Sáng 13/6, kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XIV bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường là "tư lệnh ngành" đầu tiên đăng đàn trả lời chất vấn trước Quốc hội.
3 nhóm vấn đề được Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời gồm: Giải pháp đột phá và lộ trình thực hiện có hiệu quả cơ cấu lại ngành nông nghiệp trong thời gian tới; Biện pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hàng hóa, phát triển nông nghiệp bền vững; Công tác bảo tồn, bảo vệ, tái tạo và phát triển nguồn lợi thủy sản, quản lý các hoạt động khai thác thủy sản.
Đặc biệt, câu chuyện giải cứu thịt lợn, tàu vỏ thép hư hỏng nằm bờ gần đây liên quan tới chủ trương lớn của nhà nước giúp ngư dân vươn khơi bám biển đặt ra cho ngành Nông nghiệp những vấn đề cần giải quyết trong quá trình thực thi.
Trong quá trình Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường trả lời chất vấn, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng thay mặt Thủ tướng Chính phủ trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm chung của Chính phủ; các Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng tham gia trả lời chất vấn: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ. Bên cạnh đó, các Bộ trưởng, Trưởng ngành khác trả lời về những nội dung liên quan thuộc trách nhiệm của mình (nếu có).
Theo báo cáo trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 3, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xác định 8 giải pháp đột phá nhằm cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, Bộ Nông nghiệp sẽ tập trung nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo động lực mới cho phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; tạo điều kiện để nông dân và doanh nghiệp tiếp cận thuận lợi hơn về đất đai, nguồn vốn và thị trường để mở rộng sản xuất hàng hóa có khả năng cạnh tranh cao đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Theo Bộ Nông nghiệp, để tạo được chuyển biến rõ rệt trong thực tế, cần triển khai đồng bộ cả 8 giải pháp trên, trong đó trọng tâm là hoàn thiện cơ chế chính sách, tăng cường nghiên cứu chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới, phát triển các hình thức tổ chức sản xuất để tạo “đột phá” trong cơ cấu lại nông nghiệp.
Nhận trách nhiệm về yếu kém của ngành nông nghiệp
Mở đầu phiên chất vấn, các đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Bình Phước); đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh); đại biểu Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh); đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam); đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng)... chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường về giải quyết bất cập để doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận vốn tín dụng ưu đãi 100.000 tỷ; về câu chuyện "giải cứu thịt lợn", giải quyết cơ chế xin cho trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao; vấn đề tiêu thụ nông sản qua các cửa khẩu, tạm nhập tái xuất; giải pháp đột phá thực sự để tái cơ cấu nông nghiệp; làm rõ trách nhiệm của Bộ trưởng trong việc ngành chăn nuôi "vỡ trận", giải pháp căn cơ để khắc phục vấn đề này…
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết: Về tiếp cận gói tín dụng 100.000 tỷ, thời gian qua, Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ngân hàng nhà nước đã vào cuộc tích cực, giải ngân được khoảng trên 30.000 tỷ cho các dự án, doanh nghiệp, khu vực... con số này sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới. Tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn về tài sản thế chấp, hiện Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường… xây dựng giải pháp tháo gỡ để doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi.
Về câu chuyện "giải cứu thịt lợn", Bộ trưởng cho biết, có 2 nguyên nhân chính: Thứ nhất, thời gian qua, sức sản xuất của chúng ta tăng trưởng quá nhanh cả về thịt, sữa, cá, trứng dẫn tới sức cung vượt quá nhu cầu; Thứ hai, tổ chức ngành hàng chưa tốt, khâu liên kết trong sản xuất, chế biến kém, dẫn tới tiêu thụ chủ yếu là thịt tươi, không còn phù hợp với thực tế hiện nay. Mặt khác về tổ chức thị trường, mới chỉ xuất khẩu được một lượng nhỏ lợn sữa, lợn thịt chủ yếu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc... Như vậy trong 3 khâu: sản xuất, chế biến, tổ chức thị trường, thì mới làm tốt khâu thứ nhất còn 2 khâu sau còn rất yếu nên đã xảy ra khủng khoảng thừa, trong đó có trách nhiệm của ngành Nông nghiệp.
Về phát triển giống chất lượng cao, Bộ trưởng cho biết: Thời gian qua nông nghiệp đã đạt được nhiều thành tựu lớn, trong đó có thành tựu về giống. Tuy nhiên, giống cây ăn quả hiện nay còn kém, giống rau là chủ yếu,... chưa đáp ứng được nhu cầu xuất khẩu. Xác định thế mạnh của Việt Nam trong thời gian tới là xuất khẩu rau quả, thủy sản... Theo đó, các giống bản địa của Việt Nam (cây, con, dược liệu), giống tôm, giống rau, quả... cần được tập trung trong thời gian tới.
Về phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực, trong thời gian tới, Bộ sẽ tập trung đầu tư mạnh mẽ để phát triển 10 ngành hàng có giá trị xuất khẩu trên 1 tỷ USD; đồng thời phối hợp với các bộ ngành, địa phương tiến hành rà soát, xây dựng kế hoạch khôi phục, phát triển các loại cây con đặc sản bản địa (Xoài Đồng Tháp, Vải Thanh Hà, Lợn Móng Cái...) phù hợp với đặc thù vùng miền để phục vụ du lịch (xuất khẩu tại chỗ)...
Về sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, Bộ trưởng cho biết đây là một hướng sản xuất để phát triển trong thời gian tới. Hiện Bộ đang cùng với các ngành dự thảo một Nghị định về nông nghiệp hữu cơ, cố gắng trong thời gian ngắn nhất có được khung khổ pháp lý để định hướng, phát triển nông nghiệp hữu cơ.
Trả lời về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Bộ trưởng khẳng định không có cơ chế xin cho trong lĩnh vực này, nơi nào, địa phương nào đáp đáp ứng đủ điều kiện thì đều có thể phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cũng cho biết, sức sản xuất của ngành nông nghiệp Việt Nam là rất lớn nhưng từ sản xuất tiêu thụ trong gia đình để vươn ra thị trường thế giới là một khoảng cách. Vì vậy trong thời gian ngắn khi chưa thể tổ chức ngay các ngành hàng thì không thể tránh khỏi tình trạng nơi này thừa, nơi kia thiếu.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Ngọc Lan (Bắc Ninh) chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sáng 13/6. Ảnh: Đỗ Thoa
Cần có giải pháp căn cơ để không còn phải "giải cứu" nông sản
Là người giành quyền tranh luận đầu tiên trong phiên chất vấn Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đại biểu Nguyễn Thanh Hồng (Bình Dương) cho rằng, trả lời của Bộ trưởng về căn cứ lập quy hoạch phát triển đàn lợn chưa thuyết phục. Xuyên suốt câu trả lời vắng bóng vai trò quản lý nhà nước trong lĩnh vực này. Lập quy hoạch thời điểm đó phù hợp nhưng cơ chế thị trường thay đổi thì vai trò của Nhà nước trong bối cảnh đó như thế nào để có giải pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm. “Lâu nay chúng ta có khẩu hiệu người tiêu dùng thông minh, Bộ trưởng nói nhà sản xuất phải thông minh nhưng người dân nói nhà quản lý phải thông minh”, ĐBQH Nguyễn Thanh Hồng nói.
Đại biểu đoàn Bình Dương dự đoán sắp tới lại phải giải cứu cam, quýt, bưởi vì nơi ông ứng cử nông dân đang trồng rất nhiều.
Đại biểu Mai Sĩ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, việc phát triển chăn nuôi lợn thời gian vừa qua có nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên khi nông dân gia tăng quy mô chăn nuôi thì nhà quản lý chưa hề có cảnh báo và đã để xảy ra việc thừa lợn.
Đại biểu Nguyễn Sơn (Hà Tĩnh) đặt vấn đề khi thị trường vẫn bán thịt lợn 80.000 đồng/kg thì nông dân bán 20.000 đồng/kg, vậy ngoài vai trò của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì Bộ Công Thương ở đâu?.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường giải đáp: "Đoàn tàu 3 toa, mới làm tốt một toa, 2 toa chưa tốt, trách nhiệm là của ngành Nông nghiệp, chứ không ai khác”.
Các đại biểu Đặng Hoài Tân (Bình Định); Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình); Ngô Thị Minh (Quảng Ninh); Nguyễn Minh Sơn (Tiền Giang); Võ Đình Tín (Đắc Nông).... đặt câu hỏi về: Giải pháp phát triển ngành tôm Việt Nam; nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp; giải pháp xử lý bất cập trong thực thi Nghị định 67 (tàu vừa đóng tại những cơ sở được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giới thiệu đã hỏng, phải nằm bờ); trách nhiệm trong quản lý chất lượng sản xuất thức ăn, vật tư nông nghiệp (cấp khống giấy kiểm định); giải pháp căn cơ bảo vệ thương hiệu trong xuất khẩu thủy sản Việt; giải pháp khắc phục tình trạng bất cập trong quy hoạch nông sản; giải pháp, lộ trình phát triển công nghiệp chế biến; vấn đề đầu tư phát triển cảng cá, quy hoạch nuôi trồng thủy sản; giải pháp đột phá trong cơ cấu lại lâm nghiệp gắn với bảo vệ phát triển rừng...
Trả lời câu hỏi của đại biểu về chiến lược phát triển ngành hàng tôm Việt, Bộ trưởng cho biết, đây là ngành hàng có lợi thế đặc biệt, nhu cầu thị trường thế giới mỗi năm tăng khoảng 10%. Chúng ta có lợi thế phát triển ngành này ở Đồng bằng sông Cửu Long, dải duyên hải 28 tỉnh... Để khai thác được lợi thế, chúng ta phải tạo sự liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và người dân trong vấn đề này.
Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho hay, Bộ đã xây dựng được đề án cụ thể và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; đồng thời phối hợp với các bộ, ngành liên quan để chủ động trong sản xuất tôm giống (tôm sú, tôm thẻ); phát triển khu công nghệ cao về con tôm; vừa nuôi tôm theo hướng sinh thái vừa nuôi thâm canh nước lợ...
Về bảo vệ thương hiệu nông sản bị một số cơ quan truyền thông nước ngoài đưa tin bôi nhọ, không đúng sự thật, Bộ đã làm việc với các ngành hàng để đưa ra các biện pháp đấu tranh phù hợp.
Về việc hàng xuất khẩu bị trả lại, Bộ cho biết tỷ lệ trả lại rất nhỏ, do yêu cầu của các đối tác rất cao, Bộ sẽ tăng cường các giải pháp kiểm soát, giám sát, để hạn chế tối đa thực phẩm không đủ chất lượng... Và đương nhiên hàng bị trả lại không được sử dụng làm thực phẩm.
Về bảo vệ mặt nước, Bộ khẳng định chúng ta không đánh đổi môi trường để phát triển sản xuất. Bộ đề nghị các tỉnh thành thực hiện nghiêm chủ trương này.
Về xây dựng các khu neo đậu, Bộ trưởng cho biết chúng ta gặp khó khăn về nguồn lực, Bộ đã đưa vào chương trình đầu tư trung hạn, đồng thời bàn với các tỉnh để tìm hướng tháo gỡ...
Theo chương trình, nội dung chất vấn Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường sẽ kéo dài đến 14h55 chiều nay. Sau đó, các đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Ngọc Thiện về vấn đề quản lý, cấp phép các hoạt động văn hóa, nghệ thuật; khai thác, sử dụng các công trình văn hóa, thể thao; tổ chức lễ hội; giải pháp ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội và văn hóa ứng xử; công tác quản lý và các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch ngành du lịch.../.