Muốn có nguồn lực xây dựng đường sắt thì cần có chính sách phù hợp thực tế

17:02, 13/06/2017

Cho rằng ngành đường sắt có tuổi đời hơn 100 năm, trong quãng thời gian đó ngành đường sắt không những không được đầu tư phát triển mà còn bị “bào mòn” và thực thế thời gian qua việc đầu tư cho đường sắt chỉ với khoảng 3,18% trong cơ cấu đầu tư trong ngành giao thông nên đã dẫn tới hệ thống giao thông đường sắt hiện đã già cỗi lại “cõng” thêm gánh nặng khi nhu cầu vận tải hàng hóa và hành khách ngày càng tăng.

Vì vậy, trao đổi bên lề hành lang Kỳ họp thứ 3, Quốc hội Khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Hùng (Thái Nguyên) khẳng định, việc phát triển giao thông đường sắt là việc làm cần thiết. Theo đó, cần có tầm nhìn phát triển đường sắt thành một mạng lưới quốc gia bao phủ khắp các vùng miền trên cả nước chứ không phải chỉ tập trung vào một con đường độc đạo từ miền Bắc nối miền Nam thông qua tuyến đường sắt Bắc - Nam, Hà Nội - thành phố Hồ Chí Minh.

 

Theo Đại biểu Hoàng Văn Hùng, thực tế hiện nay cho thấy, hệ thống giao thông đường sắt không những không phát triển đường sắt kết nối mà còn bỏ đi các hệ thống đường sắt đã có khi nó vẫn còn khả năng sử dụng, như các tuyến đường sắt kết nối với các cảng biển từ thời trước đã bị tháo gỡ như Tân Cảng hay ở Tiên Sa, ở Cửa Lò. Việc kết nối các tuyến hành khách với các đô thị trên dọc tuyến đường sắt so với thời Pháp đã bị tháo gỡ như tuyến Sài Gòn - Mỹ Tho, Tháp Chàm - Đà Lạt, Tuyến Kép - Lưu Xá... Vì vậy, thời gian tới muốn phát triển đường sắt thành một mạng lưới quốc gia bao phủ khắp các vùng miền trên cả nước trong điều kiện nguồn ngân sách hạn hẹp thì cần có chính sách xã hội hóa mạnh mẽ tạo cơ chế để nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư xây dựng mới, nâng cấp đường sắt cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh, thu hồi vốn để tiếp tục đầu tư xây dựng, bảo trì, kết cấu hạ tầng đường sắt.

 

 Hệ thống giao thông đường sắt thời gian qua không những không phát triển mà còn luôn trong tình trạng bị xâm lấn. (Ảnh minh họa).

 

Đại biểu Hoàng Văn Hùng cho rằng, tính ưu việt của vận tải đường sắt thì đã rõ, vì đây là một ngành vận tải an toàn cao, giá thành vận tải rẻ, góp phần giảm giá thành trong lưu thông hàng hóa và góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam… Chính vì vậy, nếu vốn đầu tư cho ngành đường sắt trong những năm sắp tới cũng giống như giai đoạn 2011 - 2015 thì tương lai của ngành đường sắt không có gì sáng sủa, vẫn lạc hậu vẫn xuống cấp và mất năng lực cạnh tranh.

 

Để ngành đường sắt phát triển thành một mạng lưới bao phủ khắp các vùng miền trên cả nước thì cần có chính sách phù hợp với thực tế mới thu hút được nhà đầu tư. (Ảnh minh họa).

 

 Đại biểu Hoàng Văn Hùng khẳng định, chỉ có Chính phủ là người đầu tư chính cho kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật cho ngành đường sắt, hiếm có nhà đầu tư nào bỏ vốn lớn đầu tư vào một ngành kinh tế chậm thu lợi như ngành đường sắt. Bởi, việc mở rộng và kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia vào đầu tư ngành đường sắt sẽ rất khó khăn, vì bản chất của nhà đầu tư làm sao phải sinh lợi. Theo đó, muốn để ngành đường sắt phát triển thành một mạng lưới quốc gia bao phủ khắp các vùng miền trên cả nước chứ không phải chỉ tập trung vào một con đường độc đạo từ miền Bắc nối miền Nam thông qua tuyến đường sắt Bắc – Nam thì cần có chính sách phù hợp với thực tế thì mới thu hút được nhà đầu tư.