Với chủ đề Hướng đến tương lai bền vững, Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam – Hà Lan là một trong những sự kiện xúc tiến đầu tư lớn nhất được tổ chức tại La Haye với sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Chính sách, Xã hội và Việc làm Hà Lan Lodewijck Asscher (Lo-đơ-vích A-sơ).
Đây là một trong những hoạt động hợp tác kinh tế - thương mại nổi bật trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức làm việc của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Cấp cao Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan.
Diễn đàn do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với Liên đoàn Công nghiệp và Giới chủ Hà Lan tổ chức với sự tham dự của 450 doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước; trong đó có gần 300 doanh nghiệp Hà Lan. Cũng tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chứng kiến việc trao đổi văn kiện, biên bản hợp tác giữa các doanh nghiệp hai nước với tổng trị giá khoảng 700 triệu USD.
Phát biểu đề dẫn tại Diễn đàn, Chủ tịch Hiệp Hội Doanh nghiệp Hoàng gia Hà Lan Micheal Van Straalen (Mi-chen Van Xta-a-len) cho biết có đến 99% doanh nghiệp ở Hà Lan là những công ty gia đình vừa và nhỏ nhưng khối doanh nghiệp này tạo ra đến 2/3 Tổng sản phẩm quốc nội và chiếm 70% tổng số việc làm. Ông Micheal Van Straalen cho rằng sự hơp tác giữa các công ty vừa và nhỏ trong nền kinh tế Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, điều này là rất quan trọng, góp phần tích cực vào việc thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Ở Hà Lan, những công ty toàn cầu vẫn hợp tác với các công ty nhỏ, qua đó tạo nên sự đa dạng và linh hoạt cho nền kinh tế.
Việt Nam và Hà Lan có rất nhiều sản phẩm nông nghiệp và ngư nghiệp truyền thống; cùng có hệ thống kênh rạch, đường thủy rộng khắp và cùng giống nhau vì phải ứng phó với biến đổi khí hậu. Hai nước tuy không có chung đường biên giới nhưng có chung mô hình phát triển. Ông Micheal Van Straalen hy vọng diễn đàn này sẽ là cơ hội tăng cường hợp tác giữa Chính phủ và doanh nghiệp hai nước.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Chính sách, Xã hội và Việc làm Hà Lan Lodewijck Asscher cho rằng việc ký kết hợp tác giữa các doanh nghiệp là quan trọng nhưng mục tiêu lớn hơn là làm thế nào để người dân được hưởng lợi. Với dân số hơn 90 triệu người, Việt Nam là một thị trường lớn. Việc EU thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA) sẽ tạo điều kiện vượt bậc cho quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) nói chung, Hà Lan nói riêng. Hà Lan sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm trong xây dựng các công trình thủy lợi, sản xuất nông nghiệp, thành phố thông minh, quản lý an toàn thực phẩm và ứng phó với biến đổi khí hậu với Việt Nam.
Phát biểu trước các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hai nước Việt Nam – Hà Lan, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết từ thế kỷ 17, những tàu buôn Hà Lan đã cập cảng Hội An, Quảng Nam, miền Trung Việt Nam – một di sản văn hóa thế giới do UNESCO công nhận. Những doanh nhân Hà Lan cũng là những doanh nhân phương Tây tiên phong giao thương tại Việt Nam. Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, vì lí do này, không có gì ngạc khi ngày nay Unilever, Heineiken… không chỉ là những thương hiệu Hà Lan được ưa chuộng mà còn là những nhà đầu tư thành công tại Việt Nam.
Thủ tướng nhấn mạnh Hà Lan là một trong những đối tác thương mại và thị trường lớn của Việt Nam tại châu Âu. Tổng số dân hai nước là trên 100 triệu người, kim ngạch hai chiều đạt trên 7 tỷ USD. Các thương hiệu nổi tiếng của Hà Lan như Unilever, sữa Cô gái Hà Lan, đồ gia dụng Philips rất được người Việt Nam tin dùng. Đến hết tháng 3/2017, đầu tư của Hà Lan vào Việt Nam đã đạt 7,65 tỷ USD, đứng đầu EU.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết Việt Nam đã ký 12 Hiệp định thương mại tự do và sắp tới đây là EVFTA. Việt Nam cam kết dỡ bỏ các hạn chế trong nhiều lĩnh vực như dịch vụ, viễn thông, tài chính, ngân hàng…cho phép nhà đầu tư nước ngoài tham gia không hạn chế và nâng tầm sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. Thủ tướng nhấn mạnh: “Các bạn có thể trở thành những cổ đông chiến lược đối với nhiều doanh nghiệp Nhà nước Việt Nam đang bán ra mạnh mẽ trên thị trường trong thời gian tới”.
Thông tin đến các nhà đầu tư, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết môi trường kinh doanh Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) thời gian qua đã tăng 9 bậc từ 91 lên 82/190 quốc gia. Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 60/138 quốc gia. Năm 2016, GDP của Việt Nam tăng 6,1% và năm nay dự kiến tăng 6,7%... Nhiều doanh nghiệp Việt Nam trong tốp 1.000 doanh nghiệp châu Á. Điển hình như Vinamilk - một doanh nghiệp sở hữu nguồn gốc doanh nghiệp Nhà nước thuộc tốp 10 trong danh sách 300 doanh nghiệp uy tín châu Á…
Thị trường chứng khoán Việt Nam được đánh giá là thị trường tăng trưởng nhanh nhất của châu Á. Quy mô Thị trường chứng khoán Việt Nam hiện nay đã lên trên 100 triệu USD, tính thanh khoản ngày càng được cải thiện. Không chỉ là thị trường 100 triệu dân, từ Việt Nam, các nhà đầu tư còn có thể tiếp cận với cộng đồng ASEAN với 700 triệu dân. Về điều kiện tự nhiên, Việt Nam còn có thế mạnh độc đáo trong phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao, có vựa trái cây nhiệt đới, cây lương thực.
Thủ tướng khẳng định chính sách của Việt Nam khuyến khích các doanh nghiệp Hà Lan tăng cường đầu tư, nâng cao năng lực chế biến sâu theo hướng Việt Nam có địa vị cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu. Theo Thủ tướng, Hà Lan có nền nông nghiệp xuất khẩu rất mạnh lên đến 94 tỷ USD hàng nông sản, trong khi Việt Nam những năm gần đây đã xuất khẩu trên 33 tỷ USD mặt hàng này.
Đặc biệt trước thách thức về biến đổi khí hậu đang ngày càng lớn tại Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: “Việt Nam chờ đợi sự quan tâm của khu vực kinh tế tư nhân của Hà Lan để giúp Việt Nam giải quyết những thách thức này. Đây cũng là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp Hà Lan, đặc biệt là những doanh nghiệp vừa và nhỏ”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng nếu biết tận dụng cơ hội, phát huy lợi thế ngoại giao, đặc biệt là trong bối cảnh EVFTA sắp được ký kết, Hà Lan - Việt Nam hoàn toàn có thể vượt xa hơn nhiều những thành quả đã đạt được cho đến hôm nay và trở thành sự kết nối kinh tế sâu sắc toàn diện giữa ASEAN và EU; giữa một bên là khu vực có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu thế giới và một bên là khối thị trường có sức cầu, có công nghệ và những công ty danh tiếng hàng đầu thế giới. Thủ tưóng cam kết Chính phủ Việt Nam chắc chắn luôn đồng hành, cùng chia sẻ, cùng bảo vệ các doanh nghiệp đầu tư của Hà Lan.
Cũng tại diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trao tặng món quà đặc biệt của Chương trình Thương hiệu Thực phẩm Việt Nam cho đại diện chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp Hà Lan. Hộp quà gồm 3 sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của thực phẩm Việt Nam đã được xuất khẩu ra nhiều nước trên thế giới. Thông qua sự kiện trên Thủ tướng Chính phủ đã đánh giá cao sự phối hợp hiệu quả của phía Hà Lan trong việc hỗ trợ cho sự phát triển bền vững của ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam, đặc biệt là Chương trình xây dựng thương hiệu thực phẩm quốc gia “Foods of Vietnam”.
*Chiều cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự Hội nghị Doanh nghiệp bàn tròn tập trung thảo luận về chủ đề thành phố thông minh và thành phố sân bay. Tại phần trao đổi về Hợp tác Thành phố thông minh Việt Nam - Hà Lan, đại diện phía Hà Lan đã giới thiệu nội hàm thành phố thông minh ở Hà Lan, những thách thức và triển vọng.
Theo đó, trong thời đại số hoá, Hà Lan đang hướng đến thiết kế những thành phố thông minh. Quan điểm này cũng nhận được sự tán thành của các doanh nghiệp và quan chức Chính phủ Việt Nam. Đại diện một số bộ, ngành cũng trao đổi về triển vọng xây dựng thành phố thông minh ở Việt Nam, đồng thời kêu gọi Chính phủ, các doanh nghiệp Hà Lan tích cực hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này.
Thảo luận về thành phố sân bay, phía Hà Lan đã trình bày những kinh nghiệm về phát triển thành phố sân bay với những sân bay trọng yếu có vai trò quan trọng, là trung tâm kết nối quốc tế, vùng cũng như kết nối với các thành phố chung quanh, qua đó phát huy hiệu quả cao nhất. Các doanh nghiệp Hà Lan cũng đưa ra những khuyến nghị phát triển cảng hàng không ở Việt Nam và mong muốn có nhiều cơ hội hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Phát biểu ý kiến tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ Việt Nam đang nghiên cứu nghiêm túc để áp dụng, phát triển thành phố thông minh. Thủ tướng mong đối tác Hà Lan chia sẻ kinh nghiệm trong lĩnh vực này, nhất là trong bối cảnh tới đây, mô hình này sẽ được xây dựng tại Bình Dương. Theo Thủ tướng, đây không đơn thuần chỉ là vấn đề giao thông mà còn là vấn đề liên quan đến người dân, chính sách...
Về thành phố sân bay, Thủ tướng cho rằng đột phá của ngành hàng không hiện nay là xây dựng các cảng hàng không hiện đại. Các mô hình thành phố sân bay thân thiện môi trường rất được quan tâm tại Việt Nam. Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu mô hình này. Thủ tướng hy vọng đối tác Hà Lan giúp đỡ, hỗ trợ Việt Nam triển khai các hoạt động này./.