Ngày 1/6, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân chủ trì phiên họp. Buổi sáng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu điều hành phiên họp.
Quốc hội đã nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Trợ giúp pháp lý (sửa đổi). Trong quá trình thảo luận, đã có 29 đại biểu Quốc hội phát biểu. Các ý kiến thảo luận tập trung vào những nội dung sau:
Về bố cục của Luật; nguyên tắc hoạt động trợ giúp pháp lý; chính sách của Nhà nước về trợ giúp pháp lý; quy tắc nghề nghiệp trợ giúp pháp lý; nguồn tài chính cho công tác trợ giúp pháp lý; hỗ trợ thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý phức tạp, điển hình tại các huyện nghèo, xã nghèo; về đối tượng điều chỉnh; giải thích từ ngữ; hành vi bị nghiêm cấm; về xã hội hóa hoạt động trợ giúp pháp lý; quy định cụ thể, hạn chế giao Chính phủ quy định...
Về người được trợ giúp pháp lý: Phạm vi người được trợ giúp pháp lý như Dự thảo Luật để bảo đảm tính khả thi; đề nghị mở rộng phạm vi để phù hợp với các luật liên quan, bổ sung “người thuộc hộ cận nghèo”, “người bị hại thuộc hộ cận nghèo”, 14 nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo Luật Trẻ em, người chấp hành xong án phạt tù, biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở chữa bệnh bắt buộc có hoàn cảnh khó khăn thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý; làm rõ đối tượng người nước ngoài ở Việt Nam, người Việt Nam ở nước ngoài được trợ giúp pháp lý hay không; rà soát và quy định rõ hơn về “người dân tộc thiểu số thường trú tại vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn”; về điều kiện “có khó khăn về tài chính” đối với một số nhóm đối tượng được trợ giúp pháp lý.
Về tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý: Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước; điều kiện thành lập, duy trì hoạt động Chi nhánh của Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước; lựa chọn ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý; cân nhắc quy định về ký hợp đồng thực hiện trợ giúp pháp lý.
Về người thực hiện trợ giúp pháp lý: Quyền và nghĩa vụ của người thực hiện trợ giúp pháp lý; chế độ phụ cấp, bồi dưỡng vụ việc cho trợ giúp viên pháp lý; cộng tác viên trợ giúp pháp lý.
Về phạm vi, lĩnh vực, hình thức và hoạt động trợ giúp pháp lý: Trợ giúp pháp lý trong lĩnh vực kinh doanh, thương mại; hình thức trợ giúp pháp lý lưu động; yêu cầu trợ giúp pháp lý; góp ý cụ thể về các hình thức trợ giúp pháp lý; tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng; hồ sơ vụ việc trợ giúp pháp lý; về có quy định trợ giúp pháp lý thân thiện dành cho trẻ em.
Về một số vấn đề khác: Trách nhiệm của các cơ quan có liên quan đến hoạt động trợ giúp pháp lý trong tố tụng; giải quyết khiếu nại, tố cáo; điều khoản chuyển tiếp; cơ chế bồi thường thiệt hại trong trợ giúp pháp lý.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã báo cáo, cung cấp thêm thông tin, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.
Buổi chiều, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển điều hành phiên họp. Tại hội trường, Quốc hội đã nghe: Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo thẩm tra về việc tách nội dung bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thành dự án thành phần để triển khai Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở tổ về nội dung này.
Thứ sáu, ngày 2/6, Quốc hội làm việc tại Hội trường. Buổi sáng, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chuyển giao công nghệ (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật này. Buổi chiều, Quốc hội nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật./.