Mít-tinh trọng thể kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam và trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XI-2016

08:12, 22/06/2017

Tối 21-6, tại Cung Văn hóa Lao động hữu nghị Việt - Xô (TP Hà Nội) đã diễn ra lễ mít-tinh trọng thể kỷ niệm 92 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-1925 - 21-6-2017) và Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XI - 2016, tôn vinh các tác phẩm báo chí xuất sắc.

Tới dự buổi lễ, có các đồng chí: Trần Đại Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước; Nguyễn Thị Kim Ngân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội (QH); Nguyễn Sinh Hùng, nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch QH; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Nguyễn Thiện Nhân, Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Phạm Minh Chính, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Võ Văn Thưởng, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư; Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao; Tô Lâm, Bộ trưởng Công an; đồng chí Uông Chu Lưu, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Chủ tịch QH.

 

Đến dự, có các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng; nguyên Ủy viên T.Ư Đảng, các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo MTTQ, các bộ, ban, ngành, cơ quan T.Ư và TP Hà Nội, Hội Nhà báo Việt Nam; các tác giả, nhóm tác giả đoạt giải và đông đảo công chúng Thủ đô.

 

Tại lễ kỷ niệm, thay mặt giới báo chí cả nước, đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân vinh dự đón nhận lẵng hoa chúc mừng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.

 

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trân trọng gửi tới các nhà báo lão thành, những người làm báo cả nước, các đồng chí đại biểu, các vị khách quý cùng toàn thể các đồng chí lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm thân thiết và lời chúc mừng tốt đẹp nhất. Chủ tịch nước nhấn mạnh: 92 năm qua, báo chí cách mạng Việt Nam do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, đã ngày càng lớn mạnh, trưởng thành về mọi mặt, tích cực tham gia và có những đóng góp to lớn vào công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các thế hệ nhà báo cách mạng Việt Nam thật sự là những chiến sĩ cách mạng, những người lính xung kích của Đảng, Nhà nước trên mặt trận tư tưởng - văn hóa, luôn có mặt nơi “đầu sóng ngọn gió” và sẵn sàng xả thân vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng và dân tộc. Tổ quốc và nhân dân mãi ghi công và tri ân các nhà báo - chiến sĩ đã anh dũng hy sinh, hiến dâng cả cuộc đời mình cho độc lập, tự do của Tổ quốc, hạnh phúc của nhân dân... (Toàn văn bài phát biểu đăng số báo hôm nay).

 

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam Thuận Hữu cho biết: Như thường lệ, lễ trao Giải Báo chí quốc gia hằng năm được tổ chức trọng thể đúng dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam. Năm nay là mùa giải lần thứ XI, trao giải cho năm 2016. Thay mặt Hội đồng Giải Báo chí quốc gia và Hội Nhà báo Việt Nam, đồng chí Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam gửi đến quý vị đại biểu, các đồng nghiệp cùng toàn thể những người làm báo Việt Nam, các nhà báo lão thành, thân nhân, gia đình các nhà báo liệt sĩ, cùng đông đảo cộng tác viên và anh chị em làm công tác in ấn, phát hành báo chí trong cả nước, lời chào thân ái và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.

 

Đồng chí Thuận Hữu nêu rõ: Năm 2016 - năm có nhiều sự kiện trọng đại của đất nước, báo chí tiếp tục tuyên truyền việc thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng, Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương khóa XII về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ; tuyên truyền bầu cử QH khóa XIV và Hội đồng nhân dân các cấp, việc thực hiện các chính sách, giải pháp điều hành kinh tế - xã hội trong năm 2016 của Chính phủ, QH, nhằm phát triển kinh tế, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội, đấu tranh bảo vệ chủ quyền quốc gia… Cùng với việc QH thông qua Luật Báo chí 2016, Hội Nhà báo Việt Nam đã xây dựng và ban hành 10 điều quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam, đều bắt đầu thực hiện từ ngày 1-1-2017.

 

Đồng chí nhấn mạnh: Báo chí đã phát hiện, biểu dương những gương điển hình tiên tiến; phát hiện, đấu tranh với những hành vi tham nhũng, tiêu cực, góp phần tích cực củng cố niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Nhà nước,... Trên lĩnh vực đấu tranh tư tưởng - chính trị, báo chí tiếp tục là lực lượng đi đầu kiên quyết phản bác các quan điểm, thông tin sai trái của các thế lực thù địch và những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cán bộ, đảng viên. Thông tin trung thực, nhanh nhạy, đầy đủ, toàn diện các diễn biến của đời sống chính trị, kinh tế - xã hội ở trong nước và quốc tế, báo chí đồng thời làm tốt vai trò diễn đàn xã hội rộng lớn và tin cậy của nhân dân. Người làm báo đã thể hiện bản lĩnh chính trị vững vàng và trách nhiệm xã hội cao cả, kỹ năng nghề nghiệp tinh thông và tạo được hiệu quả xã hội, có chất lượng tốt. Nhiều tác phẩm xuất sắc trong số đó được trao giải năm nay.

 

Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam cho rằng, bên cạnh những thành tựu, hoạt động báo chí cũng bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm. Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết T.Ư 4, khóa XII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; công bố rộng rãi, phổ biến tới các tổ chức Hội Nhà báo toàn quốc và đội ngũ những người làm báo trong cả nước để quán triệt thực hiện, nhằm góp phần khắc phục hạn chế, khuyết điểm. Đây là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng trong toàn thể hội viên và các cấp hội về việc nâng cao đạo đức nghề nghiệp của người làm báo; đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị và thực hiện các Nghị quyết của Đảng, của Hội Nhà báo Việt Nam.

 

Đồng chí Thuận Hữu cho biết: Thực hiện Đề án Giải Báo chí quốc gia và Quyết định ngày 22-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Nâng cao chất lượng Giải báo chí quốc gia, năm nay là năm thứ 11 Giải Báo chí quốc gia được tổ chức nghiêm túc, có chất lượng. Giải đã thu hút hơn 1.630 tác phẩm tham dự, số lượng cao nhất trong các mùa giải. Số các cấp Hội địa phương tham dự cũng đạt mức cao, với 59 trong số 63 Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố có tác phẩm dự giải, khẳng định sức thu hút của giải đối với hội viên cả nước. Công tác thu nhận, thẩm định tác phẩm, tổ chức chấm sơ khảo, chung khảo đã được tiến hành nghiêm túc theo Điều lệ Giải, chuyên nghiệp và công tâm. Hội đồng sơ khảo đã chấm sớm, chọn được 129 tác phẩm tiêu biểu trình Hội đồng chung khảo. Hội đồng chung khảo đã chấm, xem xét, thảo luận và quyết định trao giải cho 95 tác phẩm thuộc 11 loại giải ở cả bốn loại hình báo in, phát thanh, truyền hình và báo điện tử. Trong đó có bảy giải A, 24 giải B, 39 giải C, và 25 giải Khuyến khích. Số tác phẩm đoạt giải của các cơ quan báo chí địa phương chiếm hơn 50%. Đây là những tác phẩm tiêu biểu, có tính phát hiện, tính chiến đấu cao, có tính lan tỏa, tạo hiệu ứng xã hội tích cực, tập trung phản ánh những vấn đề lớn của đất nước. Nhiều tác phẩm có sự đầu tư nghiêm túc về công sức, trí tuệ, ý thức trách nhiệm cao và nhất là tính sáng tạo của từng tác giả và nhóm tác giả trong cách thể hiện, áp dụng những công nghệ làm báo tiên tiến; góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu của giải thưởng báo chí quốc gia.

 

Tại lễ trao giải, Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân trao các giải A; các đồng chí: Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Minh Chính, Võ Văn Thưởng, Phạm Bình Minh trao các giải B; các đồng chí: Uông Chu Lưu, Thuận Hữu, Nguyễn Thế Kỷ, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam trao các giải C tặng các tác giả, nhóm tác giả, tác phẩm báo chí xuất sắc đoạt Giải Báo chí quốc gia lần thứ XI - 2016.

 

Năm nay, Liên Chi hội Nhà báo Báo Nhân Dân đoạt hai giải A, một giải B, ba giải C và một giải Khuyến khích. Hai giải A gồm: Tác phẩm “Những con nợ của nền kinh tế” của nhóm tác giả Thu Hà, Quang Hưng, Hoàng Anh, Đặng Giang, Thanh Phong, Ngọc Long (Giải Phóng sự, Phóng sự điều tra, Ký báo chí, Ghi chép - báo in); và tác phẩm: “Chuyện như đùa ở Hải Dương” của nhóm tác giả: Hà Quốc Việt, Tiểu Phương (Giải Tin, bài phản ánh, phỏng vấn - báo in). Tác phẩm “Luật Báo chí năm 2016 và quyền tự do ngôn luận” của nhóm tác giả Nguyễn Hòa (Hồng Quang), Lương Quỳnh Chi (Khánh Minh), Phạm Thị Phong Điệp (Thành Nam), Hải Đăng (Việt Quang) đoạt giải B, thuộc Giải Xã luận, Bình luận, Chuyên luận (báo in). Ba giải C gồm: Tác phẩm “Những thăng trầm làng biển” của nhóm tác giả Nguyễn Hồng Minh (Minh Nhật), Lê Hồng Vân (Thảo Lê), Lê Nữ Hạnh Nguyên (An Nguyên); tác phẩm “Những đề án, dự án hàng nghìn tỷ đồng đổi mới giáo dục và đào tạo trước nguy cơ thất bại” của nhóm tác giả Xuân Kỳ, Khánh Toàn, Anh Tuấn; tác phẩm “Trường Sa rộn ràng trong ngày bầu cử” của tác giả Nguyễn Hải Nam (Xuân Vinh) thuộc Giải Ảnh báo chí; một giải Khuyến khích với tác phẩm “Khơi nam Côn Sơn” của tác giả Nguyễn Văn Ninh (Ninh Nguyễn). Ngoài ra có hai tác phẩm khác của tác giả, nhóm tác giả được tuyển chọn vào vòng chung khảo Giải Báo chí quốc gia lần thứ XI - năm 2016.