Hội thảo báo chí "Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh, liệt sĩ - Lý luận và thực tiễn"

13:29, 14/07/2017

Ngày 14-7 tại Hà Nội, Tạp chí Lao động và Xã hội phối hợp với Cục Người có công (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) và Viện Hồ Chí Minh và các đồng chí lãnh đạo Đảng tổ chức Hội thảo báo chí “Chủ tịch Hồ Chí Minh với công tác thương binh - liệt sĩ: Lý luận và thực tiễn".

Hội thảo được tổ chức nhân kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017). Tham dự Hội thảo có gần 100 đại biểu đại diện một số cơ quan báo chí Trung ương và địa phương khu vực phía Bắc.

 

Tại Hội thảo, các đại biểu đã được nghe các nhà khoa học tham luận nhiều nội dung về công tác thương binh, liệt sĩ và sự quan tâm của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thương binh, liệt sĩ như: Tư tưởng Hồ Chí Minh với công tác thương binh, liệt sĩ, vận dụng sáng tạo trong việc nâng cao chất lượng chăm sóc người có công hiện nay; Công tác thương binh, liệt sĩ từ đạo lý dân tộc đến tư tưởng Hồ Chí Minh; 70 năm hình thành và phát triển chính sách người có công và các kiến nghị hoàn thiện…

 

Tham luận của các đại biểu đều cho rằng, trong suốt 24 năm trên cương vị người đứng đầu nhà nước, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn khẳng định công lao to lớn của các thương binh, liệt sĩ và người có công với đất nước. Cảm thông với những thiệt thòi của thương binh, liệt sĩ và gia đình của họ trong cuộc sống hòa bình, Bác kêu gọi đồng bào chia sẻ với những tâm tư, mất mát lớn của thương binh, liệt sĩ. Người khẳng định: Thương binh, bệnh binh, gia đình quân nhân, gia đình liệt sĩ là những người có công với Tổ quốc, với nhân dân. Ngày 16-2-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 20 về chế độ “Hưu bổng, thương tật và tiền tuất cho thân nhân tử sĩ”. Đây là văn bản đầu tiên của Đảng và Nhà nước về chế độ, chính sách đối với thương binh, thân nhân liệt sĩ.

 

Tháng 6-1947, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị Chính phủ chọn ngày làm “Ngày Thương binh toàn quốc”. Thực hiện chỉ thị của Người, một hội nghị gồm đại biểu các cơ quan, các ngành ở Trung ương, khu và tỉnh Thái Nguyên đã họp ở xã Phú Minh (Đại Từ) và nhất trí lấy ngày 27-7 hàng năm làm “Ngày Thương binh toàn quốc”. Ngày 27-7-1947, đại diện Đảng bộ Việt Minh, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Cục Chính trị quân đội cùng chính quyền và nhân dân địa phương đã mít tinh tại cây đa xóm Bàn Cờ, xã Hùng Sơn (Đại Từ) nghe công bố bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi Ban Tổ chức “Ngày Thương binh toàn quốc”. Như vậy, bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn liền với sự kiện ra đời “Ngày Thương binh toàn quốc” và từ năm 1955 đổi tên thành Ngày Thương binh, liệt sĩ.

 

Cũng tại Hội thảo, đại diện Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cũng tham luận một số nội dung về công tác thương binh, liệt sĩ và người có công trong thời gian qua; đại diện các cơ quan báo chí đã trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm truyền thông về công tác thương binh, liệt sĩ đặc biệt nhân dịp Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ.