Bên lề Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIV: Đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công

14:33, 16/06/2017

Sáng 16/6, Quốc hội thảo luận về dự án Luật Quản lý nợ công (sửa đổi). Trao đổi bên lề Kỳ họp, các đại biểu Quốc hội cho rằng, việc sửa đổi Luật là cần thiết nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực quản lý, bảo đảm an toàn, đáp ứng yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình mới.

Theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh), Luật Quản lý nợ công được ban hành từ năm 2009 và có hiệu lực từ năm 2010. Trong hơn 6 năm thực hiện Luật, nợ công tăng rất nhanh. Năm 2010 nợ công khoảng 50% GDP, nhưng đến cuối năm 2015 đã tăng lên 62,8% GDP, như vậy mỗi năm tăng 300 nghìn tỷ đồng. Nợ công tăng nhanh do bội chi ngân sách luôn vượt mức dự toán bởi nhu cầu đầu tư kết cấu hạ tầng cơ sở: giao thông, bến cảng, sân bay,… lớn. Vì vậy, trong 5 năm qua, nợ công tăng bình quân khoảng 18,4%. Mặt khác, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 25/2016/QH14 ngày 9/11/2016 về kế hoạch tài chính 5 năm quốc gia giai đoạn 2016-2020, trong đó xác định trần nợ công là 65% GDP đến cuối năm 2020. “Như vậy, dư địa để Chính phủ thực hiện trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 là rất ít, do đó quản lý, kiểm soát chặt chẽ nợ công cần được quan tâm nhiều hơn. Việc sửa đổi Luật là rất cần thiết để đáp yêu cầu quản lý nợ công trong tình hình hiện nay”, đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích.

 

Ngoài ra, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân, việc nợ công tăng lên không chỉ do Luật hiện hành còn nhiều thiếu sót mà do chi tiêu công, đầu tư công quá lớn mà không đem lại hiệu quả tương thích. Cụ thể, tỷ trọng chi thường xuyên trong tổng chi ngân sách trước đây khoảng 50-55% nhưng đến cuối 2015 đã lên tới 68-69%, tức là chi tiêu thường xuyên cũng vượt mức. Đầu tư phát triển còn nhiều lãng phí. Vì thế kiểm soát, quản lý nợ công không chỉ trông chờ vào Luật Quản lý nợ công mà phải đồng bộ với nhiều Luật hiện hành. Theo đó, các bộ, ngành, địa phương cần thực hiện nghiêm Luật Ngân sách Nhà nước để kiểm soát chi tiêu công, chi tiêu thường xuyên của bộ máy hành chính cồng kềnh; tuân thủ quy định trong Luật Quản lý, sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp để nguồn vốn đầu tư vào đó sinh lời tạo ra nguồn thu, từ đó tăng thu ngân sách nhà nước và giảm bội chi. Các đơn vị cũng cần đẩy nhanh tái cơ cấu, sắp xếp, hợp nhất, giải thể, cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước, tập trung vào giải thể nhanh các doanh nghiệp nhà nước yếu kém. “Đó mới là căn cơ để kiểm soát an toàn nợ công hiện nay”, đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.

 

Về trách nhiệm quản lý nợ công, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, đó là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, trong đó địa phương vay nợ thì lãnh đạo địa phương chịu trách nhiệm về khoản nợ của mình; ở từng dự án, người ra quyết định chủ trương đầu tư cũng phải chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

 

Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, để quản lý nợ công hiệu quả, trách nhiệm vay và trả phải gắn với để kiểm soát thống nhất. Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy kỳ vọng, khi được ban hành, Luật Quản lý nợ công (sửa đổi) không chỉ giúp Nhà nước quản lý chặt chẽ nợ công mà còn là công cụ giúp đại biểu, cử tri giám sát thuận lợi về hoạt động vay, phân bổ, sử dụng vốn vay, trả nợ... tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức.

 

Cho ý kiến về dự thảo Luật, đại biểu Phạm Phú Quốc (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong quản lý, sử dụng nợ công. Bên cạnh đó, những rủi ro như vỡ quỹ bảo hiểm xã hội, khoản bảo lãnh của Chính phủ đối với hệ thống tín dụng ngân hàng, các doanh nghiệp Nhà nước… cần được phân tích cụ thể. “Nếu không đưa những yếu tố rủi ro này vào trong phạm vi điều chỉnh nợ công thì cũng phải có điều luật rõ ràng hoặc quy định cụ thể trong những văn bản dưới luật để quản lý, kiểm soát chặt những nội dung phát sinh này”, đại biểu Phạm Phú Quốc nhấn mạnh./.