Lược ghi các ý kiến thảo luận tổ tại Kỳ họp thứ 5 HĐND tỉnh, khóa XIII

22:32, 20/07/2017

Chiều 20-7, trong phiên thảo luận tổ, các đại biểu HĐND tỉnh đã có hơn 60 lượt ý kiến, giúp làm rõ nhiều vấn đề được các đại biểu và cử tri quan tâm.

* Cần đảm bảo tính mạng cho người dân khi qua cầu tràn

 

Đại biểu Nguyễn Hoàng Mác, Đoàn T.P Thái Nguyên.

 

Trong mùa mưa bão năm nay, trên địa bàn tỉnh đã có 5 người bị lũ cuốn trôi khi đi qua cầu tràn. Điều này gây hoang mang trong nhân dân. Trong số các cầu tràn trên địa bàn tỉnh, nhiều cầu được xây dựng cách đây mấy chục năm, không còn đảm bảo an toàn cho người dân đi qua đây, nhất là vào những ngày mưa lũ và trước tình hình thời tiết ngày càng cực đoan, bất thường. Đề nghị UBND tỉnh và các ngành liên quan xem xét cải tạo, nâng cấp hệ thống cầu tràn để vừa đáp ứng được nhu cầu đi lại, vừa đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân trong mùa mưa lũ.

 

Chưa đưa ra được nguyên nhân và giải pháp cụ thể để cải thiện chỉ số ParIndex

 

Đại biểu Lê Thanh Tuyết (Đoàn Phổ Yên).

 

Chỉ số cải cách hành chính (ParIndex) năm 2016 của tỉnh xếp thứ 54/63 tỉnh, thành. Đây là thứ hạng thấp. Đề nghị UBND tỉnh làm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp cụ thể nhằm nâng cao chỉ số này trong thời gian tới, đồng thời cần tập trung giúp đỡ các địa phương tăng cường hơn nữa cơ sở vật chất cho các bộ phận một cửa liên thông; rà soát lại thủ tục hành chính, bãi bỏ các thủ tục rườm rà, tạo sự thông thoáng cho nhân dân khi đến giao dịch.

 

* Về báo cáo, tờ trình, dự thảo Nghị quyết kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng đầu năm, nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm:

 

Đây là nội dung thu hút được nhiều đại biểu quan tâm. Theo đại biểu ĐB Phan Thị Thu Hằng (Tổ T.P Thái Nguyên) và ĐB Nguyễn Thị Mai (Tổ huyện Phú Lương) để cải thiện chỉ số cải cách hành chính (ParIndex) của tỉnh, đề nghị UBND tỉnh cần chỉ rõ nguyên nhân, đề ra các giải pháp cụ thể để nâng cao chỉ số này trong thời gian tới. Ở nội dung giải ngân các nguồn vốn, ĐB Lê Văn Tâm (Tổ T.X Phổ Yên) có ý kiến: Tính đến giữa tháng 7, kết quả giải ngân các nguồn vốn đầu tư công do địa phương quản lý đạt thấp. Một số nguồn vốn, chương trình chậm giao kế hoạch chi tiết. Đề nghị UBND tỉnh cần có những giải pháp quyết liệt, cụ thể để đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn này nhằm đảm bảo kế hoạch đề ra. ĐB Nguyễn Thị Thúy Nga (Tổ huyện Phú Bình) đề nghị bổ sung vào Nghị quyết này nội dung cần tăng cường công tác quản lý Nhà nước về công tác thông tin tuyên truyền, định hướng dư luận; tăng cường công tác quản lý trong ngành giáo dục để tránh tình trạng lạm thu đầu năm học mới. ĐB Phạm Văn Sỹ (Tổ huyện Đồng Hỷ) nêu: Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có không ít dự án đã được cấp phép đầu tư nhưng lại không triển khai thực hiện, làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân, nhất là trong vùng dự án cũng như đến công tác thu hút đầu tư của địa phương. Do đó, đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu gắn điều kiện cấp phép đầu tư để dễ dàng trong việc thu hồi các dự án chậm tiến độ. Đồng tình quan điểm này, một số đại biểu cho rằng, tỉnh cần “mạnh tay” hơn nữa trong việc thu hồi dự án không có hiệu quả. ĐB Trần Văn Khương (Tổ T.P Thái Nguyên): Diện tích chè trồng mới và trồng lại theo kế hoạch là 1.000ha nhưng mới thực hiện được 65ha; giá trị xuất khẩu chè cũng chỉ đạt 2,1 triệu USD (bằng 76,7% so với cùng kỳ năm 2016). Đề nghị tỉnh làm rõ nguyên nhân và đưa ra giải pháp.

 

* Về Đề án phát triển kinh tế tập thể tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2017-2020:

 

- ĐB Dương Văn Lượng (Tổ huyện Phú Bình) và ĐB Nguyễn Văn Cường (Tổ T.X Phổ Yên) cho rằng: Khu vực kinh tế tập thể, nhất là các HTX nông nghiệp lâu nay gặp rất nhiều khó khăn. Vì vậy, Đề án cần đưa ra các chính sách hỗ trợ cụ thể để xây dựng các HTX kiểu mẫu, từ đó nhân rộng mô hình này tại các địa phương. Đồng tình với quan điểm này, ĐB Nguyễn Thị Hà (Tổ huyện Đồng Hỷ) cho rằng: Việc đầu tư hỗ trợ nguồn nhân sự theo Đề án còn thấp. Đề nghị tỉnh dành nhiều nguồn lực hơn nữa cho ban quản lý HTX và trong phát triển sản xuất. Còn theo ĐB Lê Văn Tâm: (Tổ T.X Phổ Yên), UBND tỉnh cần làm rõ kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực. Vì theo Quyết định 2261/QĐ-TTg và Thông tư 340/TT-BTC của Bộ Tài chính, nguồn kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng và thu hút nguồn nhân lực vào các HTX do ngân sách Trung ương đảm bảo 100%. Tuy nhiên, trong Đề án này lại đề nghị ngân sách tỉnh hỗ trợ.

 

* Về vấn đề giá thịt lợn giảm mạnh, làm ảnh hưởng đến người chăn nuôi:

 

Theo ĐB Ngô Quảng Bá (Tổ T.P Sông Công) thì một trong những nguyên nhân là do người dân đầu tư ồ ạt, thiếu sự định hướng của ngành chức năng. Do đó, tỉnh cần chỉ đạo cơ quan chuyên môn quan tâm, làm tốt công tác dự tính, dự báo về nhu cầu, khả năng tiêu thụ của thị trường, để các địa phương cũng như người dân xác định được quy mô đầu tư hợp lý, tránh thiệt hại nặng nề như thời gian qua. Cũng liên quan đến nội dung này, một số đại biểu cho rằng, UBND tỉnh cần làm rõ giá trị sản xuất ngành nông nghiệp 6 tháng đầu năm vẫn đạt mức tăng 3% so với cùng kỳ.

 

* Đối với chương trình xây dựng Nông thôn mới:

 

Theo ĐB Dương Văn Tiến (Tổ huyện Võ Nhai): Mặc dù tỉnh đã có chủ trương xây dựng các bể thu gom rác thải nguy hại tại các cánh đồng để bà con tiện vứt vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật sau khi sử dụng. Tuy nhiên, do chưa có điểm tập kết và hướng dẫn xử lý nên bà con vẫn tự đốt. Điều này không đảm bảo an toàn về thu gom, xử lý đối với chất thải nguy hại. Đề nghị tỉnh sớm đưa ra phương án xử lý thích hợp. Còn theo ĐB Dương Văn Hiến (Tổ T.X Phổ Yên): Đầu năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Bộ tiêu chí và hướng dẫn thực hiện Bộ tiêu chí về xã nông thôn mới (NTM), xã NTM kiểu mẫu, xóm NTM kiểu mẫu và hộ gia đình NTM tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2017-2020. Theo Bộ tiêu chí này, để đạt xã NTM kiểu mẫu thì xã đó phải có ít nhất 1 xóm không có hộ nghèo. Qua đánh giá thực tế tại các địa phương, tiêu chí này rất khó thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh sớm có sự điều chỉnh cho phù hợp.

 

* Đối với một số báo cáo, tờ trình và nội dung có liên quan khác:

 

- ĐB Nguyễn Văn Mậu (Tổ huyện Đại Từ): Việc giải quyết các loại án dân sự, hành chính, kinh tế, lao động đạt rất thấp. Bên cạnh đó, có những vụ việc để kéo dài nhiều năm, gây bức xúc trong nhân dân. Đề nghị ngành Tòa án có giải pháp nhằm nâng cao công tác xét xử. ĐB Nguyễn Thị Mai (Tổ huyện Phú Lương) đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng sớm tiến hành việc rà soát lại 3 loại rừng trên địa bàn tỉnh để đưa một số diện tích rừng phòng hộ ít xung yếu thành rừng sản xuất, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế đồi rừng của người dân. ĐB Nguyễn Như Tuấn (Tổ huyện Phú Bình) cho rằng: Tỉnh và T.P Thái Nguyên cần có những giải pháp khắc phục đồng bộ, hiệu quả tình trạng ngập úng  trên địa bàn T.P Thái Nguyên hiện nay. ĐB Phạm Văn Sỹ (Tổ huyện Đồng Hỷ) đề nghị UBND tỉnh quan tâm giải quyết dứt điểm hậu quả tình trạng sụt lún tại Trại Cau. ĐB Nguyễn Hoàng Mác (Tổ T.P Thái Nguyên) tỏ ra khá bức xúc: Một số cơ quan báo chí Trung ương và nhiều trang mạng xã hội thời gian qua đăng tải những thông tin thiếu chính xác trong công tác quản lý, điều hành của chính quyền các cấp của tỉnh cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp trên địa bàn. Tuy nhiên, cơ quan quản lý nhà nước của tỉnh về lĩnh vực này chưa phản ứng kịp thời và cương quyết. Đề nghị UBND tỉnh và ngành chức năng có biện pháp can thiệp hiệu quả. ĐB Đỗ Đức Công (Tổ T.P Thái Nguyên) cho rằng, vẫn còn tình trạng chậm giải quyết ý kiến, kiến nghị của công dân; ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa quan tâm đúng mức đến công tác này. Đề nghị UBND tỉnh đưa ra các biện pháp khắc phục tình trạng này. ĐB Ngô Quảng Bá (Tổ T.P Sông Công) đã dẫn chứng một số nội dung trả lời trong báo cáo chưa phù hợp với ý kiến, kiến nghị của cử tri. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm, chỉ đạo để trả lời chính xác.

 

- Ông Nguyễn Hùng Tráng, Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho rằng: Theo Dự thảo mức giá đề nghị dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của Quỹ bảo hiểm y tế trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước trên địa bàn tỉnh thì hầu hết các dịch vụ đều được đề nghị ở mức giá cao nhất. Như vậy là chưa hợp lý. Đề nghị UBND tỉnh xem xét, giải trình làm rõ. Ngoài ra, theo Điểm 10, quy định tại Thông tư số 02/2017/TT-BYT ngày 15-3-2017 của Bộ Y tế về khám sức khỏe cho người xuất khẩu lao động, mức giá dịch vụ khám sức khỏe cho người đi lao động nước ngoài cao gấp 3 lần so với khám sức khỏe cho lao động trong nước. Đề nghị tỉnh báo cáo Bộ Y tế nghiên cứu xem xét, sửa đổi cho phù hợp.