Quan tâm, chăm lo hơn nữa hoạt động Đền ơn đáp nghĩa

08:00, 14/07/2017

Thực hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong suốt 70 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta không ngừng chăm lo cho các thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ và người có công với cách mạng về nhà ở, chế độ nuôi dưỡng, điều dưỡng sức khỏe, giáo dục, y tế… Những chính sách ấy thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với đồng bào, chiến sĩ đã hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc.

Thái Nguyên đang quản lý thực hiện chính sách ưu đãi cho trên 130 nghìn người có công với cách mạng, chiếm 10,86% dân số. Hằng tháng, toàn tỉnh chi trả trợ cấp ưu đãi cho trên 23 nghìn người với tổng kinh phí hàng năm trên 650 tỷ đồng; trong đó có 1.158 người hoạt động cách mạng trước năm 1945, người hoạt động cách mạng từ 01/01/1945 đến trước tổng khởi nghĩa; 6 Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân; 7.189 thương binh, người hưởng chính sách như thương binh; 2.742 bệnh binh. Trên 95 nghìn người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc được tặng thưởng Huân chương, Huy chương kháng chiến đã được hưởng chính sách ưu đãi một lần. Ngoài ra, tỉnh đang quản lý thực hiện chế độ ưu đãi về bảo hiểm y tế cho hơn 30 nghìn người có thời gian tham gia kháng chiến...

Những năm qua, phong trào "Đền ơn đáp nghĩa" đã được xã hội hóa sâu rộng, huy động được sức mạnh của toàn xã hội, như: Xây dựng Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, nhà tình nghĩa; nhận phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam Anh hùng; chăm sóc, giúp đỡ thương binh, bệnh binh nặng, bố mẹ liệt sĩ già yếu, cô đơn, con liệt sĩ mồ côi cùng nhiều hoạt động tình nghĩa thiết thực khác. Việc thực hiện các chế độ, chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở quan tâm triển khai thực hiện kịp thời, đúng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người có công, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

 

Được sự ủng hộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn, 5 năm qua, toàn tỉnh đã vận động được trên 42 tỷ đồng vào Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”. Từ nguồn Quỹ này, cùng với sự hỗ trợ của các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các địa phương trong tỉnh đã phối hợp, hỗ trợ xây mới 572 nhà tình nghĩa trị giá trên 23,8 tỷ đồng; sửa chữa 93 nhà trị giá trên 1,4 tỷ đồng cho các gia đình chính sách người có công với cách mạng có khó khăn về nhà ở của 180 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Nguồn Quỹ cũng được dùng để hỗ trợ các địa phương xây mới, sửa chữa các công trình ghi công liệt sĩ, tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng chính sách vào những dịp lễ, Tết.

 

Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã chủ động, tranh thủ các nguồn vốn đầu tư của Trung ương, của tỉnh và đóng góp của nhân dân trong tỉnh, xây dựng, sửa chữa được 47 nghĩa trang, đài tưởng niệm, đền thờ các Anh hùng liệt sĩ tại Khu di tích 27-7 (Đại Từ), T.P Sông Công, T.P Thái Nguyên và các huyện Đồng Hỷ, Định Hóa, Phú Lương, Võ Nhai, Phổ Yên... Hàng năm, phần mộ liệt sĩ tại các nghĩa trang đều được tôn tạo, tu sửa. Vào dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, Liệt sĩ năm nay, bằng nguồn kinh phí của Trung ương, của tỉnh và của nhân dân đóng góp, tỉnh đã cho sửa chữa, mở rộng khuôn viên Khu di tích lịch sử Quốc gia 27-7 ở thị trấn Hùng Sơn (Đại Từ) với tổng số kinh phí trên 30 tỷ đồng; nâng cấp, sửa chữa Nghĩa trang liệt sĩ Thái Nguyên - Bắc Kạn tại Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng... Bằng những việc làm thiết thực, ý nghĩa đó, Thái Nguyên đang phấn đấu đưa các công trình ghi công liệt sĩ thực sự trở thành các địa danh lịch sử, văn hóa ở địa phương, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ mai sau cũng như bày tỏ niềm tri ân đối với các bậc cha anh đã hy sinh vì dân, vì nước…

 

Công tác thăm hỏi, động viên, tặng quà các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công được quan tâm chu đáo. 39 Mẹ Việt Nam Anh hùng còn sống đều được các cơ quan, đơn vị nhận chăm sóc, phụng dưỡng tới cuối đời. Hàng năm, vào dịp lễ, Tết, các địa phương đều tổ chức thăm viếng đền thờ liệt sĩ, đài tưởng niệm, nghĩa trang liệt sĩ trên địa bàn; tổ chức đưa đón thân nhân liệt sĩ đi thăm viếng Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn; thăm hỏi, tặng quà một số trung tâm điều dưỡng người có công tỉnh ngoài, nơi có thương binh, bệnh binh là người Thái Nguyên đang đang được nuôi dưỡng...

 

Cùng với sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước, sự đùm bọc, giúp đỡ của nhân dân, đã có nhiều tập thể tiêu biểu trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”; nhiều tấm gương thương binh, gia đình liệt sĩ tiêu biểu đã không ngừng phấn đấu vươn lên tiếp nối truyền thống anh hùng trong học tập, lao động, sản xuất. Tuy nhiên, việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công trên địa bàn tỉnh còn gặp một số khó khăn, bất cập như: Chính sách ưu đãi đối với người có công thay đổi thường xuyên; văn bản hướng dẫn thực hiện của cấp trên chưa kịp thời, chưa đồng bộ, hướng dẫn chưa cụ thể, chưa sát thực gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện ở địa phương.

 

Thời gian tới, để tiếp tục thực hiện tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng và phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, các địa phương, đơn vị trên địa bàn tỉnh cần tập trung quan tâm thực hiện tốt một số nội dung như: Quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng, đưa các chính sách mới của Nhà nước đối với người có công đi vào cuộc sống; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến đến các tầng lớp nhân dân hiểu về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với công tác thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng; tiến hành rà soát quy trình, quy định nhằm giải quyết có hiệu quả các chế độ, chính sách đối với người có công; đẩy nhanh công tác tìm kiếm, quy tập, xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; chú trọng xã hội hóa phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”, huy động mọi nguồn lực để chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần đối với thương binh và người có công với cách mạng…