Sáng 29-7, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã tổ chức Hội thảo “Biên niên lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1936-2016”. Dự Hội thảo có lãnh đạo Sở Khoa học & Công nghệ, các chuyên gia, các nhà khoa học, thành viên Ban biên soạn; đồng chí Lê Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Đề tài chủ trì Hội thảo.
Lịch sử của tỉnh Thái Nguyên gắn liền với dòng chảy của lịch sử cách mạng Việt Nam. Sự ra đời cơ sở Đảng đầu tiên của tỉnh vào cuối năm 1936 tại xã La Bằng, huyện Đại Từ là dấu mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử Đảng bộ tỉnh, từ đây phong trào cách mạng của Thái Nguyên dưới sự lãnh đạo của Đảng được hòa chung vào phong trào cách mạng của cả nước và đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác. Để ghi lại những đóng góp và thành quả cách mạng của Đảng bộ và nhân dân trong 80 năm lịch sử, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy đã thực hiện Đề tài “Biên niên lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1936-2016”. Sau hơn 1 năm nghiên cứu, biên soạn, biên tập đến nay một số nội dung của cuốn biên niên đã hoàn thành.
Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung đóng góp ý kiến nêu bật tính cấp thiết của Đề tài; nêu rõ những nội dung cần làm rõ, sai sót cần chỉnh sửa, cụ thể như: không nên trích lịch sử đảng bộ của các địa phương vào cuốn biên niên; các nội dung đưa trong từng mục phải có sự cân đối; tổng thể cuốn biên niên vẫn là tổng hợp các chuyên đề, chưa sắp xếp theo trình tự lịch sử; nội dung trong nhiều phần tập trung trích dẫn các cuốn lịch sử của tỉnh, các địa phương, thiếu tính thực tiễn…
Phát biểu Kết luận Hội thảo, đồng chí Lê Văn Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Chủ nhiệm Đề tài khẳng định: Cuốn “Biên niên lịch sử Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 1936-2016” là sự cụ thể hóa nội dung Đề án số 04-ĐA/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Tăng cường công tác nghiên cứu, biên soạn, tuyên truyền, giáo dục lịch sử truyền thống cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016-2020”. Sau khi phát hành sẽ là nguồn tư liệu quý giá phục vụ công tác nghiên cứu, tra cứu về truyền thống quê hương cách mạng, lịch sử đảng bộ địa phương, bồi dưỡng tinh thần yêu nước trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là thế hệ trẻ trong tỉnh. Ban Biên soạn Đề tài tiếp thu những ý kiến đóng góp của các chuyên gia nghiên cứu lịch sử, các vị đại biểu, tiếp tục chỉnh sửa, biên tập, nghiên cứu, biên soạn hoàn chỉnh các nội dung còn lại để phục vụ cho lần hội thảo tiếp theo. Đồng chí nhấn mạnh những nội dung cần bàn để thống nhất, để cuốn biên niên sau khi hoàn thành đảm bảo tính khoa học, chính xác, trung thực. Đồng thời yêu cầu các thành viên Ban Biên soạn tiếp thu có chọn lọc các ý kiến phát biểu tại Hội thảo để chỉnh sửa, bổ sung trong quá trình nghiên cứu Đề tài.