Chúng con về bên mẹ

07:19, 27/07/2017

Một ngày tháng Bẩy, chúng tôi về xóm Vân Hòa, xã Văn Hán (Đồng Hỷ) thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Minh, 74 tuổi có chồng và con trai duy nhất đã ngã xuống để bảo vệ độc lập của Tổ quốc. Câu chuyện Mẹ kể hôm nay về những người thân khiến chúng tôi xúc động, bồi hồi…  

Căn nhà nhỏ của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Minh hôm nay con cháu quây quần để chuẩn bị bữa cơm mừng Mẹ đã được Chủ tịch nước trao tặng Danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng theo Quyết định số 713/QĐ-CTN ngày 19-4-2017. Chúng tôi gặp đông đủ 3 người con gái, 2 người con trai nuôi, 12 cháu và 16 chắt của Mẹ.

 

Khuôn mặt phúc hậu của Mẹ Minh ánh lên niềm tự hào khi chúng tôi ngỏ ý được nghe chuyện về hai liệt sĩ là chồng và con trai duy nhất của Mẹ. Bần thần hồi lâu, Mẹ kể, Mẹ quen và yêu ông Nguyễn Hữu Được khi cả hai cùng làm việc tại Lâm trường Đoàn Kết (Đồng Hỷ). Ông viết chữ rất đẹp, đẹp như chữ in, nên ngoài công việc chuyên môn, ông được cơ quan phân công các phần việc ghi chép, viết giấy khen, làm phông hội nghị... Sau thời gian tìm hiểu, ông đã ngỏ lời với Mẹ và hai người kết hôn năm 1966. Cưới nhau được chừng 1 năm thì ông Được theo tiếng gọi của Tổ quốc, xung phong lên đường nhập ngũ. Khi ấy, Mẹ mang thai được 4 tháng. Mẹ bảo: “Dù thương nhớ lắm nhưng tôi vẫn động viên ông ấy lên đường làm nhiệm vụ bởi làm trai thời chiến không thể chỉ vun vén cho hạnh phúc riêng mình”.

 

Ông Được nhập ngũ và nhận nhiệm vụ trinh sát ở đơn vị, chiến đấu tại chiến trường miền Nam. Đến khi Mẹ sinh con gái đầu lòng được gần 3 tháng tuổi thì ông về thăm nhà. Vui mừng vì có con gái đầu lòng, ông đặt tên con là Ánh Nguyệt. Ở nhà với vợ con được ít ngày, ông Được lại về đơn vị cùng đồng đội xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước. Kể từ đó, Mẹ mất thông tin về chồng. Cho đến ngày 1-11-1968, Mẹ nhận được giấy báo tử của chồng. Năm đó, chị Ánh Nguyệt (tên khai sinh là Nguyễn Thị Hằng) vừa tròn 1 tuổi. Vốn người không khỏe, sau khi nghe tin chồng hy sinh, Mẹ Minh thêm ốm yếu, chị Ánh Nguyệt cũng vì vậy mà thường xuyên ốm. Lúc đó, ở cơ quan có người đồng nghiệp cảm thương hoàn cảnh mẹ góa con côi của Mẹ mà đem lòng yêu mến. Biết chuyện, các đồng chí lãnh đạo cơ quan và đồng nghiệp đều động viên, tác thành cho ông, bà đến với nhau. Vậy mà, 4 năm sau, bà mới đồng ý làm vợ ông. Sau đó, hai ông bà sinh thêm được một người con trai tên là Đặng Đức Cường  và 2 người con gái. Anh Cường sau này cũng lên đường nhập ngũ và hy sinh khi đang làm nhiệm vụ rà phá bom mình tại biên giới phía Bắc càng làm nỗi đau trong mẹ Nguyễn Thị Minh nhân lên. Nhớ về em trai, chị Ánh Nguyệt cho biết: Em Cường đàn giỏi, hát hay, tính tình hiền lành hay giúp đỡ mọi người. Năm 1988, Cường 18 tuổi, giấu bố mẹ làm đơn xin nhập ngũ. Em tâm sự với tôi là rất muốn vào bộ đội, tôi đã đưa em đi khám sức khỏe ở Bệnh viện huyện Đồng Hỷ. Khi có giấy gọi nhập ngũ, chị em tôi mới nói cho bố mẹ biết, ông bà cũng không ngăn cản em lên đường làm nhiệm vụ.

 

Năm 1989, anh Cường lên đường nhập ngũ cùng với anh Hoàng Văn Nhì - người bạn thân từ nhỏ. Hai anh được biên chế tại đơn vị C16, Tiểu đoàn 851, tỉnh Đội Cao Bằng với nhiệm vụ rà phá bom mìn tại xã Sóc Hà, Hà Quảng (Cao Bằng) trước khi xây dựng cửa khẩu Sóc Giang. Từ khi nhập ngũ, anh được về phép thăm nhà 2 lần. Chị Ánh Nguyệt rưng rưng kể lại: Lần về phép cuối cùng là năm 1990, em tặng mẹ và các chị, em mỗi người một tấm khăn để che đầu khi làm đồng cho đỡ nắng rồi hẹn cuối năm về nhà ăn Tết. Nhưng Cường không về ăn Tết như đã hẹn. Cho đến tận buổi sáng ngày 11 tháng Giêng năm đó, mẹ tôi ngồi bậu cửa ngóng con, thì có một bác ở Huyện Đội đến nhà chơi. Bác ấy tuy chỉ hỏi han xa gần, nhưng mẹ tôi thấy bồn chồn, lo lắng quá nên gặng hỏi về con trai. Cuối cùng, bác ấy đành thở dài báo tin, con trai mẹ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ rà phá bom mìn còn sót lại sau chiến tranh. Bác ấy là người đến báo tin, nhưng vì thương bà quá mà chần chừ mãi mới nói ra được. Mẹ tôi chết lặng như không tin đó là sự thật. Chôn cất em Cường xong, ngày nào thắp hương mẹ cũng khóc. Sau khi anh Cường hy sinh, anh Hoàng Văn Nhì, người bạn thân nhất của liệt sĩ đã đến nhà và xin nhận làm con nuôi của Mẹ. Anh Nhì bùi ngùi nhớ lại: Anh Cường tính tình tốt bụng, hiền lành, trách nhiệm với công việc, chín chắn hơn so với bạn cùng trang lứa và hay giúp đỡ mọi người. Tôi ra quân, về xin được làm con của Mẹ để được thay Cường chăm sóc Mẹ khi ốm đau.

 

Chồng và con trai duy nhất hy sinh, Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Minh sống cùng gia đình trong sự yêu thương, trân trọng của xóm giềng và các cấp chính quyền, đoàn thể xã hội. Cảm phục tấm gương hy sinh của Mẹ, Chi cục Thuế huyện Đồng Hỷ đã xin nhận phụng dưỡng Mẹ tới cuối đời. Anh Nguyễn Văn Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Thuế Đồng Hỷ chia sẻ, chúng tôi rất vui và vinh dự vì được góp sức mình phụng dưỡng Mẹ. Tuy đã mắt mờ, chân chậm nhưng qua những câu chuyện hàng ngày, Mẹ thường động viên chúng tôi vượt qua khó khăn, trau dồi, rèn luyện phẩm chất, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

 

Chúng tôi ra về khi bóng chiều dần buông, hình ảnh Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Minh cao cả, chất phác, nồng hậu đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng chúng tôi. Có thể nói, các Mẹ thực sự là biểu tượng cao đẹp của đức hy sinh, việc phụng dưỡng Mẹ không chỉ là ân tình sâu nặng mà còn là trách nhiệm của thế hệ hôm nay và mai sau đối với các liệt sĩ nói chung và Mẹ Việt Nam Anh hùng nói riêng.