chim. Đặc biệt, chim sơn ca thường đến đây làm tổ, nuôi con và sinh sống, nên đảo mới có tên gọi Sơn Ca. Ngoài tạo cảnh quan, bóng mát, cân bằng hệ sinh thái, hệ thống cây xanh cổ thụ trên đảo còn làm nhiệm vụ ngụy trang, bảo vệ đảo khỏi sự nhòm ngó của các lực lượng xấu bên ngoài.

 

Trước đây, do cấu tạo đất trên đảo chủ yếu là cát, san hô vụn, không có đất màu, không có nước ngọt nên việc trồng cây xanh gặp rất nhiều khó khăn. Không chịu bó tay trước điều kiện thổ nhưỡng khắc nghiệt, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đảo Sơn Ca đã tích cực lao động cải tạo đất trên đảo. Sau nhiều năm không ngừng cải tạo, từ một đảo cát đến nay Sơn Ca đã trở thành mảnh đất màu mỡ có thể trồng được nhiều loại cây xanh, trong đó có thể trồng được cả rau, củ, quả, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày của cán bộ, chiến sĩ.

 

Được biết, từ năm 2010, đảo Nam Yết đã nằm trong diện nghiên cứu để thành lập Khu bảo tồn biển bao gồm đảo Nam Yết và vùng phụ cận (trong đó có Sơn Ca) với tổng diện tích khoảng 20.000 ha. Theo đại tá Đỗ Tấn Hồng, Phó Chủ nhiệm Hậu cần Quân chủng Hải quân, Trưởng đoàn công tác ra Trường Sa, Quân chủng đang phối hợp xây dựng chương trình du lịch biển Trường Sa trong nay mai. Lúc đó, Nam Yết, Sơn Ca và một số đảo khác trong huyện đảo Trường Sa sẽ là những điểm du lịch lý tưởng. Do vậy, việc phát triển cây xanh ở các đảo như Nam Yết, Sơn Ca là cực kỳ cần thiết và quan trọng.

 

Đoàn công tác đến dâng hương tại Tượng đài cố đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp.

 

Trong buổi lên thăm đảo Nam Yết và Sơn Ca, Đoàn công tác ra thăm, động viên quân, dân trên quần đảo Trường Sa đã may mắn được tham gia Lễ chào cờ, sinh hoạt dưới cờ và dự buổi duyệt đội ngũ của lực lượng vũ trang trên đảo Nam Yết. Sau khi làm việc, thăm hỏi, động viên và tặng quà cán bộ, chiến sĩ trên hai đảo, Đoàn công tác đã đến dâng hương tại Tượng đài cố đại tướng, Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam Võ Nguyên Giáp, viếng mộ các liệt sĩ đã hy sinh bảo vệ Trường Sa, thăm chùa Nam Huyên (Nam Yết) và chùa Sơn Linh (Sơn Ca), xuống bệnh xá của hai đảo thăm hỏi các bệnh nhân là chiến sĩ, ngư dân đang điều trị tại đây…