Những hội viên tiêu biểu nói về nghề báo

09:46, 15/06/2017

Nhân dịp Hội Nhà báo tỉnh tổ chức kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập, Báo Thái Nguyên đăng tải những dòng tâm sự đầy nhiệt huyết của các hội viên tiêu biểu. Trải lòng qua những con chữ, những hội viên tích cực của Hội Nhà báo đã giúp chúng ta hiểu hơn về nghề báo, về công tác hội…  

Thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo

 

Nhà báo Phạm Văn Tịnh, nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo tỉnh khóa II (nhiệm kỳ 1998-2003):  So với một số đơn vị trong khu vực thì Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên thuộc diện “sinh sau đẻ muộn”. Sau thời gian hoạt động lâm thời, tại Đại hội Hội Nhà báo tỉnh Bắc Thái khóa I, tôi được bầu làm Phó Chủ tịch Hội. Sau khi chia tách tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, năm 1998, tại Đại hội Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên khóa II, nhiệm kỳ 1998-2003, tôi được bầu làm Chủ tịch Hội. Thời điểm này, hoạt động của Hội gặp không ít khó khăn do cả đồng chí chủ tịch và phó chủ tịch đều làm kiêm nhiệm. Tuy là hoạt động kiêm nhiệm, song lãnh đạo Hội Nhà báo và các đồng chí trong Ban Chấp hành Hội luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm cao trước tổ chức Hội, trước nhiệm vụ tuyên truyền. Lúc đó hội viên của Hội chỉ có khoảng 70 người, chủ yếu là cán bộ, phóng viên, biên tập viên của cơ quan Báo Thái Nguyên và Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh. Là tổ chức chính trị – xã hội - nghề nghiệp của những người làm báo, Hội Nhà báo tỉnh luôn xác định đúng đắn vai trò, vị trí của Hội trong mọi hoạt động. Luôn bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội, mục tiêu của Đại hội Hội Nhà báo tỉnh tổ chức tốt các hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm chăm lo cho hội viên như: mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ; cử hội viên tham gia các chương trình tập huấn của Hội Nhà báo Việt Nam; tổ chức các buổi nói chuyện thời sự cho hội viên…  Hệ thống tổ chức của Hội Nhà báo tỉnh ngày càng được củng cố, kiện toàn hoạt động hiệu quả. Hình thức hoạt động công tác Hội được cải tiến phù hợp với yêu cầu đổi mới, thu hút hội viên, nhà báo tham gia công tác Hội. Trong suốt những năm qua, đặc biệt là thời gian gần đây hội viên Hội Nhà báo tỉnh luôn đề cao vai trò, trách nhiệm vụ của mình, thực hiện tốt trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân của người làm báo. Thực hiện tốt Quy ước đạo đức nghề nghiệp nhà báo, không có hội viên nào vi phạm những quy ước trong đạo đức người làm báo.

 

Ngôi nhà chung của những người làm báo

 

Nhà báo Khương Doãn, Báo Quân khu Một: Kỷ niệm 92 năm Ngày báo chí Cách mạng Việt Nam; 25 năm Ngày thành lập Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên, những người làm Báo Quân khu Một vinh dự, tự hào là hội viên gắn bó với “ngôi nhà chung” Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên. 25 năm chưa phải là dài, nhưng Hội Nhà báo tỉnh Thái Nguyên đã ngày càng khẳng định là nơi đoàn kết, tập hợp, rèn luyện bản lĩnh, chính trị, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của những người làm báo, đội ngũ ngày càng đông đảo, chất lượng ngày một nâng cao, phục vụ đắc lực sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân. Kỷ niệm 25 năm Ngày thành lập Hội là dịp để các cấp hội, hội viên - nhà báo mang quân phục tự hào về truyền thống vẻ vang, phát huy những thành tích đã đạt được. Đây cũng là dịp những người làm báo Quân khu nghiêm túc khắc phục các hạn chế,  đề ra những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả xã hội của báo chí, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. 25 năm đã trôi qua, và 25 năm ấy chứa chan ân tình! Đó là tâm trạng của tất cả hội viên Chi hội Báo Quân khu 1 trong ngày gặp mặt truyền thống. Đặc biệt đối với những người đã đặt nền móng từ những ngày đầu tiên khi Hội mới thành lập, và rồi gắn bó trong suốt chặng đường gian nan, vất vả ấy cho đến hôm nay đã phát triển thành một tổ chức hội vững mạnh.

 

Để nâng tầm vị thế của Hội


Nhà báo Vi Thu Lan, Trưởng phòng Bạn đọc tư liệu, Báo Thái Nguyên: Trong nhiều năm qua, Hội Nhà báo tỉnh thực sự trở thành “ngôi nhà chung” tập hợp, đoàn kết, hỗ trợ tích cực cho cán bộ, hội viên. Hoạt động của Hội đã có nhiều đổi mới, thiết thực và hiệu quả. Trong đó, nhiều phong trào, hoạt động hướng đến hội viên như: bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; khen thưởng kịp thời các chi hội nhà báo, hội viên tiêu biểu có thành tích xuất sắc trong thực hiện nhiệm vụ chuyên môn cũng như xây dựng công tác Hội; tổ chức các hoạt động văn nghệ, thể thao; tham gia xã hội, từ thiện; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp cho hội viên… Qua đó, đã thu hút đông đảo hội viên tham gia; đẩy mạnh phong trào xây dựng Hội và các chi hội vững mạnh. 

 

Để tiếp tục nâng tầm vị trí của Hội Nhà báo tỉnh, theo tôi, Hội Nhà báo cần tổ chức giao lưu, trao đổi nghiệp vụ nhiều hơn giữa các hội viên, nhà báo với các tỉnh, thành trong cả nước; tăng cường công tác giáo dục, bồi dưỡng, nhằm nâng cao bản lĩnh chính trị và nghiệp vụ cho hội viên, nhà báo. Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí (từ Đề án hỗ trợ sáng tạo tác phẩm báo chí chất lượng cao) cho các chi hội để khen thưởng tác phẩm báo chí chất lượng cao tại chi hội, Hội Nhà báo nên trích lại một phần để khen thưởng hội viên, nhà báo đoạt giải báo chí Quốc gia do các ngành, Trung ương tổ chức. Như vậy, sẽ động viên hội viên tham gia tích cực hơn nữa các hoạt động của Hội, góp phần nâng tầm vị thế, xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.

 

Tác phẩm có hiệu ứng xã hội tốt là phần thưởng cao quý nhất

 

Nhà báo Đỗ Thu Hiền, Phó Trưởng phòng Thời sự, Đài PT-TH Thái Nguyên: Gắn với thương hiệu và dấu ấn của mỗi cá nhân, nghề báo là nghề rất đặc biệt. Người làm báo phải hội tụ những đặc tính của nghề như năng khiếu, trách nhiệm và niềm đam mê. Đã bước chân vào làm báo thì bản thân tôi cũng như mỗi nhà báo đều phấn đấu để mang về cho mình những giải báo chí, dù là cấp nào cũng rất đáng tự hào. Vinh dự cho tôi là gần 20 năm theo nghề, tôi đã 3 lần được nhận giải thưởng Giải báo chí Quốc gia, trong đó có 2 giải Khuyến khích và 1 giải C. Quả thật, khi được trao những giải thưởng này, tôi cảm thấy rất hạnh phúc bởi đó là giải thưởng cao quý về nghề và là giải có uy tín từ nhiều năm nay.

 

Niềm vui và hạnh phúc còn được nhân lên khi tôi và cộng sự từng đoạt được Huy chương Bạc Liên hoan phát thanh toàn quốc, Giải C Giải báo chí toàn quốc “70 năm Quốc hội Việt Nam”. Cuối năm 2016, tôi tiếp tục đoạt Huy chương Vàng Liên hoan Truyền hình toàn quốc và mới đây nhất, trong dịp 3-2-2017, tôi lại đoạt Giải Khuyến khích Giải báo chí toàn quốc viết về Xây dựng Đảng mang tên Búa Liềm Vàng. Tuy nhiên, phần thưởng lớn nhất đối với tôi và các bạn đồng nghiệp là sáng tạo được những tác phẩm có hiệu ứng xã hội tốt ngay sau khi phát sóng.

 

Nhiều người cũng nói là tôi có “duyên” với giải thưởng, nhưng tôi lại nghĩ mình có “duyên” với nghề báo thì đúng hơn. Để có được những giải thưởng cao quý ấy, bên cạnh sự động viên, khích lệ của lãnh đạo cơ quan, bạn bè đồng nghiệp và người thân là sự cố gắng nỗ lực, sự tâm huyết, trách nhiệm, và lao động trí tuệ của bản thân tôi trong quá trình tác nghiệp và sáng tạo các tác phẩm báo chí…

 

Đến với nghề bằng niềm đam mê

 

Nhà báo Đào Cẩm Tú, Phó Trưởng phòng Thông tin đối ngoại, Đài PT-TH tỉnh: Là hội viên, nhà báo trẻ, tôi luôn nỗ lực vươn lên để hoàn thành tốt nhiệm vụ chuyên môn, sáng tạo được các tác phẩm báo chí có chất lượng phục vụ khán, thính giả. Với tôi, đến với nghề báo bằng niềm đam mê, lòng yêu nghề và tinh thần lao động nghiêm túc, tôn trọng tác phẩm của chính mình. Tôi hiểu rằng, cuộc sống không ngừng vận động, nghề báo cũng không ngừng đổi mới, đòi hỏi mỗi người làm báo cần tích cực học hỏi, bổ sung kiến thức về nghề và vốn hiểu biết xã hội để có cái nhìn sâu rộng về mỗi đề tài của tác phẩm báo chí, tạo nên những tác phẩm sâu sắc và hấp dẫn. Bởi vậy, tôi luôn có ý thức sáng tạo những tác phẩm báo chí có ý nghĩa đối với đời sống xã hội; chủ động trong cách thể hiện nội dung; đảm bảo tính trung thực, khách quan... Đây chính là “con đường” đưa tôi đến làm quen với các giải báo chí lớn, giúp tôi “chạm” tay vào những giải thưởng uy tín. Ngoài đoạt giải trong các Cuộc thi báo chí do cơ quan tổ chức, năm 2016, tôi đã đoạt giải Ba tại Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại do Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức. Lần đầu thử sức mình tại một “sân chơi” lớn với gần 900 tác phẩm tham dự, tôi thấy mình thật may mắn khi tác phẩm phát thanh “Đam mê quảng bá văn hóa Việt” của tôi là 1 trong hơn 80 tác phẩm đoạt giải (trong đó có 6 giải Nhất, 15 giải Nhì, 18 giải Ba và 30 giải Khuyến khích thuộc nhiều thể loại báo chí khác nhau). Đây là động lực để tôi tiếp tục nỗ lực phấn đấu vươn lên trong thời gian tới.