Đó là nhận xét của nhiều đại biểu tham dự phiên chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 5, HĐND tỉnh khóa XIII. Tại đây, lãnh đạo UBND tỉnh và một số sở, ngành đã đăng đàn trả lời về các vấn đề khá “nóng” được đại biểu và cử tri đặc biệt quan tâm. Báo Thái Nguyên lược ghi một số chất vấn, trả lời chất vấn tại Kỳ họp.
Về Kết luận thanh tra Dự án Núi Pháo
* Đại biểu Cao Việt Hùng, Tổ đại biểu huyện Đại Từ chất vấn: Thời gian qua cử tri đặc biệt quan tâm đến vấn đề ô nhiễm môi trường của Dự án Khai thác và chế biến khoáng sản Núi Pháo (Dự án Núi Pháo). Tôi được biết, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã có Kết luận thanh tra nội dung này. Cử tri rất mong lãnh đạo UBND tỉnh thông tin cụ thể kết quả thanh tra, những chỉ đạo của tỉnh về thực hiện Kết luận thanh tra và kế hoạch di dời các hộ dân vùng ảnh hưởng?
Đồng chí Nhữ Văn Tâm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh trả lời: Ngày 15-5-2017, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) đã tổ chức công khai Kết luận thanh tra Dự án Núi Pháo tại Văn phòng Bộ. Ngày 7-7-2017, tại UBND huyện Đại Từ, Đoàn Thanh tra của Bộ TN-MT đã phối hợp tổ chức thông tin kết quả thanh tra đến các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan và đại diện nhân dân các xóm bị ảnh hưởng. Kết luận thanh tra cho thấy Dự án Núi Pháo có một số tồn tại, vi phạm trong cả 4 lĩnh vực: đất đai, khoáng sản, tài nguyên nước và bảo vệ môi trường. Thanh tra Bộ TN-MT đã ra Quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với chủ dự án số tiền 510 triệu đồng.
UBND tỉnh đã yêu cầu Công ty TNHH Khai thác Chế biến khoáng sản Núi Pháo khẩn trương khắc phục theo Kết luận thanh tra và có kế hoạch di dời các hộ dân xã Hà Thượng ra khỏi khu vực ảnh hưởng với bán kính 500m (tính từ hàng rào nhà máy). Theo kế hoạch, việc di dời các hộ dân sẽ hoàn thành trong 3 năm (từ nay đến hết năm 2019). UBND tỉnh đang chỉ đạo các ngành, địa phương liên quan yêu cầu Núi Pháo bố trí đủ kinh phí để di dời các hộ dân xóm 3, xóm 4 xã Hà Thượng. Sở TN-MT có trách nhiệm giám sát chặt chẽ việc thực hiện của Núi Pháo.
Về quản lý giá, chất lượng vật tư nông nghiệp
* Đại biểu Lê Văn Tâm, Tổ đại biểu T.X Phổ Yên đặt câu hỏi: Cử tri ở nhiều địa phương đang rất băn khoăn về công tác quản lý giống cây trồng và thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Đề nghị UBND tỉnh cho biết công tác quản lý giá và chất lượng hai lĩnh vực trên?
Đồng chí Đoàn Văn Tuấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Về giá giống cây trồng, UBND tỉnh đã công bố giá đối cây giống xuất vườn của các loại cây lâm nghiệp. Đối với cây trồng khác, đã yêu cầu các tổ chức, cá nhân thực hiện niêm yết giá rõ ràng bằng cách in, dán, ghi giá trên bảng, trên giấy hoặc bao bì tại nơi giao dịch để thuận tiện cho việc quan sát, tránh nhầm lẫn của khách hàng. UBND tỉnh đã giao Sở Tài chính thường xuyên thanh tra, xử lý vi phạm quy định về niêm yết giá. Về giá thuốc BVTV, UBND tỉnh đã ban hành Quy định quản lý Nhà nước về giá, trong đó thuốc BVTV thuộc diện bình ổn giá. Quy định cũng chỉ rõ trình tự thẩm định, quyết định giá, tổ chức thực hiện kê khai giá, đăng ký giá đối với hàng hóa thực hiện bình ổn. UBND tỉnh đã chỉ đạo sở, ngành, địa phương tích cực thanh tra và xử lý các trường hợp vi phạm về giá thuốc BVTV trên địa bàn.
Về chất lượng giống cây trồng và thuốc BVTV, hàng năm UBND tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và PTNT, các địa phương thực hiện các giải pháp quản lý. Kết quả, giai đoạn 2013-2017, tỉnh đã tổ chức tậphuấn cho trên 30 nghìn lượt người kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV. Các cơ sở kinh doanh, buôn bán giống cây trồng và thuốc BVTV đều được cung ứng những sản phẩm chất lượng đã qua kiểm định. Chỉ đạo thực hiện hoạt động khảo nghiệm, sản xuất thử giống cây trồng theo quy định. Tăng cường thanh, kiểm tra chất lượng hai lĩnh vực này. Qua đó, kiểm tra 955 lượt cơ sở kinh doanh thuốc BVTV, phát hiện 152 trường hợp vi phạm; kiểm tra 66 cơ sở sản xuất, kinh doanh giống cây trồng, 1.280 hộ sử dụng thuốc BVTV, phát hiện nhiều sai phạm, đã nhắc nhở, yêu cầu khắc phục kịp thời...
Về những tồn tại trong thực hiện chính sách giáo dục
* Đại biểu Phan Thị Hương, Tổ đại biểu huyện Võ Nhai chất vấn: Đề nghị UBND tỉnh cho biết vì nguyên nhân nào khiến việc hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh và trường phổ thông ở xã, thôn đặc biệt khó khăn theo Nghị định số 86/2015/NĐ-CP bị chậm? UBND tỉnh có giải pháp gì trong vấn đề này?
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Chính sách về hỗ trợ của Chính phủ đối với trường hợp nêu trên có hiệu lực từ năm 2015, đến nay đã qua 2 năm học (2015-2016 và 2016-2017) nhưng tỉnh Thái Nguyên vẫn chưa được cấp một đồng kinh phí nào, mặc dù tỉnh đã có văn bản gửi Bộ Tài Chính báo cáo nhu cầu kinh phí và đề nghị quan tâm giải quyết.
Thực hiện Nghị định này, hàng năm, theo chỉ đạo, Phòng Giáo dục - Đào tạo các huyện đã tiến hành tổng hợp hồ sơ của các trường và lập dự toán trình UBND huyện phê duyệt, sau đó gửi Sở Tài chính tổng hợp tham mưu cho UBND tỉnh trình Bộ Tài chính cấp kinh phí để thực hiện. Mặc dù đây là nhiệm vụ chi của Bộ Tài Chính, song tỉnh xác định chính sách này có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nên trong điều kiện cho phép, tỉnh đã ứng ra 73 tỷ trên tổng số hơn 100 tỷ đồng để hỗ trợ cho học sinh. Tới đây, tỉnh sẽ có buổi làm việc với Bộ Tài chính về nội dung này để tiếp tục đề nghị được cấp đủ số tiền hỗ trợ trong 2 năm học qua và cấp kịp thời cho năm học mới 2017-2018.
* Đại biểu Hà Thị Hường, Tổ đại biểu huyện Phú Lương chất vấn: Trường Trung cấp Nghề dân tộc nội trú tỉnh hiện đã đi vào hoạt động được 7 năm. Tuy nhiên, đến nay, Trường vẫn phải đi dạy nhờ nơi khác. Đề nghị UBND tỉnh lãm rõ lý do chưa bố trí kinh phí xây dựng cơ sở vật chất Nhà trường và giải pháp của tỉnh trong thời gian tới?
Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh trả lời: Do không có nguồn bố trí để thực hiện dự án nên UBND tỉnh đã báo cáo và đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư bố trí nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2016-2020, với tổng mức dự kiến 150 tỷ đồng. Tuy nhiên, nguồn vốn ngân sách Trung ương cũng gặp nhiều khó khăn nên chưa có khả năng bổ sung. Vì thế, trong giai đoạn 2018-2020 Dự án sẽ chưa được triển khai.
Về giải pháp: Hiện tại, cơ sở vật chất của Trung tâm Dạy nghề huyện Phú Lương (nơi Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh đang dạy nhờ) cơ bản đáp ứng được nhu cầu đào tạo của nhà trường. Do đó, UBND tỉnh sẽ tổ chức rà soát, kiểm tra tình hình thực tế cơ sở vật chất của Trung tâm, chỉ đạo cơ quan chuyên môn phối hợp với UBND huyện Phú Lương tham mưu, xem xét điều chuyển cho Trường Trung cấp nghề dân tộc nội trú tỉnh quản lý sử dụng (sau khi Trường này cùng với 2 trung tâm khác được sáp nhập thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên theo chỉ đạo của cấp trên). Tiếp đó, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo sở, ngành, đơn vị liên quan rà soát lại thực trạng, hiệu quả hoạt động cũng như nhu cầu đầu tư để cắt giảm các hạng mục không cần thiết, đề xuất đầu tư các hạng mục thiết yếu để đáp ứng hoạt động của Nhà trường, báo cáo HĐND tỉnh xem xét, bổ sung kế hoạch đầu tư công trung hạn để thực hiện dự án.
Về nguyên nhân chỉ số cải cách hành chính đạt thấp
* Đại biểu Ân Văn Thanh, Tổ đại biểu huyện Đồng Hỷ chất vấn: Đề nghị Sở Nội vụ làm rõ nguyên nhân khiến chỉ số cải cách hành chính (CCHC) năm 2016 (Par Index) của tỉnh xếp hạng 54/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, giảm 32 bậc so với năm 2015. Đồng thời, đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao chỉ số CCHC của tỉnh năm 2017 và những năm tiếp theo?
Đồng chí Trần Dương Thịnh, Giám đốc Sở Nội vụ trả lời: Qua đánh giá có 8 nguyên nhân cơ bản, trong đó, đáng chú ý là những nguyên nhân sau: Do sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và trách nhiệm của người đứng đầu về công tác CCHC của một số cơ quan, đơn vị chưa đúng mức và quyết tâm chính trị chưa cao, chưa bố trí đầy đủ, kịp thời kinh phí để triển khai thực hiện CCHC. Việc kiểm tra các hoạt động công vụ, phát hiện và xử lý các vấn đề qua kiểm tra còn hình thức, chưa triệt để. Đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện việc tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) ở một số nơi còn thiếu trách nhiệm, kỷ luật chưa cao. Cơ sở hạ tầng, trang thiết bị phục vụ công tác tiếp nhận và trả kết quả tại các đơn vị, địa phương nhiều nơi chưa đảm bảo, phòng làm việc không đủ diện tích hoặc đã xuống cấp. Nhiều TTHC còn phức tạp, chưa rõ thời gian, trách nhiệm giải quyết, việc niêm yết chưa đầy đủ, kịp thời. Chất lượng giải quyết TTHC cho tổ chức, cá nhân trên địa bàn còn thấp, số hồ sơ giải quyết TTHC quá hạn gia tăng, các dịch vụ công chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu của người dân; hạ tầng về công nghệ thông tin chưa đảm bảo…
Một số giải pháp khắc phục, cải thiện như sau: Thành lập Đoàn kiểm tra của tỉnh về vấn đề này, kiểm tra từ 30% tổng số các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện trở lên. Xử lý kịp thời, triệt để những tồn tại phát hiện trong quá trình kiểm tra; tập trung thực hiện rà soát, đơn giản hóa các TTHC, nhất là các thủ tục liên quan đến đất đai, đầu tư, xây dựng… tạo cơ chế, môi trường thuận lợi thu hút đầu tư. Tăng cường niêm yết công khai, minh bạch, đầy đủ các TTHC bằng nhiều hình thức; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát tình hình tổ chức và hoạt động của các sở, banh, ngành và UBND cấp huyện, xử lý triệt để các vấn đề phát hiện qua kiểm tra; tập trung nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, tăng cường các giải pháp nhằm nâng mức đạt chuẩn cán bộ, công chức cấp xã (phấn đấu đạt 100%); xây dựng và phê duyệt Đề án vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp cho các đơn vị sự nghiệp công lập đủ điều kiện; đẩy nhanh xây dựng kiến trúc chính quyền điện tử, tăng cường các giải pháp thực hiện trao đổi văn bản giữa các cơ quan hành chính Nhà nước dưới dạng điện tử, kết nối, liên thông các phần mềm quản lý văn bản từ cấp tỉnh đến cấp xã…
Về xử lý các dự án chậm tiến độ
* Đại biểu Dương Văn Hiến, Tổ đại biểu T.X Phổ Yên chất vấn: Đề nghị lãnh đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết Dự án Vinaxuki Xuân Kiên và Dự án xây dựng Trường trung cấp nghề Cienco 8 trên địa bàn T.X Phổ Yên chủ đầu tư có triển khai nữa hay không? Nếu không triển khai thì việc giải quyết thu hồi dự án như thế nào?
Đồng chí Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Dự án Vinaxuki Xuân Kiên (KCN Nam Phổ Yên) được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tháng 4-2008. Tuy nhiên, từ năm 2012 đến nay, nhà đầu tư đã dừng hoạt động đầu tư dự án. Ngày 7-1-2015, Thường trực Tỉnh ủy đã có thông báo kết luận đồng ý chủ trương thu hồi dự án này. Dự án trên thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, nên đề nghị Ban này sớm tiến hành các thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và chấm dứt hoạt động của dự án theo quy định. Dự án đầu tư Trường Trung cấp nghề Cienco 8 được cấp Giấy chứng nhận đầu tư tháng 6-2009. Tuy nhiên, đến nay dự án đã chậm tiến độ hơn 7 năm. Thời gian tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở ngành liên quan và UBND T.X Phổ Yên sẽ tiếp tục làm việc với chủ đầu tư để bàn giải pháp xử lý. Nếu nhà đầu tư không có nguyện vọng tiếp tục thực hiện Dự án hoặc có nguyện vọng nhưng không thực hiện đúng cam kết thì Sở kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho UBND tỉnh tiến hành các thủ tục thu hồi Giấy chứng nhận đầu tư và chấm dứt hoạt động của Dự án theo quy định.
* Đại biểu Ân Văn Thanh, Tổ đại biểu huyện Đồng Hỷ chất vấn: Thời gian tới tỉnh sẽ có hướng xử lý như thế nào đối với các dự án không triển khai, chậm triển khai hoặc triển khai nhưng không đúng cam kết làm ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân?
Đồng chí Hoàng Thái Cương, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời: Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho UBND tỉnh hướng giải quyết như sau: Tiến hành rà soát và lập danh sách những dự án chậm triển khai hoặc không triển khai gây bức xúc trong nhân dân, báo cáo UBND tỉnh. Từ đó đề nghị UBND tỉnh thành lập Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra các dự án chậm tiến độ. Quan điểm là tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với những dự án mà nhà đầu tư còn năng lực, thực sự quyết tâm thực hiện nhưng do vướng mắc về thủ tục, giải phóng mặt bằng hoặc những vướng mắc liên quan đến cơ chế chính sách mà trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý Nhà nước. Đồng thời, kiên quyết đề nghị thu hồi với những dự án mà nhà đầu tư không thực hiện, không có khả năng thực hiện, hoặc chậm tiến độ do lỗi của nhà đầu tư.