Tháng Bảy ở miền Trung lịch sử

09:13, 08/07/2017

Ngày 27-7-  là Ngày Lễ thiêng liêng để cả nước thể hiện lòng biết ơn với những người con đã cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc. Với Quảng Trị thì cả tháng Bảy trở thành mùa tri ân, mùa hành hương về miền ký ức hào hùng của những người con đất Việt. Và trong những ngày đầu tháng Bảy này, Đoàn công tác của tỉnh Thái Nguyên - quê hương ATK kháng chiến đã có hành trình ý nghĩa về với miền Trung lịch sử.

 

 

Điểm dừng chân đầu tiên của đoàn trong cuộc hành trình về Quảng Trị nhân Kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2017) là Ngã ba Đồng Lộc - địa danh đã đi vào lịch sử dân tộc, gắn liền với những chiến công của các đơn vị thanh niên xung phong trong kháng chiến chống Mỹ.

 

Ngã ba Đồng Lộc nằm trên con đường mòn Hồ Chí Minh, xuyên qua dãy Trường Sơn, là giao điểm của Quốc lộ 15A và tỉnh lộ 2 của Hà Tĩnh, thuộc địa phận xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Đây là một trong những điểm giao thông quan trọng trong chiến tranh, cho nên quân đội Mỹ đã tập trung nhiều máy bay thả bom nhằm cắt đứt đường tiếp tế cho chiến trường miền Nam. Tại ngã ba huyết mạch Bắc - Nam thời ấy, 10 cô gái thanh niên xung phong - tất cả đều là thiếu nữ tuổi đời còn rất trẻ đã chung chiến hào khốc liệt, lấp hố bom Mỹ dội xuống để không đứt mạch giao thông nối hậu phương với tiền tuyến miền Nam. Họ đã cùng nhau bất tử nằm lại trong lòng đất vào một buổi chiều nghiệt ngã và khốc liệt, lúc 16 giờ 30 phút ngày 24-7-1968.

 

Các cựu chiến binh của tỉnh Bắc Giang thăm Nhà bia tưởng niệm Liệt sĩ TNXP toàn quốc tại xã Đồng Lộc, huyện Can Lộc (Hà Tĩnh). Nhà bia khắc tên 1.950 Anh hùng, liệt sĩ thanh niên xung phong cả nước vào 10 nữ thanh niên xung phong ngã ba Đồng Lộc anh hùng.

 

Khu mộ của 10 nữ liệt sĩ chỉ cách nhà bia khắc tên 1.950 Anh hùng, liệt sĩ thanh niên xung phong cả nước hơn 300m và được đặt bên cạnh dấu tích hố bom năm xưa đã vùi lấp những cô gái tươi trẻ, thanh xuân. Chúng tôi cũng như mỗi người con đất Việt khi đến đây đều chùng bước chân và cúi đầu lặng lẽ dâng hoa, nén tâm hương trước các Anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì nền độc lập, tự do của dân tộc. Chị Nguyễn Thị Uyên, Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ xóm 13, xã Nghi Lâm, huyện Nghi Lộc (Hà Tĩnh) cho biết: Hằng năm, chi hội phụ nữ chúng tôi thường đến đây vào tháng Bảy để tưởng nhớ và dâng nén tâm hương ở phần mộ các chị. Nhớ về các chị cũng là động lực để chúng tôi làm tốt hơn nhiệm vụ của mình.

 

Rời ngã ba Đồng Lộc, Đoàn chúng tôi đã đến với Vũng Chùa – Đảo Yến để dâng hương viếng người anh cả của Quân đội Nhân dân Việt Nam – Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Mỗi ngày, nơi đây có hàng nghìn lượt người đến dâng hương, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với những công lao to lớn của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị tướng lừng danh thế giới.

 

Đoàn công tác của tỉnh thắp hương tưởng nhớ các Anh hùng liệt sĩ tại Nghĩa trang liệt sĩ Thái Nguyên - Bắc Kạn - nơi quy tập 383 mộ liệt sĩ của 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn.

 

Tâm điểm của cuộc hành trình về miền Trung là Quảng Trị với Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Quốc gia Đường 9, Thành cổ Quảng trị, sông Thạch Hãn... Nơi đây, chiến tranh đã đi qua, những đau thương cũng đã lắng xuống, Quảng Trị giờ là vùng đất thiêng được ghi nhớ trong trái tim của triệu người con đất Việt. Ngược dòng thời gian, ngày 20-7-1954, Hiệp định Geneve năm 1954 đã được ký kết với thỏa thuận lấy sông Bến Hải ở vĩ tuyến 17 chia đôi đất nước. Sự chia cắt này theo kế hoạch chỉ kéo dài 2 năm cho đến ngày tổng tuyển cử vậy mà kéo dài tận 21 năm cho đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng. Suốt 21 năm đất nước bị chia cắt, mảnh đất Quảng Trị trở thành chiến trường khốc liệt với bao mất mát đau thương, nhưng Quảng Trị cũng là mảnh đất kiên cường, chói ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng. Để rồi đi qua chiến tranh, Quảng Trị đã trở thành vùng đất thiêng mang trong mình bao máu xương của những người con ưu tú của Tổ quốc, dân tộc. Ở đó, mỗi tấc đất, mỗi dòng sông, mỗi gốc cây ngọn cỏ đã in dấu bao người con ngã xuống để giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc.

 

 

Không ở nơi đâu trên đất nước Việt Nam có nhiều nghĩa trang, nhiều mộ phần liệt sĩ như Quảng Trị. Toàn tỉnh hiện có 72 nghĩa trang với hơn 60 nghìn mộ liệt sĩ trong đó có hai nghĩa trang Quốc gia lớn nhất quy mô trên 10 nghìn phần mộ là Nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn và Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Đường 9. Những ngày này, các nghĩa trang tại Quảng Trị mỗi ngày tiếp đón cả nghìn lượt khách là những người con đất Việt đến dâng hương. Cựu chiến binh Nguyễn Hoàng Phúc ở xã Nga Mỹ, huyện Nga Sơn (Thanh Hóa) từng có nhiều năm chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị cho biết: Nhiều lần đến Nghĩa trang Trường Sơn nhưng mỗi lần đến đây tôi đều cảm thấy bồi hồi, nhớ đồng đội mà đau quặn lòng chỉ biết qua nén hương thơm thay lòng tri ân gửi các anh - những đồng đội Anh hùng.

 

Ký ức mùa hè đỏ lửa 81 ngày đêm năm 1972 Thành cổ Quảng Trị được ghi dấu tại Đài tưởng niệm Thành cổ giúp cho du khách hiểu thêm về những khốc liệt của chiến tranh, của đau thương mất mát, của sự anh dũng phi thường.

 

Nghĩa trang liệt sĩ Thái Nguyên - Bắc Kạn là 1 trong 45 nghĩa trang nằm trong quần thể Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn, được quy hoạch, xây dựng từ những năm 1980. Tại đây quy tập 383 mộ liệt sĩ của 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn. Sau nhiều năm, Nhà bia Nghĩa trang đã xuống cấp. Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Thương binh, liệt sĩ, được sự nhất trí của Tỉnh ủy, HĐND, UBND 2 tỉnh Thái Nguyên và Bắc Kạn, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội 2 tỉnh đã tổ chức tu bổ với tổng kinh phí 2,5 tỷ đồng thi công cải tạo các hạng mục đài tưởng niệm, tường bao, lát nền…; xây dựng mới hai bia đá khắc tên các Anh hùng liệt sĩ của hai tỉnh. Sau hơn 1 tháng thi công, các hạng mục công trình đã cơ bản hoàn thành đúng thời gian quy định.

 

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Vũ Văn Mão, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết: Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày thương binh liệt sĩ, ngành đã chỉ đạo các địa phương, phối hợp với các đơn vị quản lý các nghĩa trang để sửa chữa, chăm sóc tất cả các phần mộ liệt sĩ. Qua kiểm tra, các hạng mục thi công của nhà thầu đang được gấp rút hoàn thành tại Nghĩa trang liệt sĩ Thái Nguyên - Bắc Kạn bảo đảm chất lượng kỹ, mỹ thuật và sẽ được hoàn thiện trước ngày 27-7. Đồng chí cũng cho biết, chuyến hành trình về Quảng Trị lần này, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội được ủy quyền của lãnh đạo tỉnh dâng hương, đặt vòng hoa viếng các Anh hùng liệt sĩ, viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp, qua đó thể hiện sự tri ân của lãnh đạo, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh với các Anh hùng liệt sĩ.

 

Cùng với hai nghĩa trang Quốc gia, Quảng Trị có 2 nghĩa trang đặc biệt không có phần mộ cụ thể là Thành cổ Quảng Trị và Dòng sông Thạch Hãn. Trong bài thơ “Tấc đất thành cổ”, Nhà thơ Nguyễn Đình Lân đã viết:

 

“Nhẹ bước chân và nói khẽ thôi
Cho đồng đội tôi nằm yên dưới cỏ
Trời Quảng Trị trong xanh và lộng gió
Ru mãi bài ca Bất tử đến vô cùng”

 

Còn Nhà thơ Lê Bá Dương viết:


“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ mãi mãi ngàn năm”

 

Những câu thơ đã nói lên đầy đủ ý nghĩa đặc biệt của 2 nghĩa trang không phần mộ nhưng hòa vào trong đất, trong nước là máu xương những anh hùng của dân tộc Việt Nam. Đây Thành cổ với ký ức mùa hè đỏ lửa 81 ngày đêm năm 1972; mà ở đó là đỉnh cao của khốc liệt chiến tranh, của đau thương mất mát, của sự anh dũng phi thường. Trong 81 ngày đêm ấy, mảnh đất chưa đầy 2 cây số vuông thành nơi quân đội Mỹ trút xuống tổng cộng 330 nghìn tấn bom đạn. Bom đạn đã xóa sạch tất cả, giờ đây trong thành cổ chỉ còn màu xanh của cỏ. Đây dòng sông Thạch Hãn vào mùa hè đỏ lửa năm 1972 chứng kiến những cuộc tiến công bám sông mở đường dưới mưa bom bão đạn. Rồi những năm tháng ngăn chặn cuộc tiến công chiếm Thành cổ Quảng Trị, những lần vượt sông tiếp tế vũ khí, nhân lực… Dưới dòng sông này, đã có rất nhiều chiến sĩ đã mãi mãi nằm lại để giải phóng đất nước.

 

Lần đầu đến Quảng Trị, chị Đinh Thu Trang, cán bộ Văn phòng Tỉnh ủy không khỏi xúc động trước những câu chuyện hào hùng về Thành cổ. Chị cho biết: Hành trình lần này để lại cho tôi nhiều cảm xúc, tôi thấy mình phải có trách nhiệm hơn, phấn đấu hơn trong công việc để xứng đáng với những hi sinh của cha anh trong công cuộc bảo vệ độc lập, tự do cho đất nước.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Chí, Trưởng ban Quản lý Nghĩa trang Đường 9 cho biết: Tháng Bảy hằng năm, những dòng người ở khắp mọi miền đất nước nối nhau về miền Trung, về Quảng Trị để thành kính thắp hương cho những người con đã ngã xuống vì Tổ quốc. Có những ngày có tới hàng vạn lượt khách thăm viếng; họ là những thân nhân, đồng đội của các liệt sĩ: là những cựu chiến binh, là những đoàn thể, tổ chức… và những du khách, cùng nhân dân địa phương về đây để tri ân các anh, nhớ mãi về một thời hoa lửa và thấu hiểu vì sao Quảng Trị là đất thiêng, thấu hiểu những giá trị mà những Anh hùng liệt sĩ ngày hôm qua đã tạo nên trên mảnh đất thiêng Quảng Trị.