Cần đổi mới tư duy và nhận thức

11:03, 14/06/2017

Hội nghị Trung ương 5 (khoá XII) đã ban hành 3 nghị quyết về: "Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa"; "Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước"; "Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa".

Cần nhận thức rõ kinh tế thị trường (KTTT) được thừa nhận là thành tựu chung của nền văn minh nhân loại, không phải là cái riêng của chủ nghĩa tư bản (CNTB) và KTTT không đồng nhất với CNTB. Nền KTTT định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) mà nước ta xây dựng là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, đồng thời bảo đảm định hướng XHCN, phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước, là nền KTTT hiện đại và hội nhập quốc tế, có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền XHCN, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".

 

Nhìn lại lịch sử qua các kỳ đại hội Đảng toàn quốc để thấy rõ hơn việc hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN không đơn giản chút nào.

 

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, sau khi phê phán các thiếu sót, sai lầm chủ quan, Đại hội đã tiến hành công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, trong đó nhấn mạnh phải đổi mới tư duy, trước hết là tư duy kinh tế, phải nắm vững các quy luật khách quan… và nền kinh tế bao cấp đã chấm dứt.

 

Trong Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII đã khẳng định, phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước và khái niệm "định hướng XHCN" được nêu ra trong kế hoạch phát triển kinh tế của đất nước.

 

Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VIII đã khẳng định chủ trương phát triển kinh tế mà Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII nêu ra là đúng đắn và có hiệu quả cụ thể, đồng thời nhấn mạnh: "Việc vận dụng các hình thức kinh tế và phương pháp quản lý nền KTTT là để sử dụng mặt tích cực của nó phục vụ mục đích xây dựng CNXH chứ không phải là đi theo con đường TBCN".

 

Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX (năm 2001), lần đầu tiên Đảng ta đã chính thức khẳng định nền KTTT định hướng XHCN là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ đi lên CNXH.

 

Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X tiếp tục khẳng định đường lối phát triển KTTT định hướng XHCN là đúng, khẳng định để đi lên CNXH, nước Việt Nam phải phát triển nền KTTT định hướng XHCN, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá…

 

Các Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, XII tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu giữ vững định hướng XHCN của nền KTTT và đã nêu ra một số tư tưởng, quan niệm mới… thể hiện tư duy, nhận thức ngày càng đổi mới. Từ chỗ nhận thức KTTT là sản phẩm của TBCN, chúng ta đã đổi mới tư duy, vận dụng sáng tạo nền KTTT trong điều kiện thực tiễn của đất nước.

 

Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII có tính kế thừa, nêu rõ quan điểm: Nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta là nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của KTTT, như: tự do kinh doanh và cạnh tranh, mở cửa và hướng tới tự do hoá, đa dạng hoá các hình thức sở hữu; lấy quy luật giá trị và quan hệ cung cầu để xác định giá cả, đề cao tinh thần khởi nghiệp, coi cạnh tranh lành mạnh là động lực phát triển…

 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, nền kinh tế của nước ta đã được một số nước công nhận là nền KTTT, hy vọng là năm 2018 sẽ được các thành viên của Tổ chức thương mại thế giới (WTO) công nhận là nền KTTT đầy đủ.

 

Hội nghị Trung ương 5 (khoá XII) đã đi sâu phân tích, đánh giá về sự đúng đắn, phù hợp của mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và những chủ trương, giải pháp chủ yếu để hoàn thiện thể chế KTTT định hướng XHCN ở nước ta, nhằm tạo được đột phá lớn trong việc huy động, phân bổ và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển.

 

Trong những năm qua, Chính phủ, các bộ, ngành cũng đã bước đầu có các nghị quyết, văn bản cụ thể nhằm phát triển nền KTTT định hướng XHCN; các thủ tục hành chính được cải cách, đổi mới sẽ được các thành phần kinh tế hưởng ứng tích cực.

 

Hội nghị Trung ương 5 vừa qua còn bàn nhiều về vai trò của kinh tế tư nhân (KTTN), doanh nghiệp tư nhân (DNTN), đánh giá cao sự đóng góp của KTTN vào nền kinh tế của đất nước, như: Các DNTN đã đóng góp 42% GDP; 39% hàng hoá xuất khẩu; 38% vốn đầu tư và sử dụng từ 45-50% tổng số lao động của cả nước. Nhưng DNTN cũng còn nhiều nhược điểm phải khắc phục, như: 96% là DN nhỏ và vừa (chỉ có 42% số DN có lãi; 50% lỗ vốn hoặc hoà vốn). Số DN mới đăng ký thành lập ngày càng tăng nhưng số DN ngừng hoạt động, phá sản hay giải thể cũng khá lớn. Công nghệ sản xuất lạc hậu, quy mô sử dụng lao động thấp (trên dưới 10 lao động); cả nước có tới 77% số DN siêu nhỏ; 68% số DN đi lên từ hộ kinh doanh; một số hộ kinh doanh cá thể ngại chuyển lên DN.

 

Về mặt đạo đức kinh doanh, sản xuất trong nền KTTT định hướng XHCN cũng cần phải chấn chỉnh kịp thời các hiện tượng tiêu cực như: gian lận, lừa đảo, trốn thuế, hàng giả, hàng nhái, các dự án treo; nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tai nạn lao động bị "ém đi"... Cùng với đó, tình trạng vi phạm Luật Môi trường diễn ra dưới nhiều dạng: chưa có báo cáo về tác động môi trường vẫn sản xuất gây ô nhiễm; phạt rồi lại tiếp tục, thậm chí không hợp tác với các cơ quan chức năng để giải quyết…

 

Trong khi đó, các văn kiện của Đảng và Nhà nước đã chỉ đạo: "Tăng trưởng kinh tế gắn liền với tiến bộ và công bằng xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc, bảo vệ môi trường sinh thái".

 

KTTT định hướng XHCN ở nước ta là một mô hình hoàn toàn mới, chưa có tiền lệ trong lịch sử. Đảng ta đã nghiên cứu trong thời gian lịch sử 30 năm qua. Chủ trương xây dựng và phát triển KTTT định hướng XHCN thể hiện tư duy, quan điểm của Đảng ta về sự phù hợp của quan hệ sản xuất với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất trong thời kỳ quá độ lên CNXH ở Việt Nam. Mỗi cán bộ, đảng viên, công dân cần đổi mới, cải biến nhận thức để có hành động đúng, hiệu quả trên cương vị cụ thể của mình, góp phần xây dựng nền KTTT định hướng XHCN ở nước ta.