Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam vừa có cuộc làm việc với các bộ, ngành và Ban soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ quy định tiêu chuẩn, thủ tục bổ nhiệm, miễn nhiệm chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đề nghị đại diện các bộ, ngành thảo luận những vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau liên quan đến tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư, tập trung vào một số điểm lớn: Trước hết là quy định công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư đối với ứng viên ở một số ngành đặc thù như văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao, bác sĩ tham gia đào tạo thực hành trong các bệnh viện, các nhà khoa học làm việc tại các cơ sở nghiên cứu nhưng không làm công tác giảng dạy. Thứ hai là tiêu chuẩn ngoại ngữ; thời gian giảng dạy đại học; phương thức tính điểm quy đổi bài báo khoa học thay cho viết sách, chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học công nghệ và hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh. Thứ ba là cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của hội đồng giáo sư các cấp nhằm khắc phục các bất cập, hạn chế hiện nay, bảo đảm thành viên các hội đồng là những nhà khoa học đầu ngành, có chuyên môn và uy tín, làm việc theo cơ chế công khai, có trao đổi và tranh luận. Thứ tư là bảo đảm quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục đại học trong việc đề nghị xét công nhận và bổ nhiệm những người đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư.
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Bùi Văn Ga cho biết Dự thảo Quyết định có một số thay đổi nhằm nâng cao chất lượng xét công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư như tăng tổng điểm công trình khoa học quy đổi; quy định số lượng bài báo công bố quốc tế; viết sách phục vụ đào tạo; đổi mới tổ chức, hoạt động của hội đồng giáo sư các cấp… Tiêu chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư được xây dựng theo hai nhóm ngành lớn là nhóm ngành Khoa học Tự nhiên, Kỹ thuật và Công nghệ, nhóm ngành Khoa học Xã hội và Nhân văn, để phù hợp với đặc thù từng nhóm ngành này.
Theo Tổng Thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước Trần Văn Nhung, Dự thảo Quyết định nhằm đánh giá năng lực của các ứng viên trên “ba cạnh của một tam giác” là nghiên cứu khoa học, giảng dạy, đóng góp cho xã hội và “lý tưởng hơn cả nếu đây là một tam giác đều”.
Giáo sư Nguyễn Quang Liêm, Hội đồng Giáo sư ngành Vật lý, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam nêu quan điểm: Quy định phạm vi đối tượng được xét công nhận đạt tiêu chuẩn GS, PGS chỉ gồm những người đang công tác tại các cơ sở đào tạo đã khiến những người làm việc tại các cơ sở nghiên cứu chịu "thiệt thòi''. Trong các viện nghiên cứu có vị trí trợ lý, nghiên cứu viên, nghiên cứu viên chính, nghiên cứu viên cao cấp, nhưng trong các cơ sở giáo dục đào tạo lại có trợ giảng, giảng viên, giảng viên chính, rồi đến Phó Giáo sư, Giáo sư; đã đến lúc cần xem xét Giáo sư, Phó Giáo sư là danh tiếng hay là một chức danh nghề nghiệp để quy định thống nhất.
Đi vào một số vấn đề cụ thể, Thứ trưởng Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch Trịnh Thị Thủy cho rằng đối với ngành đặc thù như văn hóa nghệ thuật, năng lực, phẩm chất và những đóng góp của các Giáo sư, Phó Giáo sư thể hiện chủ yếu qua những sáng tác, thiết kế, dàn dựng các tiết mục biểu diễn chứ không chỉ là các công trình nghiên cứu, bài báo khoa học. Cùng quan điểm, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường chỉ rõ: Theo quy định trong Dự thảo, các bác sĩ làm công tác giảng dạy thực hành cho sinh viên y khoa trong các bệnh viện sẽ không có cơ hội được xét công nhận Giáo sư, Phó Giáo sư vì y khoa là một ngành đặc thù, trong quá trình học tập, sinh viên phải thực hành rất nhiều trong bệnh viện dưới sự hướng dẫn của các bác sĩ làm việc trong bệnh viện chứ không phải là trường đại học. Bên cạnh đó, các bác sĩ có rất nhiều giải pháp mang tính ứng dụng cao nhưng hàm lượng khoa học rất khó để công bố quốc tế nếu không được tiếp tục nghiên cứu trong các phòng thí nghiệm hiện đại.
Từ thực tế trên, ý kiến các bộ, ngành cũng như Ban soạn thảo đồng tình với đề xuất cần tính đến đặc thù của ngành văn hoá nghệ thuật, ngành y tế hay các cơ sở nghiên cứu không tham gia giảng dạy từ trình độ đại học trở lên khi xét đạt tiêu chuẩn Giáo sư, Phó Giáo sư; thống nhất cần có sự tính điểm quy đổi công trình khoa học phù hợp với một số ngành đặc thù theo hệ số được điều chỉnh phù hợp cho từng giai đoạn và tiếp cận với xu thế thế giới. Tiêu chuẩn ngoại ngữ cần kế thừa những điểm tích cực trong quy định trước đây và để khuyến khích việc tham gia các dự án nghiên cứu, hợp tác, trao đổi giảng viên quốc tế, Dự thảo có quy định theo hướng các ứng viên cần thông thạo ít nhất một ngoại ngữ và đề cao yêu cầu giao tiếp được bằng một ngoại ngữ thông dụng trên thế giới. Các yêu cầu đối với ứng viên về hướng dẫn học viên cao học, nghiên cứu sinh, chủ trì thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ về cơ bản phải đồng bộ với việc đổi mới chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, chất lượng nghiên cứu khoa học.
Về tổ chức, hoạt động của hội đồng giáo sư các cấp, đại diện bộ, ngành đã phân tích điểm lợi của mô hình hội đồng ba cấp trước đây cũng như những điểm hạn chế và thống nhất cần có bước đổi mới, tiến tới theo đúng xu thế quốc tế. Cụ thể, các cơ sở giáo dục đại học, căn cứ vào yêu cầu của mình về chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư trước mắt và tương lai, được tự thành lập hoặc liên kết với cơ sở giáo dục đại học khác thành lập Hội đồng Giáo sư cấp cơ sở. Trong trường hợp cơ sở giáo dục chưa có đủ Giáo sư, Phó Giáo sư các chuyên ngành liên quan, có quyền được mời các Giáo sư, Phó Giáo sư bên ngoài. Điều này khắc phục tình trạng trước đây chỉ một số ít trường đại học đủ điều kiện được tự thành lập Hội đồng Giáo sư cơ sở. Đồng thời, hoạt động của Hội đồng Giáo sư cơ sở chủ yếu tập trung xem xét nhu cầu nhân sự, thủ tục, hồ sơ ứng viên còn việc đánh giá trình độ khoa học của ứng viên thì tùy vào điều kiện của từng trường. Bởi việc đánh giá cuối cùng sẽ do Hội đồng Giáo sư Nhà nước xem xét, quyết định hoàn toàn độc lập.
Với cách tiếp cận như vậy, Dự thảo Quyết định sẽ đổi mới cơ cấu tổ chức, phương thức hoạt động của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành. Theo đó, Chủ tịch Hội đồng Giáo sư Nhà nước - Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo căn cứ đề nghị của Tổng Thư ký Hội đồng Giáo sư Nhà nước để bổ nhiệm thành viên của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành là những nhà khoa học có chuyên môn, uy tín, xứng đáng là đại diện của các ngành, liên ngành khoa học. Các thành viên của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành có thể điều chỉnh, bổ sung hàng năm cho phù hợp với sự phát triển của các ngành khoa học. Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành họp nhiều lần trong năm để xem xét, đánh giá trình độ khoa học đối với các ứng viên trên nguyên tắc bàn bạc, tranh luận thẳng thắn, công khai, minh bạch.
Hội đồng Giáo sư Nhà nước công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh Giáo sư, Phó Giáo sư cho các ứng viên sau khi xem xét đầy đủ hồ sơ, cũng như dựa trên đánh giá khoa học từ Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành. Đây cũng là cơ quan xem xét việc đặc cách công nhận Giáo sư, Phó Giáo sư cho những nhà khoa học có đóng góp đặc biệt; trực tiếp đánh giá lại những trường hợp có nghi ngại về tính khách quan trong đánh giá khoa học của Hội đồng Giáo sư ngành, liên ngành trên tinh thần đối thoại công khai.
Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương tiếp thu ý kiến đóng góp với tinh thần cầu thị, khoa học, công khai, minh bạch, tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Quyết định, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành./.